Tìm hiểu những ứng dụng Big Data trong kinh doanh
BÀI LIÊN QUAN
Những ứng dụng nổi bật của Big Data trong công nghiệp 4.0Những ứng dụng hữu ích của Big data trong nông nghiệpỨng dụng và các thành tựu nổi trội của big data trong logisticsNhững ưu điểm nổi bật của Big Data
Big Data là thuật ngữ chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp. Những tập hợp dữ liệu lớn này có thể gồm các dữ liệu có cấu trúc, không cấu trúc và dữ liệu nửa cấu trúc. Trên thực tế, vẫn còn nhiều tranh luận về việc tập dữ liệu phải chứa bao nhiêu dữ liệu thì mới được gọi là Big Data. Tuy nhiên, quy chuẩn hiện tại để xem xét đối với Big Data là các bội số của petabyte và với các dự án lớn nhất trong phạm vi exabyte.
Big Data sở hữu 3 điểm nổi bật như sau:
- Dữ liệu rất lớn.
- Dữ liệu đa dạng.
- Dữ liệu cần phải được xử lý và phân tích với tốc độ cao.
Những dữ liệu tạo thành dữ liệu lớn có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm các website, phương tiện truyền thông, các ứng dụng dành cho máy tính để bàn, ứng dụng trên thiết bị di động, các thí nghiệm khoa học hoặc những thiết bị cảm biến trong mạng lưới thiết bị kết nối Internet.
Các ứng dụng Big Data trong kinh doanh
Dưới đây là tổng hợp một số ứng dụng Big Data trong kinh doanh được nhiều đơn vị áp dụng và thành công.
Quản lý rủi ro trong kinh doanh
Vấn đề nắm bắt và đưa ra những giải pháp giảm thiểu rủi ro luôn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Mỗi doanh nghiệp luôn có cách tiếp cận chiến lược để quản lý rủi ro riêng biệt dưới sự hỗ trợ của các nguồn thông tin hữu ích. Dữ liệu lớn hay Big Data đang là một trong những phương pháp quan trọng, cho phép các doanh nghiệp định lượng và mô hình hóa các rủi ro có thể gặp trong quá trình hoạt động, kinh doanh. Với việc sử dụng Big Data, các công ty có thể dựa vào phân tích dự đoán để có tầm nhìn xa về rủi ro. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro hơn.
Thấu hiểu khách hàng hơn
Để thành công, các doanh nghiệp cần phải thấu hiểu khách hàng của mình. Việc ứng dụng Big Data trong kinh doanh sẽ giúp cho việc thấu hiểu khách hàng trở nên khả thi hơn rất nhiều. Từ những lượt truy cập trang website cho đến các tương tác trên mạng xã hội, Big Data sẽ tiết lộ nhiều điều về khách hàng của doanh nghiệp. Dữ liệu lớn cũng sẽ cho phép doanh nghiệp tạo ra hồ sơ khách hàng và hành vi của người tiêu dùng. Khi hiểu khách hàng hơn, doanh nghiệp có thể cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình, nâng cao mức độ hài lòng và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Thấu hiểu đối thủ
Dữ liệu lớn cũng mang lại cơ hội giúp các doanh nghiệp tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của mình. Ví dụ, Big Data có thể cung cấp những thông tin quan trọng về các mô hình giá cả của đối thủ cũng như phản ứng của khách hàng, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra những giải pháp, quyết định mang tính chiến lược, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Cá nhân hóa hoạt động tiếp thị
Hoạt động tiếp thị luôn đóng vai trò cốt lõi trong quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Cá nhân hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của các hoạt động tiếp thị này. Với việc ứng dụng Big Data, quá trình xây dựng chiến lược và tiếp thị cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Big Data cũng sẽ cho phép doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường ngách hoặc một phân khúc cụ thể. Dữ liệu lớn cũng cung cấp thông tin chi tiết cho phép các nhà tiếp thị tạo ra các chiến dịch có khả năng chuyển đổi cao.
Dự đoán xu hướng trong tương lai
Thông qua dữ liệu lớn, các doanh nghiệp cũng có thể dự đoán được những xu hướng trong tương lai. Điều này mang đến nhiều hữu ích trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Từ những thông tin về hành vi của khách hàng đến mô hình mua hàng, dữ liệu lớn sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để hỗ trợ nhà tiếp thị phân tích các xu hướng sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có thời gian để chuẩn bị cho những thay đổi này.
Quản lý nguồn nhân lực
Việc ứng dụng Big Data trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Từ công tác tuyển dụng đến đào tạo và phát triển, Big Data sẽ giúp doanh nghiệp có những nhân viên giỏi nhất. Bên cạnh đó, thông qua sự hài lòng của nhân viên đến những dữ liệu năng suất, doanh nghiệp có quyền truy cập vào thông tin, trích xuất thông tin cần thiết để hiểu và cải thiện lực lượng lao động.
Giao dịch tài chính
Người ta cũng thường sử dụng các thuật toán của dữ liệu lớn để đưa ra quyết định giao dịch. Hiện nay, phần lớn giao dịch cổ phiếu trên thị trường đang được diễn ra thông qua các thuật toán dữ liệu lớn.
Cách ứng dụng Big Data trong kinh doanh
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược Big Data rõ ràng nên thường có xu hướng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Lượng dữ liệu này được hi vọng sẽ giúp đội ngũ phân tích dữ liệu đưa ra những thông tin có giá trị trong tương lai. Tuy nhiên, điều này lại gây áp lực lên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, không giúp được nhiều cho các chuyên gia phân tích.
Do đó, vấn đề được đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải ứng dụng Big Data trong kinh doanh một cách khoa học, có hiệu quả. Quy trình được thực hiện qua 5 bước cơ bản sau:
Bước 1: Định hình chiến lược dữ liệu lớn
Chiến lược dữ liệu lớn là một kế hoạch được thiết kế giúp doanh nghiệp giám sát và cải thiện cách thu thập, lưu trữ, quản lý, chia sẻ và sử dụng dữ liệu. Nếu doanh nghiệp nhận thức được đúng mức về tầm quan trọng này, cách thức tiếp cận mọi ứng dụng công nghệ của họ sẽ cần phải thay đổi. Thay vì quan tâm đến việc phần mềm này có thể giúp ích trực tiếp gì cho doanh nghiệp, người ta nên đặt câu hỏi, ứng dụng này mang lại những dữ liệu gì có giá trị cho bức tranh thông tin chung.
Bước 2: Xác định các nguồn dữ liệu cần thiết
Hệ thống dữ liệu vận hành trong nội tại doanh nghiệp vẫn là yếu tố đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược ứng dụng Big Data trong kinh doanh. Các doanh nghiệp hiện đang ngày càng quan tâm tới những thông tin thu thập được từ nền tảng mạng xã hội, các kênh sở hữu của doanh nghiệp hoặc các dịch vụ lắng nghe mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những dữ liệu được thu thập từ các nguồn công khai hoặc các đơn vị nghiên cứu data khác.
Bước 3: Truy cập, quản lý và lưu trữ dữ liệu
Tùy vào quy mô và định hướng chiến lược dữ liệu, mà doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư vào các hệ thống truy cập, quản lý và lưu trữ dữ liệu với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ba yếu tố cần được cân nhắc khi xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ quản trị dữ liệu lớn là: tính linh hoạt, tốc độ và sức mạnh xử lý.
Bước 4: Phân tích dữ liệu
Quá trình phân tích dữ liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với sự hỗ trợ của các công nghệ mang tính cách mạng như: điện toán biên, điện toán mạng lưới kết hợp cùng các thuật toán kỹ thuật cao như AI, hay Machine Learning, doanh nghiệp có thể sử dụng tối đa dữ liệu mà mình thu thập được để phân tích. Phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp các doanh nghiệp đạt được giá trị và hiểu biết sâu sắc từ dữ liệu.
Bước 5: Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu
Khi hệ thống quản trị hoạt động hiệu quả, những phân tích và quyết định đáng tin cậy sẽ được thiết lập. Để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nắm toàn bộ những giá trị có được từ dữ liệu lớn để đưa ra quyết định dựa trên thông tin xác thực thay vì bản năng hoặc kinh nghiệm.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về ứng dụng Big Data trong kinh doanh. Với sự đa dạng về tính ứng dụng của dữ liệu lớn, các doanh nghiệp cần khám phá các mô hình, những mối tương quan ẩn cũng như những dữ liệu lớn không có cấu trúc để đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn.