Triển vọng vẫn kém khả quan, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng khoảng 5%
BÀI LIÊN QUAN
Morocco động đất, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ure, doanh nghiệp và cổ phiếu phân bón trong nước sẽ được hưởng lợi?Sau nhiều năm “ngại” cải cách, kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá khá đắtDoanh nghiệp yến sào hiếm hoi trên sàn chứng khoán chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung QuốcTăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt 5%
Khảo sát mới nhất của Bloomberg cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ chỉ vừa đạt mục tiêu khoảng 5% mà chính phủ nước này đưa ra. Ngoài ra, nguy cơ Trung Quốc bỏ lỡ mục tiêu ngày càng tăng vì khủng hoảng bất động sản vẫn còn kéo dài.
Theo ước tính trung vị của 78 nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát, GDP Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng trưởng ở mức 5%, thấp hơn 0,1 điểm % khi so sánh với khảo sát trước đó. Thách thức lớn nhất của Trung Quốc được cho là đến từ bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, các nhà phân tích của công ty đầu tư Poseidon Partner bình luận rằng: “Áp lực đối với ngành bất động sản sẽ ngày càng gia tăng. Theo chúng tôi dự kiến, những công ty đã vay nợ mạnh tay trong quá khứ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới”.
Ngoài ra, theo nghiên cứu mới của Bloomberg Economics, mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” vẫn khá khả thi với nền kinh tế Trung Quốc dù đây không phải là kịch bản cơ sở.
Đồng quan điểm, 2 nhà kinh tế Chang Shu và Andrej Sokol cũng nhận định: “Thị trường bất động sản xuống dốc, tâm lý yếu ớt, căng thẳng nợ ngày càng lan rộng trong khu vực doanh nghiệp có thể sẽ tạo nên những lực cản đủ lớn, từ đó đẩy nền kinh tế Trung Quốc xuống quỹ đạo tăng trưởng thấp hơn”. Theo 2 nhà kinh tế này dự đoán, GDP của Trung Quốc trong năm nay có thể tăng trưởng ở mức 5,4%.
Trong khi đó, những ngân hàng lớn như HSBC, Morgan Stanley và Citigroup đều đưa ra nhận định dưới 5%. Mới tuần này, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc từ mức 5,3% xuống chỉ còn 4,9%.
Đồng thời, dữ liệu tháng 8 năm nay đã báo hiệu, một số lực cản đến nền kinh tế đất nước tỷ dân đã và đang dịu bớt. Kim ngạch xuất khẩu dù vẫn lao dốc nhưng không còn giảm mạnh như những tháng trước. Tín dụng tăng mạnh hơn so với dự kiến, có thể đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của các hộ gia đình với các khoản vay thế chấp để mua nhà đã dần ổn định.
Bất động sản trở thành lực cản lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc
Theo Bloomberg Economics, số liệu kinh tế tháng 8/2023 khả quan một cách bất ngờ đã khiến xác suất Trung Quốc bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng chính thức giảm từ 32% trong tháng 7 xuống dưới mức 20% trong tháng 8.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là thực trạng ảm đạm của thị trường nhà đất. Theo dữ liệu về doanh số bán nhà, đà tăng gần đây ở các thành phố lớn nhất tại Trung Quốc đã suy yếu. Liên quan đến vấn đề này, ông Arjen van Dijkhuizen - nhà kinh tế cấp cao tại ABN Amro, nhận xét: “Các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể hiện được hiệu quả rõ nét trong dữ liệu thị trường bất động sản”.
Theo một khảo sát hoàn toàn riêng biệt của Bloomberg, khủng hoảng bất động sản chính là thách thức lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, có đến 17 trong số 21 nhà kinh tế mà Bloomberg được hỏi ý kiến đã nhận định, bất động sản chính là vấn đề quan trọng nhất của Trung Quốc. Ngoài ra, có 3 người khác đưa ra câu trả lời là sự giảm tốc kinh tế, chỉ có một người duy nhất là nhắc đến cuộc khủng hoảng niềm tin ở quốc gia tỷ dân này.
Đáng chú ý, có 15 trong số 21 nhà kinh tế dự kiến, doanh số bán nhà tại Trung Quốc trong thời gian tới vẫn tiếp tục sụt giảm, ít nhất là đến đầu năm 2024.
Liên quan đến vấn đề này, ông Li Daokui - cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho rằng thị trường bất động sản nước này có thể sẽ mất một năm để phục hồi. Đồng thời, vị này cũng kêu gọi Bắc Kinh cần có thêm động thái để khuyến khích việc cho vay đến các nhà phát triển bất động sản, tránh để tình trạng vỡ nợ ngày càng lan ra.
Theo đó, các nhà kinh tế HSBC giải thích, lý do khiến họ hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc là do tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản vẫn chưa thuyên giảm. Trong khi đó, sự suy yếu của các thị trường nước ngoài trong thời gian tới vẫn còn tiếp diễn, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều đáng nói, các nhà hoạch định chính sách của nước này không muốn tung ra hàng loạt hỗ trợ một cách ồ ạt, tránh tình trạng làm khuếch đại những vấn đề mang tính cấu trúc. Tuy nhiên, Trung Quốc trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp tài khóa và tiền tệ, mục đích là trợ giúp nền kinh tế. Tuy nhiên những biện pháp này vẫn cần thời gian để phát huy tác dụng hơn nữa.