Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất phát triển trên ba trụ cột chính
BÀI LIÊN QUAN
Tổng vốn đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam đạt kỷ lục lên tới 340 tỷ USDKhánh Hòa quyết tâm phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành "trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế"Khu kinh tế ven biển Quảng Yên - Trạm trung chuyển của ngành công nghiệp miền BắcHướng đến Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
Theo vtv.vn, năm 2011, Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng với tầm nhìn đến năm 2025. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đồ án cần được rà soát, xem xét, đánh giá lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới.
Về Khu kinh tế Dung Quất, với diện tích hơn 45.000 ha, khu kinh tế này có tới hơn 10.700 ha diện tích là mặt biển. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Tập trung trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ đô thị với công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng là chủ đạo. Bên cạnh đó còn có các lĩnh vực quan trọng như cán thép, đóng tàu, khai thác cảng nước sâu.
Đây là một trong các đầu mối quan trọng về giao thông – vận tải, có thể trao đổi, giao lưu hàng hóa giữa khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh thành khác, kết nối với các trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay Khu kinh tế Dung Quất đã bộc lộ một số hạn chế, cần phải xem xét điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển hiện nay.
Ngày 30/10/2020, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh, tổng diện tích của Khu kinh tế Dung Quất là hơn 45.000 ha. Diện tích đất liền chiếm 33.581ha, đảo Lý Sơn bao gồm 1.039 ha và vùng mặt biển khoảng 10.700 ha.
Đồ án đặt ra mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Dung Quất phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung.
Đồ án cũng đặt ra tầm nhìn đến năm 2050, khu kinh tế này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển sôi động với đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng. Nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, lấy cảnh quan đô thị ven biển làm sức hấp dẫn, hướng tới sự thịnh vượng.
Động lực phát triển của địa phương và toàn vùng
Theo nội dung điều chỉnh, đến năm 2035, dân số Khu kinh tế Dung Quất là khoảng 425.000 người và dân số đô thị chiếm 90%. Đến năm 2050, dân số ở Khu kinh tế đạt khoảng 600.000 người và 95% là dân đô thị.
Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó phát triển trên ba trụ cột chính là công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ, hướng đến tầm nhìn là thành phố công nghiệp nhỏ.
Đến năm 2035, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 8.045ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 7.690ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 2.030ha.
Đến năm 2050, đất xây dựng các khu dân dụng sẽ tăng lên hơn 9.300 ha và đất xây dựng khu du lịch, dịch vụ khoảng 2.800 ha, còn lại đất dành cho các khu, cụm công nghiệp vẫn được giữ nguyên.
Được chia làm 5 phân khu chức năng, Khu kinh tế Dung Quất bao gồm: phân khu đô thị - công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn.
Khu kinh tế Dung Quất sẽ phát triển theo hướng hiện địa, hấp dẫn, lấy cảnh quan hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng.
Phấn đấu tới năm 2025, huyện đảo Lý Sơn đạt một số tiêu chí dành cho đô thị loại IV và huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV đồng thời thành lập thị xã Bình Sơn.
Tới giai đoạn 2026 – 2035, phấn đấu huyện đảo Lý Sơn đạt đô thị loại IV và thị xã Bình Sơn đạt đô thị loại 3. Quảng Ngãi hướng tới việc thành lập 2 thành phố Lý Sơn và Bình Sơn trực thuộc tỉnh, qua đó, từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Dự kiến, Khu kinh tế Dung Quất sẽ triển khai một số dự án lớn nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu trên. Tiêu biểu như dự án trung tâm Điện lực Dung Quất; dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án nâng cấp quốc lộ QL1, QL24C, QL24B, tuyến đường cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi (CT22) và nút giao Bình Long.
Cần tiếp tục chỉnh sửa đồ án
Theo Hội đồng thẩm định Đồ án, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất là một việc làm hết sức cần thiết để thu hút đầu tư và khai thác các lợi thế tiềm năng của địa phương. Hội đồng thống nhất, về cơ bản nội dung đồ án đã bám sát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất được khung phát triển cho Khu kinh tế trong các giai đoạn tiếp.
Tại hội nghị, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, việc lập điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất để khắc phục những hạn chế, đầu tư khai thác các tiềm năng mới là cần thiết. Đồ án về cơ bản bám sát chỉ đạo của Chính phủ và đề xuất được các nội dung trọng tâm cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn tiếp theo.
Nhưng để hoàn thiện nội dung đồ án, tỉnh Quảng Ngãi cũng phải bổ sung, hoàn thiện một số nội dung. Đó là điều chỉnh tên gọi của đồ án cho đúng tính chất, nhiệm vụ được phê duyệt. Tiếp đó là xem xét kéo dài thời gian quy hoạch đến năm 2045. Thứ ba là rà soát ranh giới lập quy hoạch, chú ý đến ranh giới quy hoạch mặt biển. Hội đồng thẩm định cũng lưu ý Quảng Ngãi cần làm rõ các nội dung có tính kế thừa, bổ sung cơ sở pháp lý, khoa học. Đồng thời, làm rõ động lực mới cho sự phát triển của Khu kinh tế này. Thứ bảy là rà soát, điều chỉnh tổ chức định hướng không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống đô thị. Thứ tám là xác định các dự án ưu tiên đầu tư thực sự cần thiết, không đầu tư dàn trải. Thứ chín là đề xuất cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế.
Đóng góp ý kiến về đồ án, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm tới các vấn đề khác như: đô thị thông minh, di dân tái định cư, bảo vệ môi trường hay trung tâm năng lượng. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò của huyện đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định của pháp luật mới ban hành, các nghị quyết mới của Quốc hội để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.