Phân biệt giữa Sở Giao dịch Hàng hóa và Sàn thương mại điện tử
BÀI LIÊN QUAN
Hỏi đáp về việc Xử lý vi phạm đối với Thành viên thị trườngHỏi đáp về Nghĩa vụ các Thành viên thị trường đang hoạt động dưới sự quản lý của MXVHỏi đáp những vấn đề về Xử lý vi phạm thành viên của MXV“Sở Giao dịch Hàng hóa có phải một loại hình Sàn Giao dịch thương mại điện tử hay không?”, câu hỏi của bạn Phạm Minh Anh, đến từ TP HCM.
“Những loại hàng hóa nào đang được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)?”, câu hỏi của bạn Trần Anh Thư, đến từ Đà Nẵng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là gì?
Theo Báo Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có tên tiếng Anh là Mercantile Exchange of Vietnam, viết tắt là MXV. Đây là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Công Thương quản lý trực tiếp.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có tên tiếng Anh là Mercantile Exchange of Vietnam, viết tắt là MXV. Ảnh: Vietnamplus |
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, hiện tại đang quản lý 37 Thành viên Thị trường (trong đó có 35 Thành viên Kinh doanh cùng với 02 Thành viên Môi giới); ngoài ra còn có các văn phòng, chi nhánh ở khắp các tỉnh và thành phố trên cả nước. Đồng thời, những Thành viên Thị trường trực thuộc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nhà đầu tư.
Những chức năng của các đối tượng tham gia thị trường cũng đã được phân định một cách rõ ràng, đảm bảo sự chuyên nghiệp, giúp thị trường được vận hành tối ưu. Toàn thị trường đang có khoảng hơn 22.000 tài khoản giao dịch active tính đến cuối tháng 1 năm nay.
Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hiện đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm, được chia thành 4 nhóm gồm: Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu Công nghiệp. Các sản phẩm này đều được liên thông trực tiếp với các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới, gồm có Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Hàng hóa Liên lục địa (The ICE), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Bursa Malaysia (BMD).
Chốt lại năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 36% so với năm liền trước. Giá trị giao dịch trung bình đạt mức 5.000 tỷ đồng/ngày, thậm chí có những ngày lập mức kỷ lục lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Hàng hóa có phải một loại hình Sàn Giao dịch thương mại điện tử?
Thực tế, Sở Giao dịch Hàng hóa không phải là một loại hình Sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là một Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động dựa theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật chuyên ngành.
Mô hình hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương |
Chức năng của Sở Giao dịch Hàng hóa bao gồm: (i) Thực hiện việc niêm yết, giao dịch các sản phẩm (Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn) để người mua và người bán có thể giao dịch mà không cần phải gặp trực tiếp; (ii) Tổ chức, điều hành, cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để giao dịch hàng hóa diễn ra; (iii) Liên thông với các Sở Giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài để hàng hóa của Sở này có thể được giao dịch ở Sở kia và ngược lại.
Trong khi đó, Sàn Giao dịch thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập nhằm phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng, có thể lấy ví dụ về các sàn này như: Lazada, Shopee, Tiki, …
Ngoài ra, Sàn Giao dịch thương mại điện tử là mô hình thị trường 1 cấp, giao dịch truyền thống song phương và không cần hệ thống giao dịch điện tử. Ngược lại, Sở Giao dịch Hàng hóa là mô hình thị trường 2 cấp, giao dịch đa phương, phải có hệ thống giao dịch khớp lệnh chuẩn quốc tế.
Vì thế, Sở Giao dịch Hàng hóa và Sàn Giao dịch thương mại điện tử xét về bản chất là khác nhau, đóng vai trò riêng biệt trong hoạt động thương mại.
Hiện nay, Sở Giao dịch Hàng hóa đang được quản lý trực tiếp bởi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương; còn Sàn Giao dịch thương mại điện tử đang hoạt động dưới sự quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
Những loại hàng hóa được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa
Những loại hàng hóa được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa là những mặt hàng đã được tiêu chuẩn hóa theo quy định của Sở Giao dịch Hàng hóa. Ngoài ra, mỗi loại hàng hóa sẽ có Đặc tả quy định chi tiết về số lượng, chất lượng, chủng loại và xuất xứ, kỳ hạn thực hiện giao nhận hàng vật chất để niêm yết tại Sở Giao dịch Hàng hóa.
Khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ giúp hạn chế được các rủi ro liên quan đến chất lượng, số lượng hàng hóa so với các kênh thương mại truyền thống.
Không quy định về việc phải là hàng hóa được sản xuất bởi đối tượng/đơn vị nào.
MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới |
Các thông tin về việc giao nhận hàng hóa, thực hiện nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa được thể hiện trên các loại Hợp đồng mua bán qua Sở Giao dịch Hàng hóa (gồm Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn) và tiêu chuẩn niêm yết của Sở Giao dịch Hàng hóa.
Như đã nói ở trên, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Các sản phẩm này được giao dịch dưới hình thức điện tử, thời gian giao dịch theo quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông đối với từng mặt hàng, thông thường sẽ diễn ra từ 5h sáng thứ Hai đến 5h sáng thứ Bảy hàng tuần.