Kích cầu cuối năm, loạt dự án bất động sản ra hàng
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội tính chuyển đổi 2.400 ha đất trồng lúa để làm 1.456 công trình, dự ánDự án Khu kinh tế 10.000 ha ở Cà Mau chờ nhà đầu tưHàng loạt dự án sân golf “đổ bộ” Hà TĩnhTheo nhadautu.vn, Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết tình hình nguồn cung trong quý III đã cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Các phân khúc có sự giảm sút lớn là trung và cao cấp do không phù hợp với đa số người có nhu cầu. Báo cáo của VARS cho biết, tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được chỉ ra là nguồn vốn vào thị trường gặp nhiều khó khăn, trong khi đó lãi suất tăng cao đã khiến các nhà đầu tư chùn tay trong quyết định đầu tư. Nhiều nơi, giá bất động sản chững lại, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn, phải tăng mức chiết khấu hoặc cam kết mua lại… để đẩy hàng đi.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, tình hình không khả quan nhưng chưa rơi vào tình trạng suy thoái. Nguyên nhân là nhu cầu thực tế của nhà đầu tư, người dân vẫn ở mức khá cao. Hiện tượng bong bóng bất động sản hay đầu cơ lướt sóng gần như biến mất đã giúp một số dự án trở về giá trị thực.
Nếu như năm 2018, nguồn cung căn hộ mới trên toàn thị trường là 180.000 căn, thì sang năm 2019 đã giảm 70.000 căn, năm 2020 chỉ còn 90.000 căn và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh đã chỉ còn 50.000 căn hộ được tung ra thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn cung căn hộ mới cũng đã ghi nhận mức đi xuống rõ ràng. Theo đó, nguồn cung chủ yếu rơi vào phân khúc trung và cao cấp. Mức giá ở phân khúc này lại quá cao, không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu thực mua. Do đó, tỷ lệ hấp thụ trong quý III chỉ đạt 33,5% so với 6 tháng đầu năm. Lượng giao dịch rơi vào tình trạng ảm đạm, chỉ 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, hiện nay nút thắt dòng tiền đang khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án đã phải giãn, hoãn tiến độ do không đủ lực tài chính để tiếp tục triển khai. Nếu tiếp tục làm, doanh nghiệp buộc phải đi vay, vì hầu hết chỉ có 20% khoản tiền mặt sẵn có phục vụ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, từ nay tới cuối năm, room tín dụng của các ngân hàng chủ yếu được phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, tín dụng cho bất động sản gần như “cạn đáy”. Điều này đã khiến các doanh nghiệp bất động sản tiến thoái lưỡng nan, các kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường dịp cuối năm coi như phá sản.
Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh vẫn có một số doanh nghiệp mạnh dạn mở bán, ra mắt các dự án. Có thể kể tới như dự án The Forest Gem với diện tích gần 1000 m2 nằm ở quận Bình Thạnh. Dự án này có mức bán từ 46 - 50 triệu đồng/m2. Hay như doanh nghiệp Điền Phúc Thành chuẩn bị mở bán toà tháp Diva tại dự án MT Eastmark City (TP Thủ Đức), với mức giá từ 42 triệu đồng/m2.
Nằm trong khu đô thị Vinhomes Grand Park, Dự án Lumiere Boulevard do Masterise Homes phát triển cũng mở bán với mức giá từ 30 – 370 triệu đồng/m2 với các phân khúc 1, 2 hay 3 phòng ngủ và các căn penthouse, duplex.
Ngoài ra tại TP Thủ Đức, một loạt các dự án khác cũng được chủ đầu tư mở bán như: The 9 Stellars của Sơn Kim Land mở bán giai đoạn 2; Dự án De La Sol (quận 4) của CapitaLand, giá bán khoảng 96 triệu đồng/m2; Dự án Zeit River Thủ Thiêm của chủ đầu tư GS E&C, với giá bán từ 170 - 190 triệu đồng/m2; Dự án Moonlight Avenue của Hưng Thịnh tiếp tục mở bán căn hộ, shophouse. The Classia của Khang Điền tiếp tục mở bán sản phẩm nhà phố. One Verandah của Mapletree tiếp tục mở bán các sản phẩm căn hộ.
Ở khu vực trung tâm có một số dự án của Novaland và Sunshine Group như The Grand Manhattan và Sunshine Sky City.
Bên cạnh đó, một số dự án cũng ra mắt, khai trương nhà mẫu và nhận đặt cọc như: The Global City (TP Thủ Đức) của Masterise Homes; The Privia (quận Bình Tân) của Khang Điền; King Crown Infinity (TP Thủ Đức) của BCG Land…