meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Người vay mua nhà kiệt quệ vì “cú đấm bồi”: Còm cõi "nuôi bank", tính chuyện bán nhà

Thứ ba, 29/11/2022-08:11
Đại dịch Covid-19 vừa đi qua lại đến cơn bão tăng lãi suất khiến người vay mua nhà kiệt quệ. Nhiều người mua nhà mặc dù đã phải chạy vạy khắp nơi gom từng đồng để đóng lãi nhưng cũng phải đưa ra quyết định bán nhà nhằm thoát nợ.

"Cú đấm" liên hoàn dành cho người vay mua nhà

Qua hai năm đại dịch Covid - 19 bùng phát đã khiến kinh tế của hầu hết người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình, cả hai vợ chồng đều bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Đặc biệt, có những gia đình vừa phải xoay tiền sinh hoạt phí cho cả nhà, vừa phải chạy vạy để trả khoản tiền lãi vay mua nhà trước đó.


Vay mua nhà trả góp là sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng trẻ
Vay mua nhà trả góp là sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng trẻ

Vợ chồng anh Bách chị Hải ở Hoàng Mai Hà Nội kết hôn được 4 năm. Anh Bách làm hướng dẫn viên cho một doanh nghiệp lữ hành, chị Hải làm cho một khách sạn ở quận Hoàn Kiếm. Năm 2019, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, anh chị phải đón bà ngoại ở quê lên chăm cháu để chị Hải quay trở lại công việc của mình. Gia đình bốn người sống trong căn chung cư mini vỏn vẹn 30 m2 ở khu Mai Động. Mỗi tháng chi phí thuê nhà, điện nước cũng mất tới 6 triệu đồng nhưng không được thoải mái. Vì vậy, anh chị đã quyết định mua trả góp căn chung cư 2 phòng ngủ 70m2 chuẩn bị bàn giao vào cuối năm.

Thời điểm quyết định mua nhà, vợ chồng anh chị chỉ có 200 triệu đồng tiền tiết kiệm cộng với 20 triệu đồng tiền thai sản của chị Hải và khoảng chục triệu đồng anh em, bạn bà mừng đầy tháng con. Số nữ trang của chị và 5 chỉ vàng được gia đình hai bên cho khi cưới cũng được đem bán hết để dồn tiền mua nhà. Hai bên gia đình nội ngoại cũng không giàu có nên chỉ hỗ trợ được 100 triệu đồng. Sếp của anh Bách thương hoàn cảnh của hai vợ chồng nên cũng cho vay 200 triệu đồng, khi nào có thì trả. Còn bạn bè hai đứa đều còn trẻ nên cũng không giúp được gì.

“Huy động hết mọi nơi vợ chồng tôi chỉ có được khoảng 600 triệu đồng, vợ chồng tôi vẫn quyết định xuống tiền mua căn hộ đó trị giá 1,6 tỷ đồng chưa có nội thất gì. Với khoản nợ hơn 1 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng khoản vay ngân hàng do chỉ vay trong 10 năm nên mỗi tháng chúng tôi sẽ phải trả khoảng gần 20 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Hai vợ chồng xác định cuộc sống sắp tới sẽ phải thắt lưng buộc bụng để hiện thực hóa giấc mơ có căn nhà riêng của mình. Sẽ không còn những chuyến du lịch, những bữa ăn ở nhà hàng và phải hạn chế mua những món đồ thời trang để dành tiền trả nợ.

Sau khi mua nhà xong, tôi lao vào cày gấp đôi bình thường. Cũng may có bà ngoại giúp đỡ nên tôi cũng yên tâm đi tuor, có khi cả tháng chỉ ở nhà được 1-2 ngày. Thu nhập được bao nhiêu tôi chuyển hết cho vợ giữ, được một khoản chúng tôi lại tất toán bớt khoản nợ vay ngân hàng”. Anh Bách chia sẻ.

Mọi việc đang thuận lợi thì đại dịch Covid-19 bùng phát liên tục trong 2 năm đã khiến thu nhập của anh chị giảm tới 90%. Thậm chí, trong giai đoạn giãn cách xã hội, anh chị không ai có lương. Khách sạn thì đóng cửa, công ty lữ hành thì buộc phải dừng hoạt động nên cả hai đều phải nghỉ ở nhà. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ buộc anh chị phải khăn gói về quê để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khoản nợ ngân hàng thì vẫn phải trả. Thời gian đầu dịch, cũng may vợ chồng anh chị vẫn còn một khoản tích lũy định sẽ tất toán bớt tiền vay ngân hàng nên quay sang trả dần hàng tháng.


Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người bị mát việc làm
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người bị mát việc làm

Anh Bách chia sẻ: “Sang đến năm 2021, chúng tôi gần như kiệt quệ, mọi khoản tiền dành dụm trước đó đã hết sạch. Cả gia đình về quê, may có rau gạo của nhà cũng đỡ khoản tiền ăn. Tiền trả gốc và lãi của ngân hàng chúng tôi bế tắc không biết vay đâu để trả. Lúc đó, thời gian sao trôi nhanh thế, chớp mắt cái lại nhận được tin nhắn của ngân hàng báo đóng lãi. Tôi phải hỏi vay khắp nơi, vay từ 1-2 triệu đồng để gom trả ngân hàng. Vợ chồng tôi cũng làm đơn xin được hoãn và giảm lãi gửi tới ngân hàng nhưng không được chấp thuận. Lúc đó, vợ chồng tôi đã bàn đến việc bán căn hộ để trả nợ, sau này có điều kiện sẽ mua lại. Tuy nhiên, đang lúc giãn cách xã hội việc mua bán cũng khó nên tôi đành bán đi chiếc xe SH của mình những mong qua được giai đoạn khó khăn này!”.

Đau đớn bán nhà để thoát nợ

Sang năm 2022, đại dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động đi lại, du lịch được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp nên thu nhập của anh chị vẫn còn hạn chế.


Người vay mua nhà chịu áp lực trả nợ ngân hàng rất lớn sau đại dịch Covid-19
Người vay mua nhà chịu áp lực trả nợ ngân hàng rất lớn sau đại dịch Covid-19

“Giai đoạn đầu năm 2022, thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ đủ trả lãi ngân hàng hàng tháng. Tiền sinh hoạt của gia đình vẫn thiếu thốn nên tôi phải nhờ ông bà đứng ra vay gói nước sạch của ngân hàng chính sách ở quê được 50 triệu đồng. Số tiền này cũng đủ cho gia đình chúng tôi cầm cự được vài tháng”.

Những tháng hè, nhờ hoạt động du lịch sôi động trở lại, thu nhập của vợ chồng tôi đã khá hơn nhiều. Dù chưa có dư dả để tích lũy thêm nhưng tiền lãi ngân hàng và chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình anh chị đã không phải vay mượn như trước.

Tình hình đang tiến triển tốt lên thì đến tháng 10/2022, tình hình kinh tế thế giới và trong nước lại xấu đi, lãi suất ngân hàng bắt đầu tăng. Người vay mua nhà bắt đầu như ngồi trên đống lửa khi lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.

Thu nhập hàng tháng hiện nay của hai vợ chồng anh chị chỉ khoảng 30 triệu đồng. Trong khi khoản nợ ngân hàng phải trả hàng tháng đã lên tới 19 triệu đồng. Như vậy, hai vợ chồng sẽ phải chắt bóp mới đủ. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao như giai đoạn cách đây 10 năm, dự kiến mỗi tháng anh chị sẽ phải trả tới 25-27 triệu đồng cả gốc và lãi.


Người vay mua nhà vừa bị giảm thu nhập lại phải đối mặt với lãi suất tăng
Người vay mua nhà vừa bị giảm thu nhập lại phải đối mặt với lãi suất tăng

“Tổng thu nhập của cả hai chỉ đủ trả ngân hàng, không còn khoản nào dành cho chi phí sinh hoạt. Hai vợ chồng tôi tính cho con về quê với ông bà rồi cho thuê căn hộ này còn mình thì đi thuê chỗ khác rẻ hơn, mỗi tháng cũng đỡ được 5 triệu đồng. Nhưng suy đi tính lại, khách thuê được 1-2 năm chắc đồ trong nhà cũng hỏng hết nên lại thôi. Vợ chồng tôi tranh luận nhiều ngày mới quyết định bán căn hộ này đi nhằm giải quyết khoản nợ lãi ngân hàng cho nhẹ nợ”. Anh Bách cho biết.

Không riêng gì vợ chồng anh Bách chị Hải, nhiều cặp vợ chồng trẻ khác cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn mang tên lãi suất! Khoản tiền 20 triệu đồng/tháng dành để trả ngân hàng không phải là nhỏ đối với nhiều gia đình khi thu nhập của họ chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, chi phí nhà ở không nên vượt quá 40% tổng thu nhập. Phần còn lại sẽ dành để chi trả các chi phí khác và tiết kiệm. Nếu chi phí dành cho nhà ở quá cao, đồng thời phải gánh thêm khoản nợ lãi sẽ gây ra sự mất cân đối thu chi và có thể lún sâu vào nợ nần rất khó thoát ra.


Người vay mua nhà cần cân đối khoản vay và thu nhập của mình
Người vay mua nhà cần cân đối khoản vay và thu nhập của mình

Trước những dự báo về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trên diện rộng cùng với đà tăng của lãi suất ngân hàng, nhiều người đã phải tính đến phương án sớm bán nhà. Phương án bán nhà nhằm sớm tất toán khoản vay khi lường trước không có khả năng trả bớt khoản nợ và gồng lãi suất trong tương lai được cho là hợp lý.

Mặt khác, trong trường hợp người vay chậm trả lãi sẽ phải chịu lãi suất trả chậm và phí phạt trả chậm nên khoản nợ phải trả vì thế tăng lên. Đồng thời, người vay còn bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Hệ quả là sau này người bị ghi nhận nợ xấu sẽ rất khó hoặc thậm chí không thể vay ở các ngân hàng khác.

Theo một vị Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng S chia sẻ, người vay mua nhà nên cân đối lại khoản vay của mình cho phù hợp với thu nhập hiện tại và trong 1-2 năm tới. Nếu các khoản phải trả vượt quá khả năng chi trả, người vay mua nhà nên có phương án tất toán bớt khoản vay như vay của người thân, bạn bè hay bán bớt những tài sản không nằm trong danh mục ưu tiên, … Trong trường hợp không thể, người vay mua nhà nên sớm bán nhà để tất toán khoản vay nhằm tránh phát sinh nợ xấu.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

Sân pickleball mọc lên ồ ạt, đầu tư không còn “hái ra tiền”

Thúc đẩy chuyển đổi dự án để tăng nguồn cung NOXH

Huyện Hoài Đức tiếp tục đấu giá đất tại khu Lòng Khúc: Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ bật lên sau 3-4 năm nữa

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo ngại những "phản ứng ngược"!

Dự án NOXH đầu tiên tại Quảng Ninh có mức giá "dễ chịu", nhiều căn dưới 600 triệu đồng

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

9 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

9 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

9 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

9 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước