Vợ chồng 9X bật mí công thức quản lý tài chính thông minh: Mua nhà trả góp, để dành tiền đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
9X thu nhập 10 triệu/tháng tự xây Homefarm với 300 triệu: Bí quyết là có kế hoạch rõ ràng, tiết kiệm và làm việc chăm chỉVừa học vừa kinh doanh, 9X Phú Thọ tậu nhà tiền tỷ ở Hà Nội, đủ tiền nhưng vẫn chọn trả góp vì 1 lý doNữ lập trình viên 9X tập tành đầu tư quỹ, quyết "tậu" căn hộ 3,2 tỷ sau 12 năm thuê trọ dù phải vay 50%Theo Trí thức trẻ, xuất phát điểm từ một người làm công ăn lương, nhưng từ khi quyết định xây dựng gia đình, anh Nguyễn Trọng Trung đã bắt đầu bén duyên với những kế hoạch quản lý tài chính và đầu tư. Sau nhiều năm nỗ lực cố gắng cùng sự tự tin vào khả năng quản lý tài chính và những dự án đầu tư có tính toán của bản thân, vợ chồng anh Trung đã quyết định mua trả góp 50% giá trị căn hộ diện tích 103m2.
Học cách quản lý tài chính thông minh trước khi chuẩn bị lập gia đình
Cũng như bao bạn trẻ khác, trước khi lập gia đình, anh Nguyễn Trọng Trung (sinh năm 1991) tiêu xài khá thoải mái, không để ý nhiều đến những kế hoạch tài chính. Với thu nhập ổn định nhưng không quá cao của một nhân viên văn phòng, chàng trai 9X sớm nhận ra bản thân hầu như không tích cóp được bao nhiêu. Chính vì vậy, ngay khi có ý định kết hôn, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia những khóa học về quản lý tài chính cá nhân từ căn bản đến nâng cao.
Anh Trung chia sẻ, nhờ tham gia nghiêm túc những khóa học đó mà anh định hướng rõ mục đích về sử dụng tiền trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những quy tắc ấy được anh áp dụng cả trước và sau khi kết hôn. Theo đó, thu nhập của hai vợ chồng sẽ được phân ra thành 3 khoản chính: Tài khoản chi tiêu, tài khoản khẩn cấp và tài khoản đầu tư.
Đặc biệt, anh Trung chia sẻ chi tiết về các mà hai vợ chồng phân chia cũng như sử dụng 3 loại tài khoản chính, cụ thể:
Với tài khoản chi tiêu: Hàng tháng sẽ được trích ra một khoản cố định dành cho chi tiêu các hoạt động cơ bản hàng tháng (ăn uống, đi lại, điện nước, xe cộ, sinh hoạt phí...)
Tài khoản khẩn cấp: Đây là tài khoản sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (bệnh tật, thất nghiệp...). Tài khoản này gần như được niêm phong và chỉ sử dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết, thường bằng khoảng 6 - 12 lần tài khoản chi tiêu hàng tháng.
Tài khoản đầu tư - tích lũy: Vợ chồng anh Trung đều thống nhất chia đều thành các khoản ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tiện theo dõi.
Để có thể dư dả tài chính và mua được nhà, cặp vợ chồng 9X luôn ý thức rằng: không chỉ cần quản lý tốt khoản thu nhập ổn định mà còn phải học đầu tư và mạnh dạn đầu tư ở nhiều lĩnh vực từ nhỏ đến lớn thì mới có cơ hội bứt phá. Vì vậy, xuất phát từ khoản chi tiêu cho đầu tư - tích lũy, anh Trung đã mạnh dạn nghiên cứu các lĩnh vực đầu tư từ nhỏ đến lớn.
Trong quá trình đầu tư, do bản thân vốn không phải nhà đầu tư kỳ cựu hay có quá nhiều kinh nghiệm nên đa phần anh Trung đều tự mày mò nghiên cứu và kiên trì từng bước một, đề ra kế hoạch rõ ràng về đầu tư trước mắt và đầu tư dài hạn. Về kế hoạch ngắn hạn, anh trích lập một khoản nhỏ để đầu tư cho bản thân như tham gia các khóa học về tài chính, đầu tư. "Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, bản thân tôi vẫn cho rằng đầu tư cho bản thân là nền tảng của bất kỳ lĩnh vực đầu tư khác”, anh Trung chia sẻ.
Khác với định hướng của nhiều người, anh Trung xác định bất động sản sẽ là kênh đầu tư chính và lâu dài. Do lượng vốn của bản thân chưa nhiều nên anh chọn đầu tư vào các bất động sản ở xa như vùng ven, bất động sản tỉnh... Tuy nhiên, các bất động sản này đều phải có pháp lý rõ ràng, tránh những kiểu mập mờ, mua bán đứt đoạn hay mua bán bằng giấy tờ viết tay. Thời gian sinh lời của các kênh bất động sản này phải từ 3-5 năm, thậm chí lâu hơn, vì thế cần đầu tư thời gian và công sức tìm hiểu trước khi xuống tiền, không nên nóng vội và không nghe thông tin từ một phía.
Bên cạnh đó, nhờ có mối quan hệ quen biết trong lĩnh vực như Công nghệ thông tin, AI... nên anh Trung cũng mạnh dạn đầu tư vào những công ty start-up với tư cách người cộng sự.
Lựa chọn cách mua nhà trả góp, để dành tiền đầu tư
Nhờ những kế hoạch quản lý tài chính thông minh cùng khoản lợi nhuận thu được nhờ việc đầu tư có bước khởi sắc, vợ chồng anh Trung mặc dù có đủ khả năng mua căn hộ của riêng mình, nhưng cả hai vẫn quyết định mua nhà trả góp.
Anh Trung chia sẻ, do cả hai vợ chồng đều có nhiều bạn bè và cũng muốn mua một căn nhà rộng rãi để tiếp đón bố mẹ hai bên nên muốn mua một căn hộ thực sự vừa ý. Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc đủ tài chính mới xuống tiền mua căn hộ mình thích thì lại khó chọn được dự án hay căn hộ mình ưng ý bởi giá bất động sản gần trung tâm hiện ngày càng cao và các dự án để lựa chọn cũng không phải quá nhiều.
Nhưng hơn hết, anh Trung nhìn ra tiềm năng của những nguồn đầu tư thay vì dồn tất cả tiền tích cóp để mua nhà. Anh cho rằng, nếu dùng hết tiền để mua nhà thì các khoản đầu tư sẽ phải thu về hết, nguồn thu nhập bổ sung khi đó cũng giảm xuống.
Theo đó, khi có quyết định mua nhà, hai vợ chồng đã quyết định rút bớt vốn tại các khoản đầu tư bất động sản dài hạn cộng thêm vay mượn một phần nhỏ từ gia đình, bạn bè để có phần đối ứng là 50%, còn lại 50% vay vốn của ngân hàng.
Sau khi hoàn thiện căn hộ, vợ chồng anh Trung đã xây dựng một quy trình trả nợ rõ ràng. Lúc này, trả nợ được đưa lên làm ưu tiên số một. Thói quen chi tiêu cùng thay đổi khá rõ rệt, các sản phẩm như quần áo, túi xách hàng hiệu được giảm thiểu tối đa, du lịch tại các địa điểm "sang chảnh" cũng hạn chế để dành tiền trả nợ trước hạn cho khoản vay.
Trước đây, hai vợ chồng anh Trung cũng đều đam mê ẩm thực cũng như thích lang thang phố phường. Mỗi tuần, cả hai đi ăn ngoài và cafe 4-5 lần. Nhưng sau khi mua nhà, các khoản này được cắt giảm tối đa xuống chỉ còn 1-2 lần trong tháng. Nếu thích ăn uống, hai vợ chồng có thể tự mua đồ về và chế biến nấu nướng tại gia. Một phần vừa để tiết kiệm, phần nữa là sau khi đầu tư một căn bếp khá đầy đủ tiện nghi, vợ chồng anh cũng mong muốn được nấu nướng trong chính căn bếp của gia đình để gắn kết tình cảm.
Mặc dù thực hiện tiết kiệm chi tiêu, nhưng anh Trung không để khoản nợ làm ảnh hưởng đến mức sống của gia đình. Anh Trung luôn xác định: không chi tiêu phung phí nhưng không có nghĩa là sống thắt lưng buộc bụng. Chính vì thế, mỗi khi đạt được các mốc trả nợ trước hạn khoảng 100 - 200 triệu đồng anh lại tự thường cho gia đình mình những món quà như một sự ghi nhận nỗ lực cố gắng của bản thân. Nhưng có một điều quan trọng hơn cả là vợ chồng anh không chỉ tiết kiệm tiền sẵn có mà còn đồng thời ngày càng phát triển các khoản đầu tư sinh lời.
Căn nhà trong mơ
Theo anh Trung chia sẻ, căn nhà của anh có diện tích 103m2, bao gồm 1 phòng khách, 1 nhà bếp và 3 phòng ngủ với 3 phòng vệ sinh vô cùng rộng rãi và thoải mái. Bởi căn hộ rộng rãi như vậy nên mỗi khi có bạn bè hay người thân ghé thăm đều có thể ngủ lại.
Anh Trung cho biết thêm, căn hộ hoàn toàn khớp với những tiêu chí mà hai vợ chồng đặt ra nên mức giá lên đến hơn 4,5 tỷ đồng, chưa tính nội thất, tương đương với một căn nhà mặt đất nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định lựa chọn.
Anh cũng chia sẻ, khi mua căn hộ, anh đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng những yếu tố xung quanh như: vị trí dự án, chủ đầu tư, các tiện ích xung quanh dự án đó sau cùng mới đến tiện ích căn hộ. Theo anh Trung, căn hộ này sẽ ở cố định trong một thời gian khá dài 5-10 năm, thậm chí là lâu hơn nữa vì vậy nên cần có cái nhìn dài hạn để thuận tiện cho cả hai vợ chồng đi làm, giao thông thuận tiện kết nối với chợ, bệnh viện, trường học các cấp để sau này không phải lo lắng về các vấn đề học hành cho con cái.
Được biết, thời hạn hoàn thành trả góp cho ngôi nhà này là 5 năm, nhưng với kế hoạch chi tiêu bài bản, chi tiết cùng những dấu hiệu tốt trong đầu tư, cặp vợ chồng 9X dự kiến sẽ trả hết hoàn toàn nợ trước thời hạn.