Hướng dẫn giải quyết tranh chấp lối đi chung theo quy định của pháp luật
BÀI LIÊN QUAN
Có được mở cửa sổ ra khoảng không lối đi chung không?Có thể khởi kiện tranh chấp lối đi chung khi chưa hòa giải không?Tôi muốn xin cấp sổ đỏ cho lối đi chung có được không?Hỏi:
“Gia đình tôi từ trước đến nay (vài chục năm qua) chính quyền thôn và xã có cấp cho một lối đi vào cổng nhà, trên sổ địa chính cũng chỉ ghi cho riêng nhà tôi được đi trên đường đó. Gia đình tôi đã tu sửa đường 3 lần, ở thôn mấy lần có tu sửa các ngõ nhưng không làm cho gia đình tôi. Nay nhà hàng xóm xây nhà và muốn đi cùng đường đó.
Tôi cũng bảo nếu muốn đi thì sang hỏi ý kiến ý kiến bác trai là được, hàng xóm với nhau thì chỉ cần câu nói. Nhưng gia đình họ cương quyết không sang hỏi và vẫn xây cổng vào lối vào cổng nhà tôi. Họ bảo đấy là ngõ chung, gia đình tôi không có quyền giữ. Vậy gia đình tôi có quyền giữ không và họ có được đi vào không?” (Chị Đoàn Thị Nhàn - Hưng Yên).
Trả lời:
Liên quan đến câu hỏi của chị Nhàn, Luật sư Lê Văn Quyền - Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin tư vấn như sau:
Pháp luật quy định rõ về quyền hạn đối với bất động sản liền kề, căn cứ vào Điều 245 Bộ luật dân sự 2015: “Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền)”.
Khoản 1 Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:
“Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, theo thông tin của chị Nhàn, chúng tôi sẽ chia thành hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Lối đi vào cổng nhà chị là lối đi duy nhất của các gia đình, khi hàng xóm xây nhà xong thì chỉ có thể đi qua lối đi này. Vậy, gia đình chị phải có nghĩa vụ chia sẻ lối đi chung cho hàng xóm và họ sẽ có nghĩa vụ đền bù một số tiền cho gia đình chị theo thỏa thuận.
Nếu gia đình chị Nhàn không cho hàng xóm mở lối đi chung thì họ có thể yêu cầu UBND xã giải quyết vụ việc. Nếu UBND xã không giải quyết được thì người hàng xóm có thể khởi kiện gia đình chị.
- Trường hợp 2: Lối đi vào cổng nhà chị Nhàn không phải lối đi duy nhất và hàng xóm khi xây nhà xong vẫn có thể đi bằng con đường khác. Theo đó, gia đình chị có quyền giữ lại lối đi trên mà không cần chia sẻ với bất kỳ ai.