"Nỗi đau" nghề môi giới: Những cái Tết “buồn” và chuyện phải đi vay tiền để về quê
BÀI LIÊN QUAN
“Nỗi đau” nghề môi giới (bài 15): Những nỗi buồn còn lại"Nỗi đau" nghề môi giới (bài 14): Hành trình xây dựng kênh marketing online của nữ môi giới"Nỗi đau" nghề môi giới (bài 13): Nhiều lỗ hổng cần được lấp đầyVay tiền để về quê ăn Tết
Anh Nguyễn Việt Long – môi giới bất động sản ở TP Hồ Chí Minh từng là một nhân viên thiết kế đồ họa, có mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên năm 2019, anh quyết định rẽ ngang sang làm môi giới bất động sản với mong muốn gia tăng thu nhập cho bản thân.
Những ngày đầu mới bước vào nghề, anh lựa chọn làm môi giới cho phân khúc biệt thự, nhà phố ở khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh . Đây là một phân khúc rất kén người mua nên anh đã trải qua những tháng ngày rất chật vật vì không thể bán được hàng.
Quãng thời gian đầu, anh làm việc rất chăm chỉ, liên tục gọi điện, phát tờ rơi, chạy quảng cáo Facebook, Google để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, thị trường bất động TP Hồ Chí Minh ở thời điểm đó rất khó khăn, thanh khoản chững lại, các dự án mới đều bị lùi thời gian mở bán vì vướng pháp lý. Diễn biến xấu của thị trường gây nhiều hoang mang cho người mua nhà, kiến những người môi giới như anh Long không thể bán được hàng, nguồn thu nhập hàng tháng bị cắt giảm mạnh.
“Lúc mới vào nghề, lương cứng của tôi chỉ được 5 triệu mỗi tháng. Với khoản tiền này, tôi chỉ đủ trả tiền thuê nhà, điện thoại và phải tiết kiệm lắm mới đủ tiền ăn uống trong tháng. Khoản lương cứng ít ỏi, không đủ tiêu cho nên trong khoảng thời gian đó, tôi phải chạy thêm xe ôm công nghệ vào những lúc rảnh rỗi để có thêm tiền sinh hoạt mỗi tháng”, anh Long chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, cái Tết năm đầu tiên làm nghề môi giới, anh rơi vào tình trạng “rỗng túi” vì cả 3 tháng cuối năm miệt mài làm việc nhưng không bán được căn nhà nào. Đã vậy, công ty kinh doanh khó khăn nên anh không có tiền thưởng Tết. Quá bí bách nên anh đành phải chạy đi vay người quen 10 triệu đồng để về quê ăn Tết với gia đình.
Anh Long thừa nhận, thu nhập của nghề môi giới bất động sản có thể tăng không giới hạn nhưng đổi lại rất bất ổn. Người ngoài nhìn vào thì tưởng “nhàn hạ” nhưng cái nghề này rất áp lực và nhiều thách thức hơn những công việc văn phòng hiện nay. Nếu không có sự kiên trì thì rất ít ai bám trụ được và tiến xa hơn với cái nghề này.
Cái Tết không có thưởng
Tương tự hoàn cảnh của anh Long, chị Lê Thị Linh Giang cũng là một “tay ngang” làm môi giới bất động sản. Trải qua hơn 5 năm gắn bó, chị cũng nếm đủ mọi “đắng cay, mật ngọt” với cái nghề này. Có thời điểm, chị kiếm được một số tiền bằng cả năm trời “làm công ăn lương” trước đây. Tuy nhiên, cũng có thời điểm thu nhập của chị “chạm đáy” vì không bán được hàng.
Chị Giang kể lại, năm 2020, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh gần như “chết đứng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguyên một năm trời, chị chỉ bán được 3 căn hộ giá rẻ, hoa hồng nhận về là khoảng 60-70 triệu đồng mỗi căn.
Tuy nhiên, chị không được nhận 100% số tiền hoa hồng này mà phải trích lại gần một nửa cho công ty để phát triển hệ thống bán hàng. Ngoài ra, chị còn phải trích thêm 10% tiền hoa hồng để trả chi phí chạy quảng cáo, mua dữ liệu khách hàng, in ấn tờ rơi,…. Sau khi trừ mọi khoản phí, số tiền hoa hồng thực chị được nhận chỉ vỏn vẹn tầm 20-30 triệu đồng mỗi căn.
Thậm chí, cái năm thị trường bất động sản lao đao vì dịch Covid-19, chị còn không được nhận tiền thưởng Tết do công ty làm ăn khó khăn. Lương cứng và khoản hoa hồng cuối năm khiêm tốn đến mức chị phải bán bớt vàng cưới để sắm sửa Tết tươm tất cho gia đình.
Theo chị Giang, người mua nhà, mua đất không tự tìm không thể tự tìm đến phía chủ đầu tư hay đơn vị phân phối. Cho nên, để bán được hàng, môi giới bất động sản phải bỏ tiền túi ra để chạy quảng cáo trên Facebook, Google, mua dữ liệu khách hàng, đăng tin quảng cáo, gọi điện tư vấn và chăm sóc khách hàng,…
“Tất cả những khoản phí tiếp thị cá nhân này rơi vào tầm 15-25 triệu đồng. Hiện nay, hầu như những ai người làm nghề môi giới bất động sản đều phải chi một khoản tiền như vậy. Nếu bán được hàng, môi giới sẽ trừ khấu hao được khoản phí này trong tiền hoa hồng. Còn không bán được thì môi giới sẽ phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả”, chị Giang chia sẻ.
Sau nhiều năm làm nghề, chị Giang đã có một lượng khách hàng ổn định, thu nhập không còn bấp bênh như trước. Tuy nhiên, chị vẫn chưa thể đoán định được cái nghề làm môi giới bất động sản của chị sẽ biến động như thế nào trong tương lai. Công thêm hiện nay, sự cạnh tranh trong nghề này rất khốc liệt, nhiều người có kinh nghiệm nhưng vẫn bị đào thải.
Đánh giá về mức độ cạnh tranh trong nghề môi giới bất động sản hiện nay, ông Phạm Văn Hảo – CEO Nam Bộ Invest cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề vì thị trường khó khăn. Đây là một minh chứng rõ nét cho mức độ đào thải của nghề này, rất dễ vào những khó tồn tại được lâu dài.
Để có thể đứng vững trong nghề, người môi giới bất động sản phải có tư duy hành nghề, bản lĩnh lớn, sự chuyên nghiệp trong công việc. Đồng thời, đi kèm đó là đạo đức với nghề nghiệp, đồng nghiệp, khách hàng và xã hội.
“Đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Trong thời gian tới, thị trường địa ốc vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những dự âm của đại dịch và cộng thêm một loạt rào cản mới về dòng vốn và pháp lý. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm rằng “Thời thế tạo anh hùng”, trong thời gian khó khăn này mới thấy được ai là người có bản lĩnh”, ông Hảo cho hay.