Doanh nghiệp bất động sản xin cơ chế đặc thù, ngành ngân hàng nói "khó"
BÀI LIÊN QUAN
Làm sao để thị trường trái phiếu trở lại giá trị thật ban đầu?Giải pháp nào cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2023?Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản vẫn chưa “nguôi”Trái phiếu tắc nghẽn, doanh nghiệp đổ dồn gõ cửa ngân hàng
Câu chuyện về tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp bất động sản trở nên “nóng bỏng” thời gian gần đây có nguyên nhân từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Những năm trước, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng, trở thành kênh cung cấp vốn rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, sau việc xử lý sai phạm trong thị trường này, cộng với việc niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp và sự thắt chặt của Nghị định 65, việc phát hành trái phiếu gần như bị chặn đứng.
Khi đó, nguồn vốn cho doanh nghiệp đổ dồn lên hệ thống ngân hàng. Trong khi, tín dụng ngân hàng phục vụ cho vay ngắn hạn, không dễ để đáp ứng nhu cầu dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản, nhất là khi tín dụng ngân hàng đã chảy vào bất động sản trên 20%. Thậm chí, dù dự án đủ điều kiện vay nhưng ngân hàng không thể giải ngân bởi vốn đối với lĩnh vực bất động sản là dài hạn, nếu cho vay, ngân hàng sẽ khó đảm bảo an toàn hoạt động.
Ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là nguồn huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này chưa cao, trong khi những diễn biến của thị trường này vừa qua đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin, khiến kênh này bế tắc. Thậm chí, các trái chủ cũng lo doanh nghiệp có tồn tại được không, có đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng được không…
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du cho rằng các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do thị trường trái phiếu bị ngưng. “Hiện tại đến hạn trả nhưng vốn chủ sở hữu không có, doanh nghiệp phải trông cậy vào tín dụng ngân hàng để trả trái phiếu đến hạn để tránh vỡ nợ. Nếu ngân hàng nói không cho vay nữa thì doanh nghiệp khó khăn vô cùng lớn”.
Như vậy, việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng, trong khi trái phiếu đang nghẽn, các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ nợ xấu, hoặc nhóm nợ đã xấu lại trở nên xấu hơn.
Xin chính sách đặc thù
Trước tình trạng này, doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và được áp dụng các chính sách đặc thù của Thông tư 14.
Đại diện tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, đối với Hưng Thịnh, hiện chưa nhảy nhóm nợ chứ phải không nhảy. Nếu không được hỗ trợ thì việc nhảy nhóm nợ sẽ xảy ra. Theo đó, doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, hỗ trợ được vay khoản vay tiếp theo.
Nêu tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn từ các khoản vay tín dụng đến hạn, kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc chuyển sang nhóm nợ xấu hơn. Khi có nợ xấu, con đường vay tín dụng mới của doanh nghiệp sẽ bị đóng lại, dù dự án của doanh nghiệp có khả thi, có tài sản bảo đảm…
“Doanh nghiệp bất động sản cũng không sợ mức lãi vay trên dưới 13%/năm, mà vấn đề là không tiếp cận được tín dụng mới. Doanh nghiệp mong ngân hàng nên khoanh lại nhóm nợ 2,3. Không phải chúng ta hạ chuẩn tín dụng mà chỉ nới một chút. Còn những dự án của doanh nghiệp có tính khả thi, doanh nghiệp uy tín, đầy đủ pháp lý thì nên ưu tiên xem xét cho vay”, ông Châu nói và đề nghị được áp dụng việc cơ cấu lại nợ theo Thông tư 14, nếu không “doanh nghiệp khổ quá”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng bên cạnh việc các doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại sản phẩm kinh doanh, ông mong Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, giải ngân tiếp các dự án đầy đủ pháp lý, khả thi đang thực hiện dở dang; đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ xấu, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an toàn. Tuy nhiên, việc chuyển nhóm nợ có thể sẽ diễn ra rất nhanh. Nếu như các bên liên quan không có giải pháp kịp thời thì năm 2023 sẽ khá khó khăn đối với cả doanh nghiệp bất động sản mà còn cả phía hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng nói “thận trọng”
Nói về đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của doanh nghiệp bất động sản, ngành ngân hàng cho rằng cần cân nhắc, thận trọng bởi liên quan đến an toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho rằng Thông tư 14 ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh, có hoàn cảnh riêng, còn vấn đề hiện nay của ngành bất động sản thuộc về thị trường, vì vậy nên để thị trường tự điều tiết.
“Nếu việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ của ngành bất động sản được đồng ý thì tất cả các hiệp hội khác như hiệp hội cà phê, dệt may, điều, thuỷ sản,… cũng mong muốn được cơ cấu nợ. Chúng ta không thể áp dụng cơ chế đặc thù cho tất cả. Nếu chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản thì cũng không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong hoạt động kinh doanh. Còn đối với hệ thống ngân hàng cũng sẽ không đáp ứng chuẩn Basel II, từ đó các định chế nước ngoài sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam”, ông Dũng nói.
Đại diện Vietinbank cũng đánh giá việc duy trì tín dụng cho vay bất động sản là sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua và ngân hàng không kỳ thị gì doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, ông Dũng cũng đề nghị doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt tài sản để không “chết trên đống tài sản”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngành ngân hàng cho vay phải tuân thủ nhiều quy định, chỉ số về an toàn không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới, trong đó có tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
“Nếu như dồn toàn bộ việc cho vay bất động sản, nhất là những bất động sản dài hạn như du lịch, trung tâm thương mại… thì rất khó cho ngành ngân hàng. Do đó, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, hiệu quả để cùng gánh với ngân hàng trong cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về vốn trong thời gian tới”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, ông Tùng cho rằng ngân hàng chỉ cơ cấu nợ theo quy định hiện hành và các ngân hàng đều có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Không riêng ngành bất động sản mà các doanh nghiệp lĩnh vực khác nếu khó khăn trong kinh doanh, ngân hàng đều thực hiện cơ cấu nợ theo đúng quy định hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với đề xuất giữ nguyên nhóm nợ như Thông tư 14, ông Tùng cho rằng không cần thiết. Lý do là các chính sách này là đặc thù trong hoàn cảnh bất khả kháng, còn trong điều kiện kinh doanh bình thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai. Nếu triển khai không thận trọng, dồn nợ xấu về sau sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế và chính ngân hàng.