Làm sao để thị trường trái phiếu trở lại giá trị thật ban đầu?
BÀI LIÊN QUAN
Cơ hội và thách thức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023Phương án “hàng đổi hàng” cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có khả thi?10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 1/2023: “Cơn đau đầu” của DN địa ốcBàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Đào Xuân Sơn cho rằng, cần phải thực hiện 9 bước để đưa thị trường trái phiếu trở về giá trị thật của nó. Nhưng để thực hiện 9 giải pháp trên và giải quyết những vấn đề bất cập trên thị trường trái phiếu, bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi đầu tiên.
9 giải pháp mà chuyên gia này đưa ra bao gồm:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc lại tài sản và chiến lược kinh doanh của mình. Trong đó, họ cần rà soát lại vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản đang là tài sản bảo đảm, đánh giá lại sức khỏe doanh nghiệp để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư và huy động vốn.
Thứ hai, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần lên kế hoạch để trả nợ đúng hạn cho các trái chủ, phải có phương án đề phòng rủi ro. Nếu không có tiền để trả nợ trái phiếu thì phải đàm phán với các trái chủ để họ tin tưởng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần phải đánh giá được tình hình kinh tế vĩ mô năm sau sẽ như thế nào, đánh giá tác động của chính sách pháp luật lên nền kinh tế ở tầm vĩ mô và trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Những vấn đề cần xem xét đó là sự thay đổi chiến lược quy hoạch, phát triển hạ tầng của Chính phủ, chính sách cho vay của các ngân hàng, cũng như sự thay đổi về chính sách thuế, phí.
Trong điều kiện cho phép, các doanh nghiệp nên cân nhắc việc thành lập các ban chuyên nghiên cứu các bộ luật, luật, chính sách mới của Nhà nước, phân tích, xây dựng các chiến lược kinh doanh và hệ thống kiểm soát rủi ro liên thông giữa vấn đề tài chính và các sản phẩm bất động sản. Đây là sự chuẩn bị rất cần thiết để đương đầu với sóng gió trong thời gian tới.
Thứ tư, Nhà nước cần nhanh chóng đưa các luật mới vào đời sống, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; phản ứng linh hoạt với thị trường, nền kinh tế bằng cách điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, loại bỏ những điều luật chưa phù hợp với thực tế; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn, sẽ làm giảm bớt hoạt động đầu cơ và giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường.
Thứ năm, Nhà nước cần có những quy định xử lý nghiêm các doanh nghiệp thẩm định giá trị bất động sản, các tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành trái phiếu và các đơn vị môi giới trung gian khác. Ngoài việc phạt hành chính, phải nghiên cứu truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm này. Đây là biện pháp răn đe giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, giải quyết luôn bài toán bất động sản và giúp thị trường chứng khoán phục hồi.
Thứ sáu, Nhà nước cần chuẩn hóa quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành, mạnh tay với các tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán và trái phiếu; cần xây dựng hệ thống đánh giá và xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp; quy định chặt chẽ và cụ thể về tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản trả trước); quy định chặt chẽ về tỷ lệ tổng nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu; tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn;
Thứ bảy, cần phải quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để trả nợ vì điều này thể hiện doanh nghiệp đã mất khả năng thanh khoản ngay tại thời điểm phát hành; không được phát hành trái phiếu để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác; có cơ chế giám sát việc sử dụng vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu bằng cách bắt buộc phải đưa vào tài khoản chuyên biệt và giải ngân theo lộ trình, tiến độ của kế hoạch huy động vốn
Thứ tám, cần xác định rõ việc phát hành trái phiếu chính là hình thức “đi vay” của doanh nghiệp. Từ đó xem việc phát hành và bán trái phiếu doanh nghiệp như khoản dư nợ tín dụng và được cập nhật vào hệ thống CIC quốc gia.
Việc coi đây là một khoản dư nợ tín dụng sẽ là cơ sở cho việc xem xét “cấp hạn mức phát hành trái phiếu”, khống chế khối lượng phát hành so với vốn chủ sở hữu và làm giảm việc phát hành trái phiếu ồ ạt dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai; làm giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu.
Thứ chín, cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các điều luật liên quan đến chứng khoán và trái phiếu được quy định trong Bộ luật Hình sự và các luật, nghị định v.v… để làm cơ sở pháp lý, căn cứ xác định cấu thành tội phạm của một số tội phạm có liên quan đến chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng là căn cứ để xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Chính phủ đang đi rất đúng hướng thể hiện qua việc các luật và văn bản hướng dẫn luật ngày càng minh bạch và được ứng dụng một cách thực tế vào đời sống. Với sự điều hành giỏi giang, quyết đoán của Chính phủ hiện nay, tôi tin rằng, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh sau cơn đại phẫu thuật.
Việc các doanh nghiệp không thể hoàn thành các khoản vay nợ, rồi các vụ việc “lùm xùm” khác xảy ra trên thị trường trái phiếu đã làm cho các nhà đầu tư hoảng loạn. Khi thấy các lô trái phiếu mình mua không đúng như quảng cáo, họ bắt đầu mất niềm tin, không chấp nhận cho các chủ đầu tư giãn thời gian trả nợ. Điều này càng đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm này.
Tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu dao động, tạo ra hiệu ứng đám đông, làm nhiều người khác tin rằng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là trái phiếu 3 không (không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán). Đây cũng là lý do làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp lao đao.