Thị trường bất động sản sẽ ra sao khi nhà đầu tư liên tục bỏ cọc "tháo chạy"
Theo Infonet, nhận xét về thị trường bất động sản trong 3 tháng vừa qua, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Hải Phát - Hải Phát Invest cho rằng, giai đoạn này thường xuyên xảy ra tình trạng bỏ cọc trên diện rộng, chủ yếu tập trung khu vực phía Bắc khi chiếm tới 60%. Tỷ lệ hủy cọc ở miền Trung và miền Nam rơi vào khoảng 20%.
Phân khúc bất động sản có giá khoảng 10 - 20 triệu đồng đang bị khách hàng bỏ cọc nhiều. Với phân khúc giá thấp hoặc cao hơn thì ít xảy ra tình trạng này.
Đề xuất tăng mức hình phạt đối với người tự ý bỏ cọc đất
Vừa qua, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sẽ xử phạt 50% giá trị quyền sử dụng đất và cấm tham gia đấu giá 5 năm đối với người huỷ kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.Bỏ cọc đất đấu giá ven đô, nhà đầu tư thực sự mong muốn điều gì?
Vừa qua có thông tin nhà đầu tư bỏ ra 90 triệu đồng chỉ để mua 1m2 đất tại Mê Linh đã gây xáo động trên thị trường, đáng nói là khu vực này còn chưa đồng bộ hạ tầng. Theo các chuyên gia, có thể đây là trường hợp “cò” đất dùng chiêu trò để “thổi giá”, “làm giá” bất động sản và thực tế đã có nhiều trường hợp bỏ cọc đất đấu giá.Nhà đầu tư bỏ cọc tháo chạy, giá bất động sản nhiều “điểm nóng” lao dốc
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS cho biết, tại khu vực phía Nam đang diễn ra những đợt sốt đất thật; Tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra ở những nơi mang tính cục bộ chưa hoàn thiện về hạ tầng, thiếu tính pháp lý, chẳng hạn có những nhóm đầu tư mua vào đất nông nghiệp với mục đích lướt sóng.
“Còn bất động sản vùng ven vẫn đang hấp thu tốt và chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng khách bỏ cọc bởi dư địa còn tăng vẫn rất nhiều, tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra ở những vùng cao và với đất nông nghiệp” - Bà Tú nói.
Về việc kiểm soát dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản hay việc siết quy hoạch, áp thuế chuyển nhượng với giá thị trường cũng như ngân hàng đang thận trọng hơn khi cho vay bất động sản… đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường. Tuy nhiên, ông Trần Thế Anh - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi lại cho rằng, những việc này chỉ ảnh hưởng tới một số nhà đầu tư ngắn hạn, có mục đích đầu cơ, lướt sóng hay dùng nhiều đòn bẩy tài chính.
Theo ý kiến này, với các nhà đầu tư dài hạn, có dòng tiền nhàn rỗi sẽ không chịu ảnh hưởng bởi các chính sách trên. Bằng chứng là vẫn có nhiều dự án được bán ra trong thời gian qua ghi nhận mức thanh khoản cao.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản có những biến động mạnh, nhiều khu vực trên cả nước liên tục đối mặt với các trạng thái lúc thăng, lúc trầm.
Tình trạng chung trên thị trường hiện nay là nguồn cung vô cùng khan hiếm, ít sản phẩm mới được tung ra thị trường. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có những hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản nhưng vẫn chưa bắt kịp xu hướng và sự bùng nổ. Do đó, lại dẫn tới việc nhiều dự án khắp cả nước đang gặp khó khăn khi chưa đủ điều kiện bán hàng ra thị trường.
Vì vậy, mỗi dự án được bán sản phẩm trong thời gian qua đều trở thành hàng "hot", hàng "hiếm", thu hút rất nhiều nhà đầu tư và người dân. Khi nhu cầu lớn nhưng nguồn cung hiếm sẽ dẫn tới việc giá bán bị đẩy lên cao, tăng nhanh ở nhiều khu vực, thậm chí tăng gấp vài lần… Đặc biệt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều rất ít có sản phẩm mới đợt vừa qua, điều này khiến mặt bằng giá ở 2 thị trường này tăng phi mã.
Hơn nữa, khi nguồn cung khan hiếm, nhà đầu tư phải loay hoay tìm cách tạo ra sản phẩm trên thị trường. Điều này đã khiến thị trường xuất hiện cả hàng giả, hàng lậu.
“Hàng lậu là hàng người ta đi gom sổ ở các vùng địa phương, vùng nông thôn rồi gom lại, chia tách thành các lô, thửa nhỏ để bán. Câu chuyện này pháp luật không cấm nhưng hệ lụy tạo ra rất nhiều và chúng ta không khuyến khích bởi việc làm này không sinh lợi cho sự phát triển kinh tế. Hàng giả là tình trạng nhiều người đi gom đất rừng, đất đồi rồi ‘biến’ thành dự án chia lô, tách thửa mà không được pháp luật thừa nhận. Việc này đã xảy ra ở nhiều địa phương. Quá trình mua đi bán lại tạo sự tăng giá rất mạnh ở một vùng nào đó nhưng không đóng góp cho sự phát triển kinh tế của vùng đó mà chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm đầu tư, đầu cơ cục bộ” - ông Đính cho hay.
Vì lý này, sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong thời gian qua cơ bản quản lý ổn định vấn đề sốt đất, giao dịch mua bán đất tràn lan tại nhiều nơi, cơ bản ổn định được vấn đề bong bóng đất.
Tuy nhiên, năm 2022 sẽ là năm mà thị trường bất động sản tạo ra sự khác biệt và khó dự đoán. Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn MIK Group chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2022, nhiều dự án đã ra hàng và có thanh khoản tốt, thậm chí có những dự án đạt tốc độ bán gấp 2 - 3 lần, một số dự án mới mở bán vài ngày đã có hàng trăm giao dịch… “Thực tế này cho thấy những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở và đầu tư hiện vẫn đang có nhu cầu tốt trên thị trường nói chung và thị trường vùng ven nói riêng” - Bà Huệ đánh giá.
Cùng đó, ông Đỗ Quý Duy cũng nhận định những dự án của các chủ đầu tư có tiềm lực, uy tín cao vẫn tạo được chỗ đứng tốt trên thị trường. Năm 2022 sẽ rất khó khăn đối với thị trường bất động sản. Trong đó nguồn cung bị suy giảm hơn những năm trước, giảm khoảng 50 - 60% so với 2 năm trước. Tuy nhiên, nguồn tiền trên thị trường phải duy trì lưu thông, bất động sản Việt Nam vẫn còn trong chu kỳ đi lên trong dài hạn. "Tôi cho rằng tâm lý đầu tư bất động sản ở Việt Nam vẫn tốt trong nhiều năm tới. Với nguồn cung hạn hẹp, với chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, có thương hiệu tốt và có tệp khách hàng đã phát triển nhiều năm, tôi cho rằng năm 2022 lại là thời điểm thuận lợi với họ khi ra hàng, tạo sức hút của thị trường” - ông Duy dự báo.