Cầm búa đập hàng xóm vì tranh chấp rãnh nước sát nhà: Nên xử lý thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Sát hại hàng xóm vì 0,3m đất: Tranh chấp đất ranh giới giữa hai gia đình nên giải quyết thế nào?Vác dao dọa chém người vì tranh chấp: Gây thương tích cho người khác khi tranh chấp đất đai xử lý thế nào?Tranh chấp tường rào: Giải quyết thế nào để giữ trọn tình cảm đôi bên?Ngày nay, vấn đề tranh chấp đất đai ngày càng trở nên phổ biến. Tranh chấp đất đai có thể xảy ra giữa những những người thân trong gia đình, anh em, họ hàng, bố mẹ và con cái, giữa hàng xóm với nhau. Đó có thể là những tranh chấp từ những vấn đề rất nhỏ như tranh chấp tường rào, rãnh nước giữa những gia đình ở sát cạnh nhau…
Nếu không được giải quyết phù hợp, những tranh chấp tưởng chừng như vụn vặt có thể dẫn tới mâu thuẫn, xô xát, gây ra những vụ việc đáng tiếc.
Cầm búa đập hàng xóm vì tranh chấp rãnh nước sát nhà
Chiều ngày 17/8/2020, TAND Hà Nội đã tiến hành xét xử và tuyên phạt đối tượng Đỗ Duy Nhã (43 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội) 13 năm tù về tội Giết người, theo khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, và phải bồi thường cho bị hại 82 triệu đồng.
Theo bản án, Đỗ Duy Nhã và ông Đỗ Đức Thêm (64 tuổi) là hàng xóm liền kề nhau tại huyện Đông Anh. Đến sáng 12/10/2019, ông Thêm phá vỡ tường gạch trên phần đất của nhà mình để xây lại.
Sợ hàng xóm xây lấn sang đất nhà mình, đến 15 giờ cùng ngày, Nhã cầm búa và hai thanh sắt hình chữ V ra đóng cọc và chăng dây ở khu vực rãnh nước giáp ranh. Thấy vậy, ông Thêm đã nhổ cọc và dây đi.
Sau đó, cả hai bên đã xảy ra xô xát, lời qua tiếng lại. Trong lúc nóng giận, Nhã dùng tay đẩy ông Thêm ngã xuống đất. Tiếp đến, ông Thêm cầm gạch đánh trả ông Nhã nhưng không trúng. Trước khi bỏ đi, Nhã cầm búa đinh đánh vào người ông Thêm, khiến đối tượng bị thương tích 42%.
Trong phiên tòa xét xử, Nhã khai nhận toàn bộ hành vi của mình và cho biết là do bản thân “giận quá mất khôn”, tự biết đây là hành vi nguy hiểm. Nhã đổ lỗi rằng, ông Thêm đã khiêu khích bản thân mình trước vì phần đất rãnh nước thuộc sở hữu của anh ta; việc đóng cọc của mình cũng không sai.
Tuy nhiên, trái ngược với lời trình bày của Nhã, tòa công bố xác nhận của địa phương rằng, đất để dùng làm rãnh thoát nước là đất công và không thuộc về bất kỳ bên nào. Phần đất mà cả hai bên tranh chấp là bãi đất trống và tiếp giáp với vườn nhà Nhã. Giữa hai bên gia đình có lối đi rộng 5m sang khu đất này.
Ông Thêm bổ sung rằng, hai bên gia đình vốn là họ hàng xa, trước nay không hề có mâu thuẫn gì. Ông cũng phủ nhận bản thân có hành vi khiêu khích giống như Nhã đã trình bày.
Tại phiên tòa xét xử, xét thấy hành vi của Nhã là rất nguy hiểm, xâm hại trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người khác nên cần phải áp dụng mức hình phạt thật nghiêm khắc. Căn cứ một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nạn nhân chưa tử vong, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Duy Nhã 13 năm tù về tội Giết người.
Hàng xóm tranh chấp rãnh nước sát nhà cần giải quyết thế nào?
Tranh chấp lối cấp thoát nước thường xuyên xảy ra trong lòng xã hội vì lối cấp thoát nước gắn liền đời sống của người dân. Tại Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.”
Theo đó, nghĩa vụ đào rãnh hoặc lắp đường thoát nước thuộc về người sử dụng lối cấp thoát nước đó. Họ phải hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước. Nếu như gây thiệt hại, họ sẽ phải tiến hành bồi thường.
Bên cạnh đó, các bên cũng có thể thỏa thuận về vấn đề, bên nào thực hiện cấp thoát nước sẽ phải đền bù cho chủ sử dụng đất có lối cấp thoát nước đi qua.
Ngoài ra, Điều 89 – Luật xây dựng 2014 có quy định về đối tượng và các loại giấy phép xây dựng. Cụ thể như sau:
1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Nếu việc cấp phép là đúng nhưng trong quá trình xây dựng có dấu hiệu sai trái thì gia đình hàng xóm hoàn toàn có quyền gửi đơn thư yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và xử lý.
Tuy nhiên, nếu như việc tố cáo không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như danh dự của gia đình nào đó, họ có thể kiến nghị để ngăn chặn lại hành vi vi phạm của đối phương.
Trên đây là những điều cần biết về việc giải quyết tranh chấp rãnh nước giữa các hộ gia đình. Hi vọng bài viết giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề, biết cách giải quyết phù hợp, giữ được quyền lợi đôi bên và tình làng nghĩa xóm, tình anh em bền đẹp.