Chuyên gia chỉ ra 4 động lực khiến bất động sản 2023 có thể khởi sắc
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản sẽ thoát khỏi suy thoái ngay trong quý đầu năm 2023?PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ cứu thị trường bất động sản"Bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam: Có thực sự là "mối ngon"Nhiều tín hiệu tích cực
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các ngân hàng liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay và kiểm soát chặt chẽ rủ ro tín dụng đối với bất động sản. Cũng trong văn bản trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.
Đây là thông tin khá tích cực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cả người dân. Bởi thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, trên thị trường tài chính đã diễn ra một cuộc chạy đua lãi suất ngân hàng. Theo đó, cuộc đua này đã kéo lãi suất huy động lên mức cao nhất là 13%/năm. Nước nổi, bèo nổi, do lãi suất huy động tăng cao nên ngân hàng cũng phải đẩy lãi suất cho vay lên mức 16-17%/năm. Đây còn chưa tính đến chi phí mua bảo hiểm.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh lãi suất tăng phi mã khiến chi phí khoản vay tăng lên, nhiều doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các ngân hàng lâm vào tình cảnh khó khăn và dễ dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng cao trong thời gian tới. Việc tăng lãi suất ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường địa ốc. Hàng loạt các nhà đầu tư bán tháo sản phẩm đầu cơ của mình vì trước đó dùng đòn bẩy tài chính mua đất và đến nay không thể gồng gánh được lãi.
“Mặc dù trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước có ghi rõ là ưu tiên nguồn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng nhưng đây cũng là tín hiệu rất tốt cho ngành bất động sản. Bởi các ngành khác có phát triển mạnh thì sẽ tác động đến lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang chịu lãi suất thả nổi theo thị trường sau thời gian hưởng ưu đãi. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao thì khả năng biến thành nợ xấu là rất lớn. Vì thế, việc kiềm chế được lãi suất tăng sẽ là một trong những việc làm giúp thị trường bất động sản đỡ căng thẳng ngay trước mắt và cả về trung hạn”, ông Nguyễn Thiện Thuật, CEO một công ty bất động sản tại quận Thanh Xuân chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tiếp ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Đầu tiên là Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế". Thứ hai là Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp". Và Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở". Cũng cần phải nói thêm, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
4 động lực thúc đẩy thị trường địa ốc năm 2022
Theo các chuyên gia, CEO bất động sản, sang năm 2023 mặc dù dự báo kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều động lực để có thể hồi phục.
Thứ nhất về vấn đề chính sách, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, trong năm 2023, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn về pháp lý. Nhiều Bộ luật liên quan đến thị trường địa ốc dự kiến được sửa đổi như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đất đai.
“Khi pháp lý cho thị trường bất động sản được hoàn thiện, việc triển khai các dự án sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay một số dự án nhiều năm không triển khai được là do vướng mắc về pháp lý, nhiều điều luật luật chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này khiến các cơ quan chức năng lúng túng và doanh nghiệp chịu thiệt hại. Hi vọng, khi các bộ luật trên có nhiều lực thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định hơn”, Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
Thứ hai, dưới góc nhìn toàn diện thị trường, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định, cân bằng hơn. Bởi những năm 2021, 2022, do phát triển lệch pha dẫn đến thị trường vừa thừa vừa thiếu nguồn cung. Thừa các nhà ở thương mại còn thiếu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc với bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội kèm theo những chính sách hỗ trợ. Chắc trong trong thời gian tới, người có nhu cầu thực sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở hơn.
Thứ ba, về tiềm năng của bất động sản Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp và chuyên gia thế giới đánh giá cao. Ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng cho biết, dù thị trường bất động sản trong thời gian qua tỏ ra khá ảm đạm nhưng trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam vẫn là khu vực có tiềm năng phát triển bất động sản lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%... Bên cạnh đó, dự tính trong năm 2023 sẽ có khoảng 240 nghìn tỷ đồng đổ vào nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Nguồn tín dụng này là động lực rất lớn để bất động sản khởi sắc.
Thứ tư, sau nhiều năm chìm trong khó khăn, thị trường bất động sản đã thanh lọc được nhiều doanh nghiệp “ăn xổi” và giới đầu cơ. Chính vì thế, ông Trường Giang cho rằng, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định hơn và không còn tình trạng sốt đất ảo tại nhiều địa phương như thời gian. Nhà ở sẽ trở về giá trị thực. “Việc ổn định thị trường là điều vô cùng cần thiết để bất động sản phát triển bền vững. Và khi thị trường đã về đúng giá trị thực thì cơ hội để người dân sở hữu nhà ở là rất lớn”, ông Giang nhấn mạnh.