Sau nhiều năm “ngại” cải cách, kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá khá đắt
BÀI LIÊN QUAN
Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc đứng trước bờ vực phá sản, tình hình thị trường càng tồi tệ hơnNhìn từ Trung Quốc, giải pháp nào để bất động sản Việt Nam chuyển biến rõ nét hơn?Kinh tế Trung Quốc “đuối sức”, trượt dốc vì những bóng đen bao phủ chưa từng có trong nhiều thập kỷKhó khăn chồng chất
Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh, Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây 10 năm đã đưa ra kế hoạch cải cách lớn và đầy táo bạo để chuyển đổi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường tự do kiểu phương Tây.
Dịch vụ và tiêu dùng sẽ là động cơ chủ lực của nền kinh tế. Kế hoạch này được vạch ra nhằm sửa chữa mô hình tăng trưởng lỗi thời chỉ hợp với những nền kinh tế kém phát triển.
Thế nhưng, đa số các dự án cải cách đó không có kết quả. Khối nợ ngày càng phình to và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp tại Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn bởi nền kinh tế nước này chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các chính sách cũ.
Nỗ lực tái cơ cấu thất bại đã đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của Trung Quốc. Theo nhiều nhà phân tích, tình trạng tăng trưởng trì trệ kiểu Nhật Bản những năm 1990 là kết cục khả quan nhất. Thế nhưng, Trung Quốc có thể sẽ gặp rắc rối lớn hơn.
“Mọi thứ luôn hỏng hóc một cách từ từ cho đến khi chúng đột ngột ngừng hoạt động. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro cao về khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế, gây ra hậu quả đáng ngại về mặt xã hội và chính trị đối với chính phủ. Rồi sẽ có ngày Trung Quốc gặp phải rắc rối nghiêm trọng hơn mà họ từng cố đẩy lùi”, theo Giáo sư William Hurst của Đại học Cambridge cảnh báo.
Nhìn chung, Trung Quốc vẫn là đất nước nông nghiệp, thiếu thốn cơ sở hạ tầng và nhà máy khi mới rời khỏi mô hình kinh tế kế hoạch vào thập niên 1980. Tuy nhiên, năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, nước này đã đáp ứng được đa số nhu cầu đầu tư cho mức độ phát triển của mình.
GDP danh nghĩa của Trung Quốc kể từ đó đã tăng gấp 4 lần còn nợ thì tăng gấp 9. Trong những năm 2010, Trung Quốc tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và bất động sản nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên lại xem nhẹ tiêu dùng hộ gia đình. Theo đó, so với đa số các nền kinh tế khác, tỉ trọng của tiêu dùng trong GDP nước này thấp hơn đáng kể.
Ngoài ra, chính sách trên cũng đã tăng tỉ trọng của lĩnh vực địa ốc lên 25% trong nền kinh tế và khiến các chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào nợ vay. Những vấn đề trên bị khuếch đại hơn do đại dịch, biến động nhân khẩu học và căng thẳng địa chính trị. Trong năm 2023, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng vẫn chật vật khi hồi phục.
Trong bối cảnh đà bùng nổ kinh tế kết thúc, Trung Quốc có thể gây tác động tới các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô và giải phóng sức ép giảm phát ra toàn cầu. Trong khi, sự trượt dốc của bất động sản trong nước đã khiến mức sống của nhiều hộ gia đình bị sụt giảm, làm gia tăng bất ổn trong xã hội.
Lựa chọn trì trệ hay khủng hoảng
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc còn có 3 lựa chọn.
Đầu tiên là tạo ra một cuộc khủng hoảng nhanh chóng để xóa khoản nợ, làm xẹp bong bóng bất động sản và hạn chế năng lực công nghiệp dư thừa. Thứ hai là từ từ xử lý các vấn đề này trong hàng chục năm với cái giá phải trả là tăng trưởng thấp. Và cuối cùng là chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng qua những cải cách mang tính cấu trúc có thể khiến một số nỗi đau xảy ra trong ngắn hạn, tuy nhiên giúp nền kinh tế trở nên mạnh mẽ và hồi phục nhanh hơn.
Nếu thị trường bất động sản sụp đổ khi không được kiểm soát khiến thị trường tài chính cũng lao dốc, Trung Quốc có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng nổ ra trên diện rộng. Một điểm nóng khác là khối nợ của các chính quyền được phương, với tổng quy mô vào khoảng 9.000 tỷ USD, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính.
Theo ông Logan Wright, đối tác tại Rhodium Group, Bắc Kinh chỉ có thể chọn một trong hai bom nợ để tháo ngòi nổi, vì quy mô của chúng là rất lớn. Ông nói: “Khủng hoảng sẽ xảy ra tại Trung Quốc khi uy tín của chính phủ lung lay”.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho biết ít khả năng xảy ra kịch bản trên vì Trung Quốc quản lý nhiều công ty bất động sản và ngân hàng.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis cho biết: “Tôi theo phe dự đoán rằng Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp. Nợ càng chất đống lên những dự án không hiệu quả thì tỷ suất lợi nhuận trên tài sản càng thấp, đặc biệt là với các khoản đầu tư công. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể tăng trưởng cao được”.
“Nếu thông điệp của chính phủ tới người dân là hãy thắt lưng buộc bụng và phải làm lụng vất vả thì chắc chắn sẽ có người bất mãn”, theo ông Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu MERICS.
Con đường thứ ba - cải cách - có vẻ rất khó có thể xảy ra sau những gì xảy đến với chương trình 60 điểm của ông Tập.
Sau khi cuộc tháo chạy của dòng vốn năm 2015 khiến nhân dân tệ và chứng khoán Trung Quốc tụt dốc, những kế hoạch đó hầu như không còn được nhắc tới. Theo các nhà phân tích, sự kiện đó đã khiến các nhà chức trách không còn mặn mà thực hiện cải cách nữa.
“Bây giờ là lúc đoàn tàu kinh tế Trung Quốc có thể chuyển hướng sang mô hình mới, và tôi nghĩ cũng có những nhà lãnh đạo muốn vậy. Nhưng đồng thời cũng Bắc Kinh cũng e sợ rủi ro chính trị và xã hội ngắn hạn, đặc biệt là nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế”, theo giáo sư Hurst nhận định.