Ninh Thuận thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam rộng 43.900 ha
BÀI LIÊN QUAN
Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất phát triển trên ba trụ cột chínhTiềm năng thu hút đầu tư của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng NgãiQuy hoạch khu kinh tế Thái Bình trở thành đòn bẩy đưa bất động sản Tiền Hải “cất cánh”Theo kinhtedothi.vn, ngày 7/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký văn bản số 4823/KH-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận.
Theo kế hoạch, Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận có quy mô 43.900 ha. Dự kiến, ranh giới của dự án gồm 9 xã, trong đó 7 xã thuộc huyện Thuận Nam gồm Cà Ná, Nhị Hà, Phước Minh, Phước Nam, Phước Ninh, Phước Diêm, Phước Dinh và 2 xã thuộc huyện Ninh Phước là Phước Hải và An Hải.
Việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam (thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) để khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Tại đây, tỉnh Ninh Thuận tập trung thu hút đầu tư các dự án động lực, có quy mô lớn về cảng và dịch vụ cảng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, logistics, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận góp phần tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế ven biển khác của miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước để khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Xây dựng phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam được UBND tỉnh Ninh Thuận tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Cụ thể, trong năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng Đề án điều chỉnh Cảng tổng hợp Cà Ná thành cảng tổng hợp loại I, trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt (dự kiến trong quý III).
Hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nội dung đề án, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề án.
Hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam (dự kiến trong quý IV).
Để hoàn thành kế hoạch trên, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Công Thương chủ trì lập Đồ án Quy hoạch phân khu Tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung Trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná có quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cảng cạn; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná; Ban Quản lý các Khu Công nghiệp chủ trì, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Cà Ná.
Để Cảng tổng hợp Cà Ná đạt các tiêu chí Cảng loại I (đạt tiêu chí lượng hàng hóa qua cảng tối thiểu từ 2 - 2,5 triệu tấn/năm), Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ hoàn thành các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, để các dự án sớm đi vào hoạt động Dự án Nhà máy trạm nghiền xi măng; Dự án đầu tư Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I (1.500 MW); Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen; Dự án Nhà máy hóa chất sau muối…
Về Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các dự án giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường kết nối Cảnh Cà Ná với cao tốc Bắc Nam; cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh; đường liên vùng từ thị trấn Tân Sơn đi Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); hoàn thành đầu tư Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 (các bến 1A và 1B) vào năm 2024; tuyến đường sắt kết nối với Nhà ga Cà Ná mới đến Cảng Tổng hợp Cà Ná; xúc tiến kêu gọi đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP.
Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương tham mưu đẩy nhanh tiến độ công bố hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 (dự kiến trong tháng 11/2022) và lập Đồ án Quy hoạch phân khu Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná quy mô 100.000 m3 để đảm bảo cơ sở pháp lý tổ chức kêu gọi đầu tư dự án (hoàn thành trong tháng 12/2022).
Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Ninh Thuận về bổ sung Cụm công nghiệp Phước Minh 1 (quy mô 75ha), Cụm công nghiệp Phước Minh 2 (quy mô 26ha) vào Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Thuận có chiều dài bờ biển hơn 100 km, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển đa dạng nhóm ngành khu vực biển. Tỉnh cũng định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển…
Trong thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là ở vùng biển và ven biển khu vực phía Nam của tỉnh với các dự án trọng điểm như cảng biển tổng hợp Cà Ná; trung tâm điện khí LNG Cà Ná (quy mô 1.500 MW giai đoạn 1); khu đô thị ven biển…
Tính đến cuối năm 2021, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển; đặc biệt là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…