Khó khăn trong việc giải ngân gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Hết 7 tháng, giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 năm qua Quỹ VEIL giải ngân 1.650 tỷ đồng, Hóa chất Đức Giang lọt TOP 10 danh mụcGiải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 27,75% kế hoạchÁp lực vì khó giải ngân
Theo đại diện Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 41/62 địa phương gửi báo cáo và đề xuất về việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng như cải tạo chung cư cũ với tổng số lên đến 240 dự án.
“Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, khi rà soát lại chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là được UBND cấp tỉnh tại Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang chịu trách nhiệm về hồ sơ pháp lý. Đồng thời nhu cầu vay vốn được đề xuất với quy mô 6.426 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 4.665 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 1.751 tỷ đồng” - đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
4 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tiếp cận gói tài chính 40.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bao gồm:
Dự án 1, nhà ở xã hội tại Khu dự phòng Tây Bắc, thị xã Sa Pa (Lào Cai) dành cho người thu nhập thấp với quy mô 917 căn hộ, tổng mức đầu tư 925 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh là 277 tỷ đồng.
Dự án 2, nhà ở xã hội tại xã Sú Ngòi, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) với quy mô 810 căn hộ, có tổng mức đầu tư 737,076 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn của UBND tỉnh là 515,95 tỷ đồng;
Dự án 3, chung cư nhà ở xã hội tại Thành phố Vàng thuộc địa bàn phường 2, TP Tây Ninh, quy mô 1.642 căn hộ với tổng mức đầu tư 1.777 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn là 100 tỷ đồng;
Dự án 4, nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang với quy mô 3.057 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.226 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn là 858 tỷ đồng.
Trước những thắc mắc về việc xét duyệt hồ sơ giải ngân vốn vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, theo công văn số 2464/BXD-QLN mới đây gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổng hợp và đưa ra thông báo đến các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm đúng quy định, tiến độ tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
Để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, theo quy định doanh nghiệp phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện như: (1) Đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; (2) Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 – 31/12/2023 đáp ứng được các điều kiện đã ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân; (3) Sử dụng vốn đúng mục đích ban đầu; (4) Chưa được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất từ các chính sách khác.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (doanh nghiệp) vừa và nhỏ Việt Nam, ông Phạm Huy Hùng đánh giá: “Sau đại dịch COVID - 19, các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào nguồn vốn vay để quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, với tiêu chí siết chặt như trên nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này. Bởi lẽ, sau tác động của đại dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp không thể đáp ứng được hết các tiêu chí như: không có nợ xấu, phải có doanh thu, tài sản bảo đảm...”.
Cần linh hoạt hơn trong chính sách
Giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá có rất nhiều chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn. Không chỉ có những vướng mắc về cơ chế, chính sách mà nguồn vốn ngân sách bố trí cho các dự án nhà ở xã hội cũng rất ít. Để khắc phục tình trạng trên, trong giai đoạn 2022 - 2023, Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất là 2% cho các doanh nghiệp nhằm phục hồi sau dịch Covid-19. Trong đó có cho vay đối với dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Tuy nhiên vẫn tồn tại nghịch lý là mặc dù nguồn “vốn mồi” đã có nhưng việc giải ngân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tất cả các tiêu chí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vậy nên, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN giúp Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cho phép cá nhân, hộ gia đình vay mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh - Lê Hoàng Châu phân tích: “Thông tư 20 quy định, cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhưng trước khi vay lại phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi. Còn đối với 4 ngân hàng nêu trên chỉ được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay ưu đãi với mức lãi suất 4,8%/tháng để xây nhà hoặc sửa chữa nhà. Ngoài ra, thông tư 20 chỉ phù hợp với khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 nhưng lại không phù hợp và trái với quy định của Nghị định 49 và Nghị định 100”.
Cùng với đó, theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, để được giảm 2% lãi suất thì các địa phương cần phải tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Đồng thời các khu đất công quy hoạch làm nhà nhà ở xã hội sẽ được đưa ra để đấu thầu, từ đó có nhiều dự án được phê duyệt hơn nữa và sớm đưa vào triển khai thực hiện.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần linh hoạt hơn trong quy định quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội. Nếu trước đây các dự án từ 2ha trở lên bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội thì giờ có thể linh hoạt cho chủ đầu tư để chuyển phần đất dành để xây nhà ở xã hội sang một dự án khác phù hợp với quy hoạch chung hơn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng chia sẻ: “Quy định của pháp luật nên điều chỉnh theo hướng phù hợp và thuận tiện hơn. Theo đó, chủ đầu tư có thể lựa chọn xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, đưa ra đề xuất hoán đổi quỹ đất xây nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc thanh toán tiền cho Nhà nước theo giá thị trường”.