Nhà đang được trả góp có phải di sản thừa kế khi người trả góp chết?
BÀI LIÊN QUAN
Vợ chồng 9X bật mí công thức quản lý tài chính thông minh: Mua nhà trả góp, để dành tiền đầu tưHỏi: Vợ chồng bạn tôi mua một căn hộ trả góp thời hạn 15 năm, tuy nhiên khi mới trả được 5 năm thì người chồng không may qua đời. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp đó, căn hộ có phải là di sản thừa kế hay không? Người vợ có tiếp tục được trả góp ngôi nhà đó như trong hợp đồng hay không?
Xin cảm ơn.
Chị Lê Hoài Thu (Thanh Hóa).
Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tới chuyên mục Hỏi đáp pháp luật. Về vấn đề chị hỏi, Luật sư Vũ Thị Quyên - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội xin được tư vấn như sau. Trước hết, cần xác định được di sản thừa kế gồm những tài sản nào? Pháp luật quy định về di sản thừa kế ra sao.
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản như sau:
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Như vậy, theo quy định trên, di sản bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết khi vẫn còn sống bao gồm: là những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người đó như tài sản riêng của vợ hoặc chồng, tài sản người đó được người khác tặng cho riêng, tài sản người đó được thừa kế riêng,…
- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác: là phần tài sản cùng đồng sở hữu với người khác như là phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng,...
Có thể thấy được rằng bất kỳ tài sản nào của người chết sở hữu đều được xem là di sản thừa kế. Di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Trong trường hợp người chết không kịp viết di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định pháp luật căn cứ vào hàng thừa kế của người chết
Nhà trả góp có phải là di sản thừa kế?
Theo Điều 125 Luật Nhà ở 2014 quy định về mua bán nhà ở trả chậm, trả dần như sau:
Mua bán nhà ở trả chậm, trả dần
1. Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở; trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.
2. Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.
3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì hai bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.
Như vậy, theo quy định, nhà trả góp là di sản thừa kế.
- Trong trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán. Sau khi đã trả đủ tiền mua nhà.
- Trường hợp người trả góp ngôi nhà chết, người hưởng di sản thừa kế ngôi nhà đó có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì hai bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.
Người hưởng thừa kế có tiếp tục trả góp ngôi nhà được không?
Theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, theo quy định, ngôi nhà đang trả góp vẫn có thể tiếp tục được trả góp:
- Trường hợp di sản là ngôi nhà trả góp đã được chia thì mỗi người thừa kế tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả góp ngôi nhà do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Do tài sản vẫn đang trong quá trình trả góp, nên trước khi thực hiện phân chia tài sản là nhà trả góp, những người thừa kế phải hoàn thành trả góp ngôi nhà. Sau khi hoàn thành trả góp ngôi nhà, những người thừa kế có thể tiến hành phân chia tài sản theo thỏa thuận hoặc theo di chúc người chết để lại.