Cạn room tín dụng: Hướng đi nào giúp Doanh nghiệp hết khát vốn?
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp địa ốc: Khó khăn trăm đườngLãi suất ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản?Doanh nghiệp khát vốn
Từng thiếu vốn, chủ đầu tư Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long của dự án Bright City (nay có tên là THT New City) đã phải xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng chính sách ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng của Nhà nước. Thế nhưng đến nay công trường vẫn chỉ xây dựng ở mức cầm chừng.
Không chỉ có dự án Bright City mới phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay mà trên thực tế có đến 90% doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn từ ngân hàng, khách hàng hay phát hành trái phiếu để có tiền triển khai dự án. Chính thực tế này đã khiến không ít dự án phải “đắp chiếu” nhiều năm qua vì không thu xếp được nguồn vốn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Giải bài toán khó khi xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản
TS. Võ Trí Thành: “Siết” tín dụng bất động sản và bài học từ Trung Quốc
Việc hạn chế tín dụng vào bất động sản từ đầu năm đến nay của các ngân hàng đã và đang khiến người dân và doanh nghiệp đứng trước những khó khăn nhất định, trong đó có ảnh hưởng lớn đến hành vi tìm kiếm của người dân đối với lĩnh vực này. Báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn chỉ ra thị trường đất nền toàn quốc trong Quý II/2022 ghi nhận mức quan tâm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời mua bán cũng diễn ra chậm hơn.
“Trong khoảng hai năm vừa qua, với chính sách thắt chặt của thị trường tại Trung Quốc khiến Trung Quốc gặp một vấn đề rất lớn đó là các dự án ế ẩm, không bán được. Nhu cầu trong người dân trở nên rất thấp, vì người ta bỏ nhiều tiền vào bất động sản mà không thể bán được nữa. Đồng thời muốn mua nhưng không có tín dụng để mua. Vậy nên để mở cửa trở lại, Trung Quốc phải khuyến khích người dân đi vay để thị trường hồi lại và lập những quỹ giải cứu thị trường bất động sản để các doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục triển khai các dự án”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết.
Theo thống kê của Đất Xanh Miền Bắc, lượng giao dịch thành công trong 2 tháng gần đây đã giảm đáng kể do khách hàng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
“Đối với sàn chúng tôi, trong vòng hai tháng vừa qua, vẫn có các giao dịch về chung cư, nhu cầu ở thực tại Hà Nội và các tỉnh. Tuy nhiên, cũng gặp tình trạng chung của thị trường, do những năm gần đây người mua nhà, đặc biệt là người mua nhà ở thực, họ sử dụng đến 70% vốn vay từ ngân hàng, mức trung bình là 50 - 60%. Nhưng trong thời gian vừa qua, để tiếp cận với vốn vay thì khá khó khăn và bên Đất Xanh cũng gặp nhiều trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng, đặt cọc đến khi ngân hàng thẩm định thì không đủ điều kiện vay. Nhiều khi các chủ đầu tư cũng phải trả lại cọc cho khách hàng” ông Vũ Cương Quyết, TGĐ CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ.
Cũng như Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land gặp không ít khó khăn khi nguồn tín dụng bị hạn chế trong thời gian vừa qua.
“Ngân hàng phân loại các danh mục đầu tư bất động sản, tạo ra thứ tự ưu tiên: Các bất động sản nhà ở dành cho giá trị thật sẽ được ưu tiên hơn, còn những sản phẩm như đất nền, sản phẩm nghỉ dưỡng gần như đang không được ưu tiên. Đến bản thân chúng tôi khi làm hồ sơ, rõ ràng các điều kiện rất cao. Ví dụ trước đây, các ngân hàng có thể đối ứng để đặt cọc, đối ứng để hỗ trợ trong quá trình nộp tiền thuế sử dụng đất hoặc là trong đấu giá. Thế nhưng đến thời điểm này là gần như doanh nghiệp chúng tôi phải huy động bằng tiền thật. Đây cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản, cũng như là các chủ đầu tư”, ông Lê Đình Chung, Phó TGĐ Hải Phát Land chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước nên làm gì?
Theo các chuyên gia, để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững, Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh hiện tượng kiểm soát thái quá, đặc biệt đối với những dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường. Đồng thời, có thể linh hoạt hơn nữa trong việc xem xét nới hạn mức tín dụng, dựa vào kế hoạch đầu tư công hay cung tiền từ giờ đến cuối năm. Bởi tại Việt Nam, nguyên nhân lạm phát chủ yếu là do yếu tố giá cả.
“Chúng ta cần điều chỉnh tăng trưởng chỉnh tín dụng ở mức độ hợp lý, tránh hiện tượng kiểm soát thái quá. Ví dụ như những dự án khả thi, hiệu quả tốt, khả năng hấp thụ tốt, là nhu cầu thực của người dân, của doanh nghiệp thì chắc chắn vẫn phải đáp ứng tiếp nhu cầu tín dụng.
Thứ hai là việc cấp hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng, thì có thể linh hoạt hoá hơn nữa như là căn cứ vào dự án đầu tư công, căn cứ vào lượng cung tiền từ nay đến cuối năm, để đưa ra mức phù hợp cho tăng trưởng tín dụng cả năm nay.
Trong bối cảnh lạm phát tăng thật, nhưng lạm phát hiện nay chủ yếu vẫn là do yếu tố giá cả, yếu tố chi phí đẩy, còn yếu tố tiền tệ có nhưng không nhiều lắm. Vậy nên chúng ta có thể nới mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn một chút để hỗ trợ phục hồi, tất nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của tín dụng”, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định
Theo PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, về phía Ngân hàng Nhà nước, nên đưa ra cụ thể hơn nữa những tiêu chí, nhất là liên quan đến room tín dụng cho kinh tế xanh, cho những doanh nghiệp đang hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn có những khoản vay có khả năng có rủi ro. Nên cho phép nếu tính trên tổng thể tất cả khoản vay đó vẫn mang lại lợi nhuận, mang lại hiệu quả cho các ngân hàng thương mại.