Liên tục trả giá cao rồi bỏ cuộc trong các phiên đấu giá: Tầm nhìn chiến lược hay hành vi phá hoại?
BÀI LIÊN QUAN
Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giáĐất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồngĐất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọtSáng 30/11, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) đã tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động. Các thửa đất này có diện tích từ hơn 85m2 - hơn 135m2. Giá khởi điểm cho các thửa đất là 5,3 triệu đồng/m2, tương đương với tiền cọc từ 90,89 triệu - 143,84 triệu đồng/thửa.
Phiên đấu giá áp dụng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp qua nhiều vòng, ít nhất là 5 vòng bắt buộc, bước giá quy định là 5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, đến vòng thứ 8, giá cao nhất đạt khoảng 70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do nhiều nhà đầu tư bất ngờ bỏ cuộc, phiên đấu giá đã phải dừng lại.
Tiếp tục “kịch bản” trả giá cao rồi bỏ cuộc
Huyện Thanh Oai từng tổ chức nhiều phiên đấu giá theo quy định mới, tuy nhiên, người dân địa phương vẫn chưa quen với hình thức này. Trong khi đó, nhiều người tham gia đấu giá là các nhân viên văn phòng nhà đất hoặc môi giới bất động sản, thường quen biết nhau, dẫn đến nguy cơ "thông đồng thổi giá". Hệ quả là các phiên đấu giá không đạt kết quả như mong đợi, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của địa phương.
Một người tham gia đấu giá đất ngày 30/11 cho biết, không khí đầu phiên rất căng thẳng. Anh trúng hai lô đất để kinh doanh, nhưng đến vòng thứ năm phải bỏ cuộc. “Tôi thích đất phân lô đấu giá vì pháp lý rõ ràng, quy hoạch khang trang. Nhưng giá vẫn quá cao so với thực tế, khiến người dân muốn mua đất để sử dụng cũng gặp khó khăn. Không hiểu thị trường, cơ chế chính sách và quản lý ra sao mà lại khó khăn đến vậy,” anh này ngán ngẩm.
Phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai phải dừng lại do nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc
Theo tìm hiểu, tại phiên đấu giá 22 lô đất ở huyện Thanh Oai, một số lô được trả giá lên đến hơn 70 triệu đồng/m² ở vòng thứ 3, nhưng sau đó bị bỏ trống, không còn ai đấu giá thêm. Các lô khác tiếp tục đấu giá đến vòng thứ 7, ghi nhận mức cao nhất là 60,3 triệu đồng/m² và thấp nhất là 50,3 triệu đồng/m².
Các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp nhận định, phiên đấu giá đất ngày 30/11 tại Thanh Oai có dấu hiệu tương tự phiên đấu giá đất ở Sóc Sơn ngày 29/11, khi một số người cố ý trả giá cao bất thường để phá hoại cuộc đấu giá. Tại phiên đấu giá ở Sóc Sơn, có lô đất bị đẩy giá lên hơn 30 tỷ đồng/m² ở vòng thứ 5, nhưng đến vòng thứ 6, không còn ai trả giá thêm. Kết quả là 36/58 lô đất bị hủy và phải tổ chức đấu giá lại.
Theo thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn, ông Phạm Ngọc Tuấn (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) là người đã trả giá rất cao cho ba lô đất tại Sóc Sơn nhưng sau đó từ bỏ. Trao đổi với báo chí, ông Tuấn cho biết đây không phải lần đầu ông tham gia đấu giá đất, nhưng cách thức tổ chức lần này khiến ông bất ngờ vì sự thay đổi về số vòng đấu, bởi trước đây chỉ cần đấu 1 vòng.
Cũng theo ông Tuấn, ông còn phải chịu đựng áp lực tâm lý từ môi trường xung quanh, khi đến vòng đấu thứ 4, 5, hội trường xuất hiện những thái độ tiêu cực từ những người tham gia, thậm chí dọa nạt. Nhiều người cho rằng, ông Tuấn đang phá “cuộc chơi” nhưng người này cho biết có nhu cầu thực.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, mức giá “không tưởng” mà mình đưa ra xuất phát từ ý chí cá nhân và tầm nhìn chiến lược của bản thân, đồng thời mong muốn muốn làm điều gì đó cho đất nước. Mức giá đó có thể là phi lý với nhiều người, nhưng với ông Tuấn đó là cách thể hiện ý chí. Sau khi bị áp lực từ phía hội trường, ông Tuấn quyết định không tham gia vòng 6.
Đề xuất phạt nặng người trả giá cao rồi bỏ cuộc
Đấu giá đất là một nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế tại các huyện ven đô Hà Nội cho thấy, tình trạng "đẩy" giá đất lên cao bất thường rồi bỏ cuộc hoặc những trường hợp trúng giá nhưng không nộp tiền đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Những hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản Thủ đô mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch và ổn định của thị trường.Theo các chuyên gia, đấu giá đất tại Hà Nội là kênh đầu tư hấp dẫn nhờ giá khởi điểm thấp, tiền đặt cọc ít, đất có pháp lý rõ ràng và tiềm năng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, việc áp dụng bảng giá đất cũ từ năm 2020 để tính giá khởi điểm, do Hà Nội chưa ban hành bảng giá mới, khiến giá đấu thường bị đẩy lên mức "không tưởng", không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản. Kết quả là, mặc dù đấu giá đã góp phần "khơi thông" nguồn cung nhà ở, nhưng thị trường bất động sản lại phát triển thiếu bền vững.
Đấu giá đất là một nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư hạ tầng
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, tình trạng trả giá cao rồi bỏ cuộc là dấu hiệu của đầu cơ và thổi giá. Hiện, các địa phương đã thực hiện công khai danh tính người bỏ cuộc đấu giá sẽ góp phần chấm dứt hành vi xấu và răn đe các vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh công khai danh tính, cần có thêm các chế tài xử phạt thật nặng.
Ông Điệp đề xuất các biện pháp như xem xét năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, yêu cầu chứng minh nguồn tiền, và sử dụng công cụ thuế để hạn chế việc bỏ cọc. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc công khai danh tính người vi phạm là cần thiết nhưng chưa đủ, mà cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn để răn đe và kiểm soát hành vi thao túng.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết pháp luật nghiêm cấm các hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản, bao gồm từ người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, đến các cá nhân, tổ chức khác. Theo quy định, người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Cụ thể, mức xử phạt hành chính dao động từ 7 triệu đến 10 triệu đồng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu hành vi cản trở diễn ra dưới hình thức trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, làm gián đoạn hoặc gây thất bại cho hoạt động đấu giá, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này có thể bị xử lý theo tội danh "Gây rối trật tự công cộng" được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.