PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ cứu thị trường bất động sản"
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia Nguyễn Chí Thanh: Phát triển nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng cho thị trường bất động sản trong thời gian tớiMột năm lao đao vì đầu tư vội vãGiải pháp nào kéo giá bất động sản về giá trị thực?Bất động sản không nên đặt độc lập
Chia sẻ tại diễn đàn: “Dự báo thị trường bất động sản 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức sáng nay (23/12), PGS. TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, dù bất động sản chỉ đóng góp 5% GDP thì cũng phải "cứu" bởi lĩnh vực này có sức lan tỏa và tác động rất mạnh mẽ đến các ngành liên quan. Trong đó có là hiệu ứng bất động sản sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính.
“Đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ là cứu thị trường bất động sản. Khi ấy, sự ủng hộ của Nhà nước mới phát huy được hết thế mạnh. Nếu chỉ tập trung vào cứu bất động sản mà quên đi việc cứu những lĩnh vực khác sẽ gây nên tâm lý phân cực trong xã hội là chỉ cứu người giàu. Điều này sẽ gây sự phản cảm trong xã hội”, ông Thiên cho biết.
Ông Thiên phân tích nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ba “cơn gió nghịch”: Lạm phát tăng và còn tăng dài; Điều kiện tài chính xấu đi, dòng vốn chưa rõ ràng; Suy giảm tăng trưởng. Mặc dù đang có nhiều khó khăn và sẽ còn khó khăn hơn nữa trong tương lai, nhưng triển vọng là sẽ giải quyết được.
Hiện nay, Việt Nam đang xuất hiện vấn đề “nghịch lý thành công” tức là mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt nhưng nền kinh tế lại như “nghẹt thở”, máu không lưu thông. Đặc biệt là nằm ở vấn đề khủng hoảng niềm tin. Ông Thiên nhấn mạnh, nhìn từ bài học thành công lớn nhất trong điều hành chính sách của Việt Nam trong Covid-19 là chuyển từ trạng thái bất ổn sang lấy lại lòng tin để đưa ra các giải pháp mạnh cho thị trường.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên Tập Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp cũng cho rằng, kinh tế bất động sản không nên tồn tại một cách độc lập trong nền kinh tế chung. Do đó, các giải pháp không nên chỉ hướng trực diện đến hoạt động kinh doanh bất động sản, việc hỗ trợ hay giải cứu bất động sản cũng phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế chung.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang trong bối cảnh nền kinh tế nhìn chung phát triển tốt và tích cực, riêng thị trường bất động sản trong 8 năm qua, hầu như giá bất động sản liên tục tăng và có nhiều nơi “kỷ lục” về giá. Bên cạnh đó, khả năng chi trả, nguồn tín dụng hạn chế dẫn đến việc hấp thụ sản phẩm không dễ dàng, chọn lọc khách hàng.
“Thời gian vừa rồi chính phủ liên tục tìm nhiều giải pháp tháo gỡ, đây được coi là động thái tích cực giúp các doanh nghiệp lớn. Những vướng mắc của họ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường nên nếu kịp tháo gỡ các rào cản này thì sẽ tạo ra những sản phẩm tốt cho xã hội", ông Thanh nói.
Hướng giải pháp giúp cho thị trường bất động sản ổn định hơn
Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là những sản phẩm được đầu tư bài bản, đã được xây dựng thì cần “bơm” tín dụng cho người mua và ổn định tín dụng để tránh những tổn thất về niềm tin. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần linh hoạt trong chính sách giá để thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Hiện nay, có một số vụ việc khiến thị trường xấu đi rất nhanh tuy nhiên đây chỉ là những sự vụ cá biệt. Còn với hướng đi của thị trường bất động sản như hiện nay cùng những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì vấn đề chủ yếu là cân đối cung và cầu. Đặc biệt là những sản phẩm có tính thanh khoản chưa tốt thì chủ đầu tư nên điều chỉnh về giá và có chính sách bán hàng phù hợp thì sẽ có tính thanh khoản nhanh hơn”.
Trước tình hình các dự án bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, ông Thanh phân hai nhóm giải pháp:
Thứ nhất, cần phải sành lọc những sản phẩm bất động sản đã hoàn thành cần có chính sách tín dụng cho những người có nhu cầu ở thực để tiếp cận được tín dụng và mua những sản phẩm đó.
Thứ hai, những dự án hay sản phẩm đang rất tốt, chuẩn bị về đích thì nguồn tín dụng bị hạn chế thì cần có chính sách cung cấp tín dụng cho những dự án này để về đích.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng nhắc nhở, bản thân các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bất động sản phải chú trọng kiểm soát bản thân, dòng vốn kinh doanh một cách bài bản. Chứ không nên có bao nhiêu tiền là đầu tư hết bấy nhiều, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp khi bất động sản gặp trục trặc, dừng lại.
Nói về hướng giải quyết, PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, các Luật Thuế, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư,…
Hai là, hoàn thiện các chỉ báo thị trường. Một trong những yêu cầu cấp thiết là nghiên cứu, xây dựng, công bố chính thức các chỉ số liên quan đến thị trường bất động sản: Chỉ số giá đất, Chỉ số giá nhà, Chỉ số thị trường nhà,…
Ba là, tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp đối với thị trường bất động sản: Về thể chế, về minh bạch thị trường, về các loại hình vốn phái sinh,… tăng cường các giải pháp về thể chế tài chính để thị trường vận hành ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Bốn là, các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh thị trường mục tiêu, điều chỉnh nguồn vốn thu hút cho doanh nghiệp và xác định nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Năm là, các bên hữu quan về thông tin, truyền thông cần hướng tới hỗ trợ thị trường chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn, thực chất hơn./.