Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính trong quy hoạch Thủ đô
BÀI LIÊN QUAN
Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển Quy hoạch tỉnh Nam Định: Có thêm 10 khu công nghiệp, 46 cụm công nghiệp Một xã tại TP Thái Nguyên quy hoạch 2 dự án khu đô thị, tòa nhà hỗn hợp quy mô dân số khoảng 7.000 ngườiTheo Nhà Đầu Tư, sáng 9/8 vừa qua đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội. Tại hội nghị, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, bao gồm cả các bước lập Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ thiết lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồng thời, thời gian lập đồ án sẽ không quá 15 tháng.
Dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, tổ chức lấy ý kiến cơ quan và tổ chức, cá nhân cũng như cộng đồng dân cư có liên quan… sau khi đã lựa chọn được đơn vị tư vấn. Dự kiến đến tháng 12 năm nay, TP Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh Quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065 và lồng ghép cùng báo cáo Quy hoạch Thủ đô.
Định hướng chung về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại của Thủ đô; nghiên cứu phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn; đầu tư phát triển 2 bên đường vành đai 4 cùng các trục cảnh quan; nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) cũng như hình thành cấu trúc không gian mới; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (Đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) thuộc các quận, huyện gồm Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
Liên quan đến quy hoạch này, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh: “Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung về giao thông cũng như sự phát triển của hai bên sông trong thời gian tới”.
Việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng khu vực trong ranh giới quy hoạch phân khu sông Hồng hoàn toàn phù hợp với định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đã xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 được duyệt trở thành cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.