Hết 7 tháng, giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 năm qua
BÀI LIÊN QUAN
VCCI đề xuất xây dựng mô hình liên kết 4 địa phương có lực hút FDI “khủng” Đà Nẵng chào đón cơ hội thu hút nguồn vốn FDI chất lượngLong An đón nhận dòng vốn FDI "khủng" với 1.144 dự ánGiải ngân vốn FDI duy trì đà tăng trưởng
Theo thoibaonganhang.vn, trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7 cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 46.200 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237.600 tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).
Trong khi đó, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được coi là số vốn FDI được giải ngân cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, số vốn cấp mới có giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, có 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân trong 7 tháng qua.
Đánh giá về khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Việt Nam luôn duy trì được vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra".
Có thể thấy, số vốn đăng ký mới vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn bởi sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch Covid-19 vào năm 2021. Tuy nhiên, số vốn điều chỉnh lại tăng 59,3% và góp vốn, mua cổ phần tăng 25,7%.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Vốn đầu tư tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác, phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới”.
Dấu hiệu các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ta, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngược lại, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng khá mạnh thì tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tuy chậm lại so với các tháng đầu năm. Tuy nhiên, quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ. Nổi bật là các dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao.
Công nghiệp, chế biến dẫn đầu thu hút FDI
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2022, có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Thứ hai là Singapore với 1,22 tỷ USD, chiếm 21,3%. Thứ ba là Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%. Tiếp theo là Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...
Về vốn đăng ký điều chỉnh, đã có 579 dự án đã được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh đầu tư, với tổng số vốn tăng thêm là 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều nhất đạt 9,37 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,06 tỷ USD, chiếm 15,9%. Các ngành còn lại đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 11,8%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo một lần nữa giữ ngôi vị quán quân về thu hút dòng vốn FDI, khi có tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông....
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, để duy trì đà tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.
Đối với các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý. Các chi phí không chính thức cần loại bỏ hoàn toàn bởi đây là nút thắt làm cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Doanh nghiệp cũng cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo góp phần tạo công ăn việc làm và tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng và có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 khá chậm.
Để các dự án FDI ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, Việt Nam cũng cần “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn dự án. Tập trung thu hút các dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng lao động ít và mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời, cần hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực của quốc gia.