Cơ hội và thách thức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Nửa đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ im lìmTrái phiếu doanh nghiệp bất động sản gặp “cơn gió ngược chiều”Đổi trái phiếu doanh nghiệp lấy bất động sản: Nhà đầu tư lưu ý rủi roNhìn lại một năm đầy biến động
Theo dữ liệu lớn của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022 có tổng cộng 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị xấp xỉ 244.565 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành này chiếm 96% và giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu năm 2022, nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu tổng giá trị phát hành với 136.772 tỷ đồng, chiếm khoảng 53,6%. Ở vị trí thứ 2 là nhóm ngành bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Liên quan đến số lượng trái phiếu đáo hạn, đơn vị này cho biết, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với năm 2021. Trong tuần đầu tiên của tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 310 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Từ dữ liệu trên có thể thấy, năm 2022 là một năm thị trường trái phiếu gặp nhiều khó khăn. Những động thái kiểm soát, chấn chỉnh của các cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua đã khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng hơn trước.
Cụ thể, trong quý 4/2022, các cơ quan quản lý đã đưa ra những chính sách hỗ trợ và giải quyết bài toán về nguồn vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản. Tiếp đó là dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã có nhiều điều khoản được nới lỏng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn chủ yếu xuất phát từ sụt giảm niềm tin sau một số sai phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những động thái kiểm soát nhằm hạn chế những rủi ro trên thị trường trái phiếu của Chính phủ đã phần nào làm giảm nhiệt của thị trường.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế trong tương lai. Cho nên, việc chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhu cầu bắt buộc của thị trường tài chính. Theo đó, việc làm cấp bách đầu tiên đó chính là các cơ quan chức năng của Chính phủ, cũng như bản thân các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải nỗ lực để lấy lại niềm tin từ phía các nhà đầu tư.
Cơ hội và thách thức trong 2023
Theo giới chuyên gia, bước sang năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có nhiều triển vọng phục hồi và phát triển mới. Những triển vọng này phần lớn xuất phát từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2023 khi dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được ban hành. Điều này sẽ giúp cho cả ngân hàng và chủ đầu tư bất động sản có thêm thời gian giải quyết các vấn đề của mình.
Nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Chính phủ được thông qua, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại thêm hai năm nữa, với điều kiện là đơn vị phát hành trái phiếu nhận được sự chấp nhận từ 65% trái chủ. Như vậy, áp lực đối với lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm bớt trong giai đoạn 2023-2024.
Cùng chung dự báo tích cực, ông Đào Xuân Sơn – Giám đốc công ty Luật Justiva Law, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 vẫn có nhiều điểm sáng tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế. Trên thế giới, Trung Quốc có thể sớm chấm dứt chính sách “Zero COVID” để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Còn trong nước, nền kinh tế đang nhận được những tín hiệu tích cực từ tốc độ giải ngân các gói đầu tư công của Chính phủ, nguồn vốn FDI, tăng trưởng tiêu dùng nội địa,…
“Tôi cho rằng, Chính phủ đang đi rất đúng hướng thể hiện qua việc các luật và văn bản hướng dẫn luật ngày càng minh bạch và được ứng dụng một cách thực tế vào đời sống. Với sự điều hành giỏi giang, quyết đoán của Chính phủ hiện nay, tôi tin rằng, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh sau cơn đại phẫu thuật”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh những dự báo tích cực, thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm 2023 vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là khối lượng trái phiếu phải đáo hạn trong năm 2023 tương đối lớn. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp của VBMA, trong năm 2023 sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản phải đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 1/2023 đã có gần 17.458 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành bất động sản và xây dựng.
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, năm 2023 sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn
Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền khi nguồn vốn tín dụng vẫn bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng cao. Cho nên, áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 vẫn tương đối lớn.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn khác như khối lượng phát hành trái phiếu mới vẫn sụt giảm, khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu,…
Để có thể tự bảo vệ mình, cũng như đầu tư hiệu quả hơn trong năm 2023, giới chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư trái phiếu cần có kinh nghiệm để khảo sát, đánh giá được doanh nghiệp hoặc chất lượng trái phiếu. Những nhà đầu tư không tự đánh giá được hoặc không có đơn vị tư vấn uy tín thì tốt nhất không nên tham gia.