Đánh thuế cao việc đầu cơ, lướt sóng có hạ nhiệt được tình trạng sốt đất ảo?
BÀI LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cần có quy định chặt chẽ và chế tài khi đấu giá đấtBảo hiểm rủi ro cho người mua nhà trên giấy: Nhất cử lưỡng tiện!Chuyên gia nhận định: Lạm phát sẽ khó dừng ở con số kỳ vọng, nguy cơ xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sảnĐánh mạnh vào việc đầu cơ, lướt sóng đất
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/3, các vấn đề liên quan đến sốt đất, đầu cơ, lướt sóng, trốn thuế trong giao dịch bất động sản được các Đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến Đại biểu cho rằng, hành vi trốn thuế trong giao dịch bất động sản đang diễn ra nghiêm trọng, bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất vẫn diễn ra một cách phức tạp, cần phải có giải pháp ngăn chặn.
ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) chất vấn, từ năm 2019, Quốc hội đã nghị quyết giao Chính phủ khắc phục tình trạng đầu cơ đất bằng thuế. Theo đó, người sử dụng nhiều đất, bất động sản mà nhà, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế cao. Nhưng 3 năm qua, chính sách này vẫn chưa được đề xuất.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đối với hành vi đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua, ngày mai bán thì cần phải đánh thuế cao hơn. Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cho rằng hành vi đầu cơ đất, lướt sóng đất không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết phải xem xét lại các đất đã giao để thực hiện các dự án là khu công nghiệp, đất đấu thầu, đấu giá. Bởi có tình trạng giao đất làm dự án khu công nghiệp nhưng doanh nghiệp lại găm không làm dẫn đến đất vẫn lên giá. Việc này là chậm đóng góp vào việc phát triển kinh tế. Đây cũng được xem là trốn thuế.
Ngoài ra, khi đấu thầu, đấu giá đất cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi. Khi đã quy định thời hạn thì kể cả chưa xây dựng xong thì cũng tăng thuế lũy tiến để bổ sung vào ngân sách.
"Chúng ta phải đánh thuế lũy tiến thế nào để nhà đầu tư tính toán lợi ích của họ", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, việc đầu cơ, lướt sóng đất thời gian qua là một trong những nguyên nhân đẩy tình trạng sốt đất tại nhiều địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu ổn định cho thị trường bất động sản. Nhiều mảnh đất sang mua, chiều bán, hoặc giao dịch qua những lần đặt cọc giữ chỗ rồi chuyển nhượng, sang tay cho nhau kiếm lời.
Tại Việt Nam, tâm lý chọn bất động sản là kênh đầu tư an toàn, sinh lời cao dường như đã ngấm vào máu của nhiều người. Bởi họ quan niệm, đất đai không thể “sinh sôi” ra nữa nên giá chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm. Chính vì thế, giá đất tăng phi mã hàng ngày. Nhiều người cố tình nhảy vào thị trường nhưng sau đó phải chôn vốn thời gian dài do mua vào lúc đỉnh điểm của bóng bóng bất động sản. Đến khi vỡ bóng thì thoát hàng không kịp.
Chưa phải biện pháp căn cơ
Sau khi nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm đánh giá, việc đánh thuế cao đối với hành vi đầu cơ, lướt sóng đất là hoàn toàn cần thiết.
“Chúng ta thấy rằng, tình trạng đầu cơ bất động sản đã lũng đoạn thị trường trong thời gian qua như thế nào. Sốt đất ở khắp mọi nơi một phần chính là do những đối tượng này gây ra. Trong khi đó, đội ngũ cò đất tung tin đồn, “dàn trận” tạo ra sốt đất ảo để kiếm tiền hoa hồng”, ĐBQH Trần Khắc Tâm nói.
ĐBQH Trần Khắc Tâm nói rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ cấp là rất cần thiết và đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Tại Mỹ, họ phân định rõ ràng nhà ở (nhà phục vụ sinh hoạt) và nhà phục vụ đầu tư. Khi chuyển nhượng nhà sinh hoạt thì dường như không phải quá quan tâm đến thuế nhưng khi bán nhà phục vụ đầu tư thì phải nộp thuế khá nhiều.
Theo đó, với những bất động sản có giá trị dưới 250.000 USD, chủ nhân của nó sẽ được miễn thuế khi bán. Hoặc đối với bất động sản thuộc sở hữu gia đình dưới 500.000 USD, khi bán cũng sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, việc chứng minh tài sản đó là tài sản để ở lại cực kỳ khắt khe. Bất động sản đó phải nằm trong chứng minh thư, hồ sơ bỏ phiếu hoặc trên bằng lái xe.
Còn đối với bất động sản đầu tư, thuế suất khi bán bất động sản thuộc sở hữu cá nhân trên 400.000 USD, sở hữu hộ gia đình trên 450.000 USD là khoảng 20%. “Nghĩa là khi cá nhân bán một căn nhà trên 400.000 USD thì phải mất 80.000 USD nộp vào thuế. Tuy nhiên, khi nộp thuế, người ta sẽ nêu rõ số tiền thuế đó sẽ được đầu tư vào những hạng mục xã hội nào”, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm nói.
Dưới góc nhìn của một người có nhiều kinh nghiệm trong thị trường nhà đất, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty BĐS Hải Phát cho rằng, việc đánh thuế cao bất động sản kinh doanh cho rằng, tại các thành phố lớn hoặc các tỉnh ven đô, mặc dù đất còn nhiều nhưng người có nhu cầu mua nhà thực sự vẫn không thể với tới vì giá đất quá cao. Sở dĩ điều này là do việc đầu cơ đất. Tuy nhiên, việc đánh thuế cao nghe có vẻ sẽ là liều thuốc triệt tiêu tình trạng đầu cơ, lướt sóng đất nhưng hiệu quả của nó như thế nào thì chưa ai dám khẳng định.
Ông Thanh Hải phân tích, thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được việc mua bán đất thỏa thuận giá ngầm. Một mảnh đất giá 1 tỷ đồng nhưng họ có thể ghi trên giấy tờ là 100 triệu đồng để trốn thuế. Lúc đó, chúng ta đánh thuế 20% thì cũng chỉ là thêm 20 triệu đồng nữa. Con số này quá nhỏ so với giá trị thực của mảnh đất.
Thứ hai, nếu việc đánh thuế cao thì giá bán bất động sản của những người mua đầu cơ lướt sóng sẽ tăng lên bằng đúng với giá thuế. Khi đó, giá nhà đất sẽ tăng lên, mục tiêu giảm giá đất, ổn định thị trường bất động sản chắc chắn không đạt được mục tiêu.
“Tôi cho rằng, việc đánh thuế cao việc đầu cơ đất, lướt sóng đất là điều cần làm nhưng đây không phải giải pháp căn cơ, gốc rễ. Chúng ta cần phải đồng bộ với nhiều giải pháp khác nữa thì mới có hiệu quả. Bởi khi giới kinh doanh vẫn còn lách được việc mua bán để trốn thuế thì biện pháp này không hiệu quả”, ông Hải nhấn mạnh.