Tiềm năng thu hút đầu tư của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi
BÀI LIÊN QUAN
Khánh Hòa quyết tâm phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành "trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế"Chi tiết các dự án động lực gần 10.000 đồng mới được khởi công tại Khu kinh tế Vân Đồn Khánh Hòa xác định 4 mũi nhọn kinh tế, đặc biệt chú trọng Khu kinh tế Vân PhongThu hút đầu tư công nghiệp
Theo Nhà đầu tư, ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2021, Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 85.713 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án (tăng 850 tỷ đồng).
Các tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 121,4 tỷ đồng. Thực hiện điều chỉnh 15 dự án, trong đó có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn, số vốn tăng thêm là 640,46 tỷ đồng. Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi có 349 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư là 375.695 tỷ đồng. Trong đó, có 245 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong các tháng đầu năm 2022 của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi đạt 94.240 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 44,9% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD, bằng giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đạt 71,5% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.298 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021.
Khu kinh tế Dung Quất và khu công nghiệp Quảng Ngãi đã tạo việc làm mới cho khoảng 6.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Đến nay, đã giải quyết việc làm cho khoảng 69.000 lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng trong thời gian qua, Ban Quản lý đã đạt được những kết quả tích cực về các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Hoàn thành tốt việc chỉ đạo tư vấn và phối hợp với các sở, ngành địa phương lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra. Đó là thiếu quyết liệt trong việc thực hiện kết luận của UBND tỉnh; chậm triển khai thực hiện các kết luận thanh tra; chậm giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư, các dự án về đất và công tác quản lý đất đai…
Đây là những hạn chế đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2022, nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng trong thời gian dài.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tại Quảng Ngãi phải chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, rà soát lại các nội dung đã được đặt ra trong chương trình công tác trọng tâm trong năm 2022, xây dựng kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc còn lại, không để chậm trễ.
Các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất, muộn nhất là trước 31/8/2022. Khẩn trương xây dựng quy hoạch phân khu 1/2000 đối với những nơi chưa có quy hoạch 1/2000.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý tập trung giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án đầu tư công trong năm 2022 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt chú trọng tới các dự án Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước; dự án Nhà máy thép Hòa Phát 2…
Lợi thế của Khu kinh tế Dung Quất
Khu kinh tế Dung Quất sở hữu vị trí thuận lợi trong việc kết nối giao thông với các khu vực xung quanh. Trong đó có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Dung Quất, cảng Hòa Phát Dung Quất, cảng container Hoà Phát cùng với 3 bến cảng tổng hợp và 5 bến cảng chuyên dùng hoạt động, tiếp nhận tàu có công suất 50 - 70 nghìn tấn. Đây là những lợi thế vượt trội mà chỉ Khu kinh tế Dung Quất mới có. Ngoài ra, trong Khu kinh tế Dung Quất còn sở hữu các bãi biển đẹp và những danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện Lý Sơn; có khu vực biển nằm trong công viên địa chất toàn cầu... được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất theo hướng tích hợp giải quyết những vấn đề nội tại và định hướng phát triển trong tương lai. Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2050 mà tư vấn đang đề xuất thì Khu kinh tế Dung Quất sẽ có khoảng 400.000 - 500.000 người, bằng gần một nửa dân số Quảng Ngãi hiện nay.
Dung Quất được định hướng là hạt nhân, cực tăng trưởng kinh tế năng động phía Bắc của Quảng Ngãi. Trong tương lai, khu vực này được dự báo sẽ phát triển thêm các loại hình đầu tư mới như công nghiệp, đô thị, dịch vụ, năng lượng để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư và ổn định cuộc sống cho người dân.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, sau khi Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất được phê duyệt, tỉnh sẽ ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính, có uy tín và kinh nghiệm đầu tư phát triển vào những lĩnh vực liên quan. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo điều kiện cho các phương án đầu tư tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa phát triển công nghiệp, đô thị, khu dân cư, dịch vụ và các tiện ích công cộng.