Gạch không nung xi măng cốt liệu - lựa chọn bền vững cho mọi công trình
BÀI LIÊN QUAN
Bạn có biết các mẫu gạch không nung phổ biến hiện nay?Tìm hiểu về ưu nhược điểm của gạch không nungTìm hiểu về nguyên liệu làm gạch không nung và một số mẫu gạch phổ biếnTỔNG HỢP NHÓM XI MĂNG | |
Gạch xi măng cốt liệu
Gạch không nung xi măng cốt liệu còn có tên gọi khác là gạch bê tông hay gạch block (blốc). Gạch được biết đến là một loại gạch không nung, được làm từ các thành phần hỗn hợp bê tông cứng. Nguyên liệu sản xuất gạch gồm có xi măng và cốt liệu là cát, xỉ lò cao, mạt đá, tro xỉ nhiệt điện, cùng một số phụ gia khoáng, nước.
Loại gạch này đang được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trong các loại gạch không nung. Trong các công trình thì gạch không nung này chiếm tỉ trọng lớn nhất. Loại gạch này thường có cường độ chịu lực tốt (trên 80kg/cm²), tỉ trọng lớn (thường trên 1.900kg/m³) và khả năng chống thấm tốt, cách âm cách nhiệt nhưng với những loại kết cấu lỗ thì có khối lượng thể tích nhỏ hơn (< 1.400kg/m³).
Gạch xi măng cốt liệu đang được khuyến khích sử dụng nhiều nhất và được ưu tiên phát triển mạnh nhất. Nó đáp ứng rất tốt các tiêu chí về kỹ thuật, kết cấu, môi trường và cả phương pháp thi công. Loại gạch này dễ sử dụng, và khi xây dựng dùng vữa thông thường.
Các loại gạch không nung xi măng cốt liệu
Phân loại gạch dựa theo mục đích sử dụng và đặc điểm riêng.
Phân loại gạch theo cấu tạo
Xét về đặc điểm cấu tạo, gạch xi măng cốt liệu được chia thành hai nhóm chính là gạch đặc và rỗng.
Trong đó, gạch đặc thường sẽ có hình dạng hình hộp chữ nhật. Được chế tạo kích thước tiêu chuẩn là 220 x 110 x 60 mm.
Mẫu gạch xi măng cốt liệu rỗng cũng có hình dạng hộp chữ nhật. Điểm khác biệt nằm ở các chi tiết lỗ rỗng lớn trên viên gạch, được tạo ra trong quá trình tạo hình.
Phân loại gạch theo cường độ nén
Dựa vào yếu tố cường độ nén, người ta chia gạch theo các Mác gồm: M3,5; M5; M7,5; M10; M15; M20. Tương ứng là các mức cường độ nén trung bình có giá trị lần lượt như sau: 3,5; 5; 7,5, 10; 15; 20 MPa.
Phân loại theo mục đích sử dụng
Về cơ bản gạch xi măng cốt liệu được chia thành hai nhóm chính là gạch xây thường và gạch trang trí.
Gạch thường sẽ được sử dụng chủ yếu để xây tường có trát. Thường bề mặt gạch có màu tự nhiên của bê tông, có thể được tạo hình rỗng hoặc đặc tùy theo nhu cầu.
Gạch trang trí phục vụ những mục đích sử dụng để xây tường không trát. Gạch thường có bề mặt nhẵn bóng hay sần sùi với màu sắc trang trí bắt mắt theo nhu cầu.
Các kích thước gạch không nung xi măng cốt liệu
Gạch xi măng cốt liệu có mẫu mã, chủng loại rất đa dạng, phong phú. Mỗi loại gạch có các kích thước khác nhau. Dưới đây là các kích thước thường gặp của loại gạch này.
Các kích thước gạch xi măng cốt liệu đặc:
Gạch 200x95x60
Gạch 210x100x60
Gạch 220x105x60
Gạch 220x120x60
Gạch 220x150x60
Gạch cốt liệu rỗng 03 thành vách:
Gạch 210x100x150
Gạch 390x150x190
Gạch 390x150x120
Gạch 390x200x190
Gạch 390x200x120
Gạch 390x200x120
Gạch cốt liệu rỗng 02 thành vách:
Gạch 400x100x190
Gạch 400x150x190
Gạch 400x200x190
Kích thước gạch xi măng cốt liệu 4 lỗ tròn:
Gạch cốt liệu 8x8x18, M75
Gạch cốt liệu 8x8x18, M50
Ưu điểm nổi bật của gạch không nung xi măng cốt liệu là gì?
Hiện nay gạch xi măng cốt liệu được sử dụng rộng rãi tại hầu hết các công trình xây dựng, đòi hỏi khả năng chịu tải trọng lớn, tăng tính cách âm cách nhiệt. Đồng thời cần có liên kết chống nứt tường cho các hạng mục khác nhau.
Có thể thấy công dụng của nó không khác gì so với loại gạch đất nung truyền thống. Tuy nhiên chúng được ưa chuộng bởi có nhiều ưu điểm vượt trội hơn.
Gạch xi măng cốt liệu có nhiều hình dạng
Gạch được thiết kế thế và sản xuất dưới nhiều kích thước và hình dáng khác nhau để phù hợp với từng công năng sử dụng.
Cùng với đó là khả năng chống thấm, khả năng cách âm, cách nhiệt khá tốt.
Tăng cường độ chịu lực
Độ bám dính của vữa trên gạch bền chắc giúp hạn chế xảy ra rạn nứt gạch. Mặt khác tăng cường độ chịu lực cho tường và giúp tiết kiệm vữa một cách tối đa. So với dùng gạch nung truyền thống, thì lượng vữa có thể cắt giảm tới 2,5%.
Gạch xi măng cốt liệu được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đồng bộ, do đó chất lượng thành phẩm tương đối đồng đều.
Thời gian thi công nhanh hơn
Có thể bạn không biết, kích thước của gạch bê tông lớn, từ đó giúp rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm được chi phí nhân công tối ưu.
Nhược điểm của gạch không nung xi măng cốt liệu
Gạch cốt liệu có khối lượng thể tích cao, do vậy sẽ làm tăng thêm tải trọng cho công trình. Chủ công trình sẽ cần phải tính toán đến các kết cấu chịu lực trong công trình. So với gạch nung, độ hút nước của gạch xi măng cốt liệu cao hơn. Ngoài ra, kích thước gạch xi măng lớn nên việc vận chuyển, thi công đôi khi gặp khó khăn.
Công nghệ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu
Gạch xi măng cốt liệu được tạo hình bằng phương pháp rung ép hoặc ép tĩnh. Trong đó:
Công nghệ rung ép sử dụng cho các loại cốt liệu có kích thước khác nhau, có quy mô công suất lớn. Sản phẩm có kích thước lớn và đa dạng mẫu mã.
Công nghệ ép tĩnh sử dụng cho cốt liệu có độ mịn cao, có quy mô công suất nhỏ. Gạch được sản xuất theo phương pháp này có bề mặt nhẵn, kích thước nhỏ tương tự như gạch nung truyền thống.
- (1) Cấp nguyên liệu: gồm các phễu chứa nguyên liệu, băng tải liệu, cân định lượng và bộ phận cài đặt phối liệu. Sau khi nguyên liệu được cấp đầy vào các phễu, nguyên liệu được cấp theo công thức phối trộn đã được cài đặt sẵn.
- (2) Máy trộn nguyên liệu: Mạt đá (cốt liệu), nước và xi măng sẽ được tự động đưa vào máy trộn theo quy định cấp phối tự động. Tiếp theo, hỗn hợp nguyên liệu được trộn ngấu đều theo thời gian cài đặt. Hỗn hợp sau phối trộn được đưa vào ngăn phân chia nguyên liệu ở khu vực máy tạo hình hay máy ép tạo block (4) một cách tự động nhờ hệ thống băng tải .
- (3) Khu vực chứa khay (pallet) sẽ cấp pallet làm đế đỡ ở phía dưới trong quá trình ép và chuyển gạch thành phẩm ra khỏi dây chuyền. Khay (pallet) này có thể làm bằng nhựa tổng hợp, tre hoặc gỗ ép; trong quá trình làm việc chịu được lực nén, rung động lớn.
- (4) Máy ép tự động tạo hình: Dựa vào hệ thống thủy lực, máy hoạt động theo cơ chế ép kết hợp với rung tạo lực rung ép rất lớn để hình thành các viên gạch không nung xi măng cốt liệu đồng đều, đạt chất lượng cao và ổn định.
- (5) Tự động chuyển gạch: Máy tự động chuyển và xếp từng khay gạch vào các vị trí định trước một cách tự động. Nhờ vậy, ta có thể chuyển gạch vừa sản xuất ra để dưỡng hộ hoặc tự động chuyển vào máy sấy tùy thuộc mô hình sản xuất.
- Gạch được dưỡng hộ sơ bộ khoảng từ 1 – 1,5 ngày sau đó sẽ chuyển ra khu vực kho bãi thành phẩm và đóng gói, dán nhãn mác rồi xuất xưởng.
Điều cần lưu ý khi sử dụng gạch không nung xi măng cốt liệu
Khi chọn mua gạch không nung xi măng cốt liệu, bạn cần chú ý đến việc chọn sản phẩm tại các địa chỉ uy tín và có chứng nhận đạt MÁC rõ ràng (MÁC là khả năng chịu nén của mẫu bê tông). Không mua ở các cơ sở sản xuất kém uy tín để tránh dùng phải loại gạch bị cắt bớt xi măng và không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Hơn nữa, việc thi công loại gạch này tuy khá dễ nhưng đòi hỏi người thợ xây cần phải có kinh nghiệm bởi vì loại gạch này có kích thước gấp 3-4 lần và nặng hơn gạch thường.
Lựa chọn màu sắc của viên gạch xi măng cốt liệu dùng để trang trí phải trong cùng một lô để đảm bảo sự đồng đều.
Ngoài ra, với độ hút ẩm vừa đủ để kết dính vữa với viên gạch sẽ giúp tường nhà bớt bị thấm nước, tránh tình trạng nấm mốc do thời tiết. Vì thế, bạn nên cân nhắc trong việc dùng gạch để xây tường ngăn, tường bao quanh bên ngoài hay xây tường tại những nơi ẩm ướt như nhà vệ sinh, nhà tắm, phòng bếp….
Gạch xi măng cốt liệu có kết cấu chắc chắn nên sẽ gặp khó khăn trong thi công hệ thống điện nước ngầm trong nhà. Nhưng có thể được khắc phục bằng cách dùng máy khoan cắt và khoan cắt theo mạch vữa.
Không giống với những loại gạch khác là phải dùng vữa chuyên dụng, gạch xi măng cốt liệu có thể dùng vữa xây thông thường để thi công. Nhưng lượng vữa được sử dụng với số lượng ít hơn do bề mặt của viên gạch khá nhẵn và khuôn gạch khít nhau. Vì vậy khi xây dựng bằng loại gạch này thì bạn có thể tiết kiệm đáng kể chi phí vữa xây.
Sau khi trát vữa và thi công gạch được khoảng ba tiếng thì nên tưới nước 3->6 lần/ngày (dựa theo tình hình thời tiết). Thời gian giữ ẩm cho tường gạch cần được thực hiện liên tục từ 4-6 ngày để đảm bảo chất lượng của công trình.
Như vậy, gạch không nung xi măng cốt liệu có rất nhiều ưu điểm nổi trội như độ bền chắc, chịu tải lớn, dễ sử dụng, giảm khối lượng tường xây và tiết kiệm nhiều chi phí xây tường và đặc biệt bảo vệ môi trường nên nó có thể coi là sản phẩm thay thế hoàn hảo cho gạch đất sét nung.