meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vụ 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn: Công an điều tra dấu hiệu gây rối trật tự

Thứ ba, 03/12/2024-17:12
Người đưa ra mức giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 lô đất tại Sóc Sơn liên tục thay đổi lời giải thích khi được hỏi về lý do đẩy giá lên cao. Cơ quan công an cho biết, sẽ điều tra dấu hiệu gây rối trật tự công cộng và thực hiện giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực hành vi dân sự của một số khách hàng liên quan.

Liên quan đến vụ việc nhóm khách hàng đưa ra mức giá bất thường, trong đó có người trả đến 30 tỷ đồng/m2 trong buổi đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn vào ngày 29/11, Công an TP Hà Nội đã cử cán bộ từ Phòng Cảnh sát Kinh tế đến làm việc với huyện Sóc Sơn.

Người trả 30 tỷ đồng/m2 liên tục thay đổi lời giải thích

Cụ thể, phiên đấu giá 58 thửa đất này có mức giá khởi điểm gần 2,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá được quy định tối đa 6 vòng đấu bắt buộc, với bước giá là 3 triệu đồng/m2. Trong vòng đấu thứ 5, một nhóm khách hàng đã trả giá rất cao cho hơn 40 lô đất, trong đó có 3 lô đất được trả lên tới hơn 30 tỷ đồng/m2 (ký hiệu A12, A13 và C6).

Tuy nhiên, đến vòng đấu thứ 6, nhóm khách hàng này đồng loạt không đưa ra mức giá, khiến các thửa đất không thể bán được. Trước tình hình này, UBND huyện Sóc Sơn đã quyết định công khai danh sách những người trả giá cao rồi bỏ cuộc, gây nhiễu loạn phiên đấu giá.

Trong đó, người trả mức giá cao nhất 30 tỷ đồng/m2 là anh Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Tại ngày kết thúc đấu giá, khi được hỏi nguyên nhân đưa ra mức giá “không tưởng” này, anh Tuấn cho biết để thể hiện thiện chí, tầm nhìn chiến lược của mình. Đồng thời các thửa đất này hợp phong thủy, nhu cầu đấu giá đất của anh là để sử dụng thật.

nguoi-tra-gia-cao-1733156878.png

nguoi-tra-gia-cao-1733156878.png

Người trả 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn liên tục thay đổi lý do về mức giá phi lý

Ngoài ra, anh Tuấn cũng cho biết thêm, khi quyết định đưa ra mức giá 30 tỷ đồng/m2, bên cạnh việc phù hợp với nhu cầu cá nhân, anh còn muốn làm gì đó cho đất nước, đặc biệt là muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Đây là mức giá có thể phi lý với nhiều người nhưng anh chấp nhận chi trả. Tuy nhiên, khi anh trả mức giá cao như vậy, nhiều khách hàng khác đã có những hành động đe dọa và lăng mạ khiến anh cảm thấy rất áp lực, tự ái và cáu giận.

Anh Tuấn cho rằng, nếu tiếp tục tham gia đấu giá và trúng thửa đất, anh sẽ gặp phải sự ganh ghét từ các hàng xóm. Chính vì vậy, đến vòng 6, anh quyết định bỏ cuộc, vì lo ngại các khách hàng khác sẽ nghĩ anh đang phá hoại buổi đấu giá.

Tuy nhiên, đến ngày 2/12, khi được một người khác đặt câu hỏi tương tự, anh Tuấn lại cho biết do mình đã “nhầm lẫn” trong buổi đấu giá. Anh cho biết, trong quá trình tham gia, do mua nhiều hồ sơ đấu giá, đến vòng thứ 5 anh cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến việc ghi nhầm con số.

Anh Tuấn cho biết, ban đầu anh ghi mức giá khoảng 300 triệu đồng/m2 trong phiếu đấu giá, nhưng sau đó gạch đi và ghi lại, dẫn đến nhầm lẫn. Anh thừa nhận đã sơ ý khi chỉ ghi bằng số mà không ghi bằng chữ. Trong khi các phiếu khác đều ghi đúng mức giá từ 17 – 20 triệu đồng/m2, anh chỉ nhầm ở ba lô đất A12, A13, và C6. Hiện tại, anh không nhớ rõ mình đã ghi gì vào thời điểm đó, nhưng khẳng định nếu phát hiện sớm, anh đã sửa lại và không hề có ý định phá hoại buổi đấu giá.

Công an có thể sẽ giám định tâm thần

Nhận thấy buổi đấu giá có dấu hiệu bị phá hoại, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng đưa ra mức giá bất thường. Đối với 36 thửa đất chưa được đấu giá thành công, huyện dự kiến sẽ tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới.

Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, cơ quan công an đang xem xét dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng trong vụ việc này. Đồng thời, việc giám định pháp y tâm thần cũng có thể được tiến hành để đánh giá năng lực hành vi dân sự của một số khách hàng liên quan.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đấu giá viên Đặng Phi Anh (Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM) nhận định, phương án đấu giá quyền sử dụng đất của huyện Sóc Sơn tồn tại một số điểm bất thường.

dat-soc-son-1-1733156889.jpg

dat-soc-son-1-1733156889.jpg

Các đấu giá viên cho rằng, phương án đấu giá quyền sử dụng đất của huyện Sóc Sơn tồn tại một số điểm bất thường

Cụ thể, khoản 1 và 2 Điều 42 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định trình tự thủ tục bỏ phiếu trực tiếp. Trong đó, điểm c khoản 2 nêu rõ: "Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất là người trúng đấu giá."

Ngoài ra, theo quy định của UBND TP Hà Nội, việc tổ chức đấu giá phải đảm bảo: Công khai, minh bạch thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của Trung ương, thành phố và địa phương; Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành; Quy định bước giá và hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) phải đảm bảo tính cạnh tranh và sát với giá thị trường.

Theo bà Phi Anh, phương án đấu giá của huyện Sóc Sơn chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định này. Đặc biệt, việc bắt buộc qua 6 vòng đấu giá mới xác định được người trúng có thể làm hạn chế giá trả cao hơn trong thực tế, dẫn đến nguy cơ giảm nguồn thu ngân sách.

Ví dụ, tại vòng 5, khi có người trả giá cao nhất nhưng vòng 6 không ai trả giá thêm, cuộc đấu giá không thành công. Điều này khiến không thể tịch thu tiền đặt trước của người trả giá 30 tỷ đồng/m2 hoặc những người có ý định phối hợp phá hoại cuộc đấu giá.

Một vấn đề khác được bà Phi Anh chỉ ra là bước giá đưa ra cao hơn giá khởi điểm. Đồng thời, cần xem xét lại việc định giá khởi điểm có quá thấp so với giá trị thực tế thị trường. Những bất cập này cho thấy cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về bước giá và các điều kiện liên quan để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các phiên đấu giá.

Xuất hiện “virus phá bĩnh” đấu giá đất 

Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, thị trường bất động sản Hà Nội liên tục ghi nhận các phiên đấu giá đất với hàng nghìn hồ sơ tham dự. Nhiều phiên đấu giá chứng kiến giá đất bị “thổi” lên gấp 5-14 lần giá khởi điểm, tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất thường.

Gần đây, tình trạng bất ổn trong đấu giá đất tại ngoại thành Hà Nội trở nên đáng lo ngại. Một số trường hợp trả giá vòng trước cao bất thường nhưng đến vòng sau lại trả 0 đồng hoặc đồng loạt rời bỏ cuộc đấu giá. Hiện tượng này khiến dư luận nghi ngờ về sự xuất hiện của những hành vi có mục đích phá hoại, được ví như "virus phá bĩnh" trong các phiên đấu giá đất.

Điển hình là phiên đấu giá 58 thửa đất tại huyện Sóc Sơn ngày 29/11 và phiên đấu giá 22 thửa đất ở huyện Thanh Oai ngày 30/11. Trong phiên tại Thanh Oai, một số lô đất được trả giá cao bất thường, lên đến hơn 70 triệu đồng/m2, nhưng sau đó bị "bỏ bom" khiến toàn bộ 22 lô đất không thể đấu giá thành công và phải tổ chức lại.

Theo một đấu giá viên, nguyên nhân chính của tình trạng này là do giá khởi điểm chưa được xác định sát với giá trị thực tế, thường thấp hơn thị trường. Điều này thu hút các nhóm đầu cơ tham gia, lợi dụng để thao túng giá. Nếu không đạt được mục đích, họ sẵn sàng phá hoại cuộc đấu giá bằng cách bỏ tiền cọc và tạo điều kiện để đấu giá lại nhằm đạt mục tiêu sở hữu đất.

dat-soc-son-1733156889.jpg

dat-soc-son-1733156889.jpg

Các lô đất đấu giá bất thành sẽ được tiến hành đấu giá lại

Mấu chốt để khắc phục là cần xác định giá khởi điểm phù hợp. Ngoài ra, quy chế đấu giá tại Sóc Sơn, yêu cầu tối thiểu 6 vòng đấu giá, cũng cho thấy bất cập. Thực tế, nhiều phiên đấu giá đã xác định được người trúng ở vòng 2-3, không cần kéo dài đến 6 vòng.

Hơn nữa, nguyên tắc trả giá yêu cầu mức giá sau phải cao hơn mức giá trước. Tuy nhiên, hiện tượng trả giá 30 tỷ đồng/m² rồi từ chối trả giá tiếp ở vòng cuối cùng đã làm cuộc đấu giá thất bại. Các trường hợp trả giá bất thường này sẽ bị xử lý tùy theo kết quả xác minh và có thể áp dụng các chế tài nghiêm khắc.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, nếu cơ quan chức năng chứng minh được động cơ phá hoại, cần xử lý nghiêm, thậm chí không loại trừ khả năng hình sự hóa. Ông Thịnh nhấn mạnh, "Đây là hành vi coi thường pháp luật. Nếu chỉ xử phạt hành chính, khó đủ sức răn đe. Cần phạt thật nặng để làm gương, giúp các phiên đấu giá sau diễn ra minh bạch và đúng quy định pháp luật."

Ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thừa nhận pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hành vi phá hoại đấu giá. Các quy định hiện chỉ đề cập đến việc xử lý trường hợp bỏ cọc. Vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.

Về vụ việc tại Sóc Sơn, ông Trường cho biết Bộ đã nắm thông tin nhưng việc xử lý thuộc thẩm quyền của địa phương. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nhiều văn bản và thông tư nhằm chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, đảm bảo minh bạch và đúng pháp luật.

Theo: dothi.reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm lô "đất vàng" 94 Lò Đúc

TP.HCM chốt tỷ lệ % tính tiền thuê đất: Doanh nghiệp "chóng mặt" với chi phí

Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Cần xử lý hành vi thao túng giá đất như đối với thị trường chứng khoán

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Tin mới cập nhật

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

2 ngày trước

Nhiều địa phương có thêm các KCN tầm cỡ, tăng cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

2 ngày trước

TP.HCM: Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 10% nguồn cung căn hộ mới năm 2025

2 ngày trước

Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch cải tạo tập thể, chung cư cũ: Thị trường sẽ đón nhận nguồn cung lớn ở khu vực trung tâm

2 ngày trước

Mặt bằng, căn hộ nhộn nhịp theo Metro số 1

3 ngày trước