Dự án Khu kinh tế 10.000 ha ở Cà Mau chờ nhà đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Ninh Thuận thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam rộng 43.900 ha Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất phát triển trên ba trụ cột chínhTổng vốn đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam đạt kỷ lục lên tới 340 tỷ USDKêu gọi đầu tư vào 14 dự án
Theo vneconomy.vn, Danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2022 và các năm tiếp theo của tỉnh Cà Mau được ban hành theo Quyết định số 2750 ngày 15/11/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các đơn vị đề xuất dự án xác định cụ thể vị trí, diện tích từng dự án phù hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện trình tự, thủ tục mới gọi đầu tư theo đúng quy định, đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đủ năng lực thực hiện dự án, quy định ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư theo quy định.
Theo đó, có tổng cộng 14 dự án được tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư. Cụ thể, tại thành phố Cà Mau có 2 dự án là Khu dịch vụ, văn hóa thể thao cao cấp tại phường 9 và Dự án dịch vụ, thể dục thể thao tại khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh. Hai dự án này đều do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất.
Tại huyện Thới Bình cũng có hai dự án là dự án nhà lồng chợ Thới Bình tại thị trấn Thới Bình do Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình đề xuất và dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dịch vụ thương mại thị trấn Thới Bình do Sở Xây dựng đề xuất.
Tại huyện U Minh có Dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu dân cư kênh xáng bờ Tây sông Cái Tàu huyện U Minh do Sở Xây dựng đề xuất và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cả tại bến cá Khánh Hội tại xã Khánh Hội cũng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.
Tại huyện Trần Văn Thời gồm dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang huyện do Ủy ban nhân dân huyện đề xuất và dự án đầu tư xây dựng khu dịch vụ thương mại khóm 9 thị trấn Trần Văn Thời.
Tại huyện Phú Tân đó là dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu tiểu thủ công nghiệp thị trấn Cái Đôi Vàm và dự án khu trung tâm thương mại huyện Phú Tân đều do Ủy ban nhân dân huyện đề xuất.
Huyện Năm Căn có dự án khu đô thị mới Năm Căn do Sở Xây dựng đề xuất.
Cũng tại huyện Năm Căn là dự án đầu tư kinh doanh xây dựng hạ tầng khu kinh tế Năm Căn nhưng do Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh đề xuất kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, đơn vị này còn đề xuất kêu gọi đầu tư vào hai dự án khác là khu công nghiệp Hòa Trung và dự án đầu tư kinh doanh xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Khánh An mở rộng.
Khu kinh tế Năm Căn vẫn chờ nhà đầu tư
Có thể nói, trong 14 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư trong năm 2022 và các năm tiếp theo, nổi lên là dự án Khu kinh tế Năm Căn. Đây là dự án đã được thành lập từ năm 2013 và được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt vào năm 2013. Dự án này cũng được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng trải qua hơn 10 năm kể từ khi thành lập, hiện có rất ít đơn vị hoạt động tại đây.
Theo hồ sơ, khu kinh tế Năm Căn nằm sát Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Năm Căn. Dự án nằm trong địa giới thị trấn Năm Căn, xã Hàng Vịnh, xã Đất Mới và xã Hàm Rồng với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Theo quy hoạch, tại khu kinh tế Năm Căn, 80 - 160 ha đất được dùng xây dựng khu trung tâm; 1.120 - 1.300 ha đất xây dựng đô thị; đất xây dựng các khu chức năng 3.600 - 5.400 ha; đất xây dựng điểm dân cư nông thôn 200 - 300 ha; đất tự nhiên 3.690 - 5.800 ha.
Dự án tiếp giáp với huyện Cái Nước, huyện Phú Tân và huyện Đầm Dơi ở phía Bắc, giáp huyện Ngọc Hiển ở phía Nam và phía Đông giáp huyện Năm Căn. Phía Tây giáp với xã Đất Mới và xã Lâm Hải của huyện Năm Căn.
Theo quyết định thành lập, khu kinh tế Năm Căn được xác định là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực gồm các khu phi thuế quan (công nghiệp - thương mại - dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau).
Dự án cũng được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối giao thương quốc tế của tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đồng thời, là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam tỉnh Cà Mau với trọng tâm phát triển công nghiệp cơ khí, đóng mới tàu biển và dịch vụ tài chính, viễn thông.
Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn. Trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nuôi trồng, chế biến thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, đây là một trong 18 khu kinh tế biển của Việt Nam. Sau hơn 10 năm triển khai, đến tháng 3 năm 2022 khu kinh tế Năm Căn đã được điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu làm rõ một số nội dung liên quan đến quy hoạch như đầu tư, giao thông, tài chính, thương mại…
Việc điều chỉnh quy hoạch được hướng tới phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển biển quốc gia cũng như chiến lược phát triển của tỉnh, trong đó nhấn mạnh về kinh tế biển. Khu kinh tế Năm Căn sẽ là hạt nhân của thị xã Năm Căn (đô thị loại III vào năm 2025); xây dựng Khu kinh tế Năm Căn thành Khu kinh tế biển đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, Khu Kinh tế Năm Căn cũng được điều chỉnh cùng với các phân khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận (logistics) của tỉnh Cà Mau và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, về giao thông phục vụ khu kinh tế có thể nói khá đồng bộ, đầy đủ. Có thể kể tới như cảng Năm Căn; luồng vào cảng qua cửa Bồ Đề dài hơn 46km; cảng nước sâu Hòn Khoai có thể đón tàu 250.000 DWT chỉ cách khu kinh tế này 50km, hay sân bay Năm Căn…. Do đó, tỉnh Cà Mau bày tỏ kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư quan tâm tới dự án tầm cỡ này của vùng đất cực Nam đất nước.