Fed càng nâng lãi suất, áp lực càng đè nặng lên các ngân hàng trung ương châu Á
BÀI LIÊN QUAN
Giới chuyên gia Phố Wall bất đồng quan điểm về việc tăng lãi suất của Fed trong kỳ họp tháng 7Các ngân hàng Mỹ kinh doanh thế nào sau khi FED nâng lãi suấtFed nâng lãi suất khiến Mỹ xuất khẩu lạm phát ra thế giới mạnh hơnTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, trong kỳ họp tháng 7 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/7, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm như dự kiến thì các ngân hàng trung ương châu Á sẽ phải đối mặt với áp lực, buộc phải tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc phải đối mặt với nguy cơ dòng vốn tháo chạy và đồng nội tệ ngày một suy yếu.
Phân tích lãi suất một số ngân hàng trung ương tại châu Á so với lãi suất trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây chỉ ra rằng, khu vực này rất dễ bị tổn thương bởi kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed.
Các phân tích khác về lãi suất sau khi điều chỉnh yếu tố lạm phát và chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ các nước trong khu vực so với trái phiếu Kho bạc Mỹ thì kết quả trả về cũng tương tự.
Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào từng nước, trong đó đáng ngại nhất là Thái Lan khi mà ngân hàng trung ương nước này vẫn đang giữ lãi suất trong nước ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, hai nước Hàn Quốc và New Zealand đã sớm tăng mạnh lãi suất từ đầu, tỉ lệ rủi ro ít hơn nhưng cũng khó tránh được rắc rối.
Gần đây, Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng Trung ương Singapore) và Bangko Sentral ng Pilipinas (ngân hàng Trung ương Philippines) đã tổ chức nhiều cuộc họp đột xuất và thông báo về chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.
Theo Bloomberg, các động thái này chỉ ra rằng, ngân hàng trung ương ở châu Á rất dễ chịu ảnh hưởng cũng như thường xuyên phải điều chỉnh chính sách nhanh chóng khi lạm phát tăng mạnh hơn so với dự kiến.
Dưới đây là ba biểu đồ chỉ ra rằng áp lực của việc “bình thường hóa lãi suất” đang đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực châu Á như thế nào:
Bộ đệm “mỏng” hơn ở hầu hết các quốc gia châu Á
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp kỳ này thì vùng đệm lãi suất chính sách của Indonesia so với Mỹ sẽ bị thu hẹp lại xuống chỉ còn 1 điểm phần trăm. Kéo theo đó, độ lệch chuẩn (standard deviation) so với mức chênh lệch trung bình 5 năm gần đây (3,3 điểm phần trăm) là hơn 5 lần.
Độ lệch chuẩn này đối với nền kinh tế Thái Lan là 4. Kể từ tháng 6, chênh lệch lãi suất so với Mỹ thu hẹp đã khiến cho dòng vốn trái phiếu ròng tháo chạy khỏi Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương của Australia và Hàn Quốc vốn đã nhanh chóng tăng lãi suất thì có vùng đệm gần với mức trung bình 5 năm. Bên cạnh đó, New Zealand là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á mà vùng đệm vẫn đang ở mức lớn hơn trung bình 5 năm sau khi Fed có động thái tăng lãi suất.
Tác động của lạm phát lên bộ đệm lãi suất thực ở châu Á
Mặc dù một số ngân hàng trung ương châu Á đã tích cực hành động để ngăn chặn đà tăng giá, lãi suất chính sách đã được điều chỉnh theo số liệu lạm phát hàng tháng gần đây nhất vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm và nằm ở mức âm đối với một số nước trong khu vực.
Ở Hàn Quốc, lạm phát đã đạt đỉnh 23 năm trong khi đó ở Australia là 21 năm và Thái Lan là 14 năm. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xuất hiện khi mà giá hàng hóa công nghiệp đang ngày càng tăng cao đồng thời việc gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa của các nước này.
Mặt khác, lạm phát ở Ấn Độ đang có dấu hiệu suy giảm khi mùa mưa đến tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đồng thời giúp giảm bớt áp lực tăng lãi suất cho ngân hàng trung ương Ấn Độ, theo Credit Suisse Wealth Management.
Trái phiếu mất dần sức hấp dẫn
Khi so sánh chênh lệch lợi suất trái phiếu của các nước Đông Nam Á với trái phiếu kho bạc Mỹ, sức hấp dẫn của các trái phiếu Đông Nam Á cũng đang ở mức thấp. So với mức chênh lệch trung bình 5 năm thì độ lệch chuẩn của trái phiếu chính phủ Malaysia với kỳ hạn 10 năm là hơn 1 lần.
Tình trạng trên cũng tương tự như trái phiếu Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Chính vì thế, ngân hàng trung ương các nước này có thể cần phải đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách để đẩy lợi suất lên cao, nhằm hạn chế dòng tiền tháo chạy khỏi nền kinh tế và cản trở đồng nội tệ của từng nước trong danh sách này.
Trong khi đó, những đợt tăng lãi suất nhanh chóng của các nước Hàn Quốc, New Zealand và Australia đã hỗ trợ cho lợi suất trái phiếu chính phủ, theo đó chênh lệch lợi suất so với trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ có sức hấp dẫn hơn.
Phân tích này của Bloomberg không bao gồm ngân hàng trung ương hai nước Nhật Bản và Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn muốn giữ nguyên mức lãi suất âm cùng với đó là chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì đang bơm thanh khoản dồi dào để trợ sự cho sự hồi phục của nền kinh tế.