Người nước ngoài có được mua và sở hữu căn hộ condotel tại Việt Nam không?
BÀI LIÊN QUAN
“Luật hóa” condotel: Giải pháp "tháo gỡ điểm nghẽn" bất động sản du lịchKhi những căn hộ condotel không được...thừa nhậnCondotel hết thời: Đã đến lúc "buông tay" căn hộ nghỉ dưỡng?Hỏi:
Tôi có một người bạn quốc tịch Canada, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Người này rất quan tâm và muốn đầu tư vào các căn hộ Condotel ở miền Trung. Tôi muốn hỏi là người nước ngoài thì có được mua sở hữu căn hộ Condotel tại Việt Nam hay không? Xin cảm ơn.
(Anh Lê Minh Trí, TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục, vấn đề bạn quan tâm, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) xin tư vấn như sau:
1. Thế nào là căn hộ Condotel?
Hiện nay, khái niệm căn hộ Condotel vẫn chưa được định nghĩa tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Tuy nhiên, một số văn bản vẫn nhắc đến Condotel như một ví dụ về các căn hộ lưu trú, mô hình căn hộ - khách sạn hay căn hộ du lịch,...
Dựa trên thực tế sử dụng, có thể hiểu căn hộ Condotel là sự kết hợp giữa mô hình căn hộ chung cư (condominium) và phòng khách sạn (hotel). Theo đó, người sử dụng căn hộ condotel sẽ được trải nghiệm song song giữa hai tính năng: "Như 01 căn hộ để ở" và "Như 1 khách sạn".
Tại Việt Nam, mô hình này đã và đang được phát triển khá nhanh và là một loại hình bất động sản tìm năng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chính vì sự thiếu rõ ràng, chi tiết trong các quy định mà loại hình Condotel cũng chứa đựng nhiều mối rủi ro tiềm ẩn.
2. Người nước ngoài có thuộc đối tượng được mua bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Việt Nam không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản 2014 về đối tượng được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như sau:
Đối tượng được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản
1. Tổ chức, cá nhân trong nước được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó.
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bất động sản được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để kinh doanh theo quy định tại Điều 11 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trên thì người nước ngoài vẫn thuộc một trong những đối tượng được mua nhà, công trình xây dựng của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó.
3. Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014 như sau:
Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 nêu trên thì người được ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức:
- Đầu tư xây dựng nhà ở;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
4. Người nước ngoài có được mua sở hữu căn hộ Condotel tại Việt Nam hay không?
Căn cứ vào các quy định liên quan đến việc mua sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài tại Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản 2014 và khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 nêu trên.
Hiện tại, pháp luật vẫn chưa có quy định chính thức, cụ thể nào trong việc điều chỉnh các nội dung mua bán, sở hữu căn hộ Codotel. Chính vì thế, dưới góc độ pháp lý, người nước ngoài vẫn chưa có đủ cơ sở để thực hiện hoạt động mua, sở hữu căn hộ Condotel tại Việt Nam.
Thay vào đó, trong trường hợp có nhu cầu đầu tư vào mô hình Codotel, người nước ngoài có thể thực hiện các phương thức đầu tư dựa trên Luật Đầu tư 2020 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.