Thị trường BĐS khó chồng khó, nhà đầu tư "bán tháo” ô tô, xe máy, điện thoại xịn… để lấy tiền gồng lãi ngân hàng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường xuất hiện "vùng trũng" giá, nhà đầu tư đã đến lúc bắt đáy BĐS hay chưa?Nguyên tắc đầu tư kinh điển “không bỏ hết trứng vào một giỏ” giúp nhà đầu tư xuống tiền an toàn nhất thời điểm nàyCó sẵn tiền mặt trong tay, nhà đầu tư "giằng co" giữa việc tiếp tục giữ tiền hay đi "săn" hàng giảm giáNhà đầu tư “bán tháo” tài sản để gồng gánh lãi ngân hàng
Thời điểm hiện tại, tỷ lệ cầm cố tài sản bằng ô tô, xe máy, sổ đỏ... cho các tổ chức tài chính có dấu hiệu ngày càng tăng lên. Thậm chí, việc một số nhà đầu tư "tháo chạy" tài sản như ô tô, xe máy, điện thoại xịn... để gồng gánh công việc kinh doanh bất động sản cũng có xu hướng tăng lên.
Đơn cử như câu chuyện của anh H, vừa mua chiếc Mercedes-Benz GLC vào hồi tháng 4/2022 với mức giá hơn 2,3 tỷ đồng, hiện anh H đang phải rao bán 1,6 tỷ đồng do bị ngộp tài chính vào bất động sản. Được biết, anh H là nhà đầu tư bất động sản hiện đang cùng lúc ôm nhiều lô đất, trong đó bao gồm cả đất thổ cư và đất vườn. Số tiền anh H vay ngân hàng để đầu tư đã lên tới gần 4 tỷ đồng. Do lãi suất tăng, cùng việc không bán được tài sản lúc thị trường khó khăn khiến anh H không có dòng vốn xoay vòng nên đành rao bán chiếc xe ô tô để có tài chính xử lý. Nhà đầu tư này cho biết, thực tế chiếc xe cũng được sinh ra từ việc đầu tư bất động sản. Hiện tại, bí tiền nên anh lại lấy chính chiếc xe - phương tiện đi lại của mình để gồng gánh công việc đầu tư bất động sản.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Chiến (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) hiện cũng đang phải rao bán chiếc xe bán tải với giá 550 triệu đồng, thấp hơn với giá mua vào (năm 2021) gần 400 triệu đồng. Anh Chiến cho biết mục đích bán xe là để trả khoản vay ngân hàng để trả nợ, nhưng do lãi suất tăng nên anh rất sợ đi vay. Vì vậy, dù phải bán lỗ chiếc xe ô tô, nhà đầu tư này vẫn thấy ổn hơn là đi vay tiền ngân hàng thời điểm này.
Tương tự, mua chiếc điện thoại iPhone 13 Pro năm ngoái, anh C cũng đang phải bán đi để có tiền lo cho việc trả lãi ngân hàng trong tháng này. Theo anh C chia sẻ, suốt mấy tháng nay do không có nguồn thu từ việc kinh doanh bất động sản nên anh khá "kẹt" tài chính. Trong khi bản thân anh C làm công việc tự do, từ trước đến nay sống bằng nghề đầu tư bất động sản là chính. Tuy nhiên, số tiền có được từ việc đầu tư bất động sản đã dần cạn kiệt. Đó chính là lý do khiến anh phải bán chiếc điện thoại "xịn" của mình để có tiền lo lãi trước, rồi tính sau.
Tuy không khó khăn đến mức phải cầm cố, bán tháo tài sản cá nhân để trả nợ lãi ngân hàng nhưng anh V (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) lại đang khá đau đầu khi dù đã rao bán cắt lỗ mảnh đất lên tới 400 triệu đồng nhưng vẫn không thể bán được. Được biết, anh V đang muốn bán bớt tài sản để trả nợ khoản vay ngân gần 2 tỷ đồng sau khi biết lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng, trong khi vợ chồng anh đang bị giảm thu nhập do công ty gặp khó khăn. Là một nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường không lâu, hiện tại anh V đang sở hữu 2 nền đất thổ cư nhưng đang cố rao bán bớt một nền đất để giải quyết vấn đề vốn vay ngân hàng. Anh V cho biết, với tình hình khó khăn về công việc cũng như lãi suất tăng, dù phải bán lỗ nhưng vợ chồng anh vẫn muốn bán ra để giải quyết tài chính cho "nhẹ đầu".
Nhà đầu tư nhỏ lẻ "thấm đòn" chính sách tín dụng
Theo ghi nhận cho thấy, việc lãi suất ngân hàng tăng đang khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân lao đao. Ngoài các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay để mua bất động sản thì còn khá nhiều nhà đầu tư đang phải "gồng" lãi ngân hàng trong tình trạng đuối sức. Để có thể giải quyết câu chuyện tài chính, họ chấp nhận phải bán đi các tài sản "dễ bán" để có dòng tiền. Các nhà đầu tư cho rằng, bất động sản là tài sản lớn, để có thể bán nhanh trong bối cảnh thị trường hiện tại là điều không dễ dàng. Do đó, việc bán ô tô, điện thoại... với giá giảm sâu sẽ dễ dàng hơn. Dòng tiền này có thể gồng thêm được bất động sản trong lúc chờ đợi thị trường khởi sắc hoặc giải quyết dòng vốn ngắn hạn như lãi hàng tháng, các khoản vay nhỏ...
Các chuyên gia trong ngành cho biết, có thể phải mất nhiều thời gian hơn để thị trường bất động sản phục hồi. Thực tế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã "thấm đòn" chính sách tín dụng. Nhiều nhà đầu tư đang cố gắng giải quyết dòng tài chính bằng cách bán tháo tài sản, hoặc giảm sâu so với giá dự kiến ban đầu. Với những nhà đầu tư dù bán tháo bất động sản cũng khó tìm được khách mua đã tìm cách bán các tài sản "dễ thanh khoản" hơn để giải quyết việc trước mắt, cố chờ đợi thêm tín hiệu tốt từ thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, hiện tại là giai đoạn thị trường sàng lọc mạnh mẽ, giúp thị trường giữ lại những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự. Việc giảm giá mở ra cơ hội cho nhà đầu tư hay người mua thứ cấp đến sau có cơ hội tiếp cận tài sản như ý với mức giá tốt hơn.
Chuyên gia Colliers Việt Nam cho rằng, thách thức trước mắt chắc chắn là có, nhưng vẫn còn những yếu tố củng cố tầm nhìn lạc quan trong trung và dài hạn. Cụ thể, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang được giữ ở mức ổn định một cách khéo léo để đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhu cầu trong các phân khúc bất động sản vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh tâm lý dè chừng, những nhà đầu tư có dòng vốn tốt họ vẫn âm thầm tìm mua bất động sản giá tốt, chờ thời cơ sau này.
Theo hầu hết các chuyên gia, trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường hạn chế như hiện tại, tiền mặt là "vua" và bên có sẵn tiền sẽ có nhiều cơ hội mua bất động sản với giá tốt. Chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ còn thanh lọc mạnh mẽ. Nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng đuối sức, đây là cơ hội "không dễ tìm" của nhà đầu tư có sẵn tiền mặt.