meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Cách xác định tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng?

Thứ sáu, 14/10/2022-19:10

CÂU HỎI: 

Vợ chồng tôi kết hôn được 10 năm và có 01 con trai. Nay vợ chồng tôi làm thủ tục ly hôn. Tài sản của vợ chồng tôi gồm có 1 căn nhà 03 tầng được bố mẹ chồng tôi cho đất, vợ chồng tôi tự xây nhà, sổ đỏ đứng tên chồng tôi. Ngoài ra, còn 01 mảnh đất khác đứng tên chồng tôi được chồng tôi mua sau khi kết hôn bằng số tiền tôi không biết nguồn gốc ở đâu. Chồng tôi nói, tiền này được bố mẹ chồng tôi cho. Vì vậy, 02 mảnh đất này là quyền sở hữu riêng của chồng tôi.

Cho tôi hỏi, làm sao để xác định được tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng? Trên Sổ đỏ có ghi mục chung hay riêng không? Nếu chỉ có một người đứng tên trên Sổ đỏ thì căn cứ vào đâu để biết đó là tài sản riêng? Tôi cảm ơn rất nhiều.

TRẢ LỜI:

 Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng luôn là vấn đề vô cùng phức tạp, gây nhiều tranh cãi đặc biệt khi đó lại là nhà, đất - một trong những tài sản có giá trị khá lớn. 

Cách xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng?

Trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng có thể có tài sản chung và tài sản riêng. Trong đó, tài sản chung của vợ, chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập hợp pháp của vợ, chồng; được thừa kế chung hoặc tặng cho chung… trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Còn tài sản riêng vợ, chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể, tài sản riêng gồm:

  • Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn.
  • Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hô nhân; được chia riêng khi chia tài sản chung của vợ, chồng…

Có thể thấy, việc chứng minh tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng dựa vào thời điểm hình thành tài sản, nguồn gốc hình thành của tài sản đó cũng như thỏa thuận của vợ, chồng về việc quản lý, định đoạt tài sản vợ, chồng.

Do đó, để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, cần phải xác định được các yếu tố nêu trên để chứng minh đó là tài sản chung hay tài sản riêng vợ, chồng. Đặc biệt, cần phải có đầy đủ bằng chứng, giấy tờ về tài sản đó.

Nhìn chung, đây là một trong những vấn đề vô cùng phức tạp, để phân biệt cũng như tránh tranh chấp xảy ra, vợ, chồng có nhu cầu có thể liên hệ 1900.6199 để được chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn, giải đáp.

Trên Sổ đỏ có mục nào ghi rõ tài sản chung vợ, chồng không?

Những nội dung trên Sổ đỏ (từ thường gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) được quy định cụ thể Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT gồm chủ sở hữu tại trang 01 của Sổ đỏ; thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại trang 02 của Sổ đỏ.

Trong đó, với tài sản chung vợ, chồng là nhà, đất, Thông tư 23/2014 quy định Sổ đỏ sẽ được thể hiện như sau:

- Chủ sở hữu: Ghi họ tên, năm sinh, tên, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng theo điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014 bởi theo Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình, Sổ đỏ là tài sản chung của vợ, chồng phải ghi tên cả hai người trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Việc thỏa thuận khác được quy định tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai như sau:

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.


Sổ đỏ có thể đứng tên cả 2 vợ chồng nếu là tài sản sau hôn nhân (Ảnh minh họa)
Sổ đỏ có thể đứng tên cả 2 vợ chồng nếu là tài sản sau hôn nhân (Ảnh minh họa)

- Sổ đỏ đã cấp có sự thay đổi thông tin thì sẽ được xác nhận như sau: Khi vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung thì sẽ ghi theo khoản 4 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT:

Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành của chung hai vợ chồng thì ghi "Chuyển quyền... (ghi loại tài sản chuyển quyền) của... (ghi tên người chồng hoặc vợ đã chuyển quyền) thành của chung Ông... và vợ là Bà... (ghi tên và địa chỉ của hai vợ chồng) theo hồ sơ số... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)"

Có thể thấy, trường hợp thông thường nhất, nếu đây là tài sản chung vợ, chồng thì Sổ đỏ thường sẽ ghi tên cả hai vợ, chồng mà không có nội dung thể hiện đây là tài sản chung hay tài sản riêng. Tuy nhiên, nếu Sổ đỏ chỉ ghi tên một người thì người còn lại cần phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đây là tài sản riêng.

Bởi nếu không chứng minh được thì theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, không có căn cứ để chứng minh đây là tài sản riêng của mỗi bên thì nó sẽ được coi là tài sản chung.

Như vậy, trên Sổ đỏ không có mục nào ghi cụ thể đây là tài sản chung hay tài sản riêng vợ, chồng trừ trường hợp nếu vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung thì sẽ được ghi chú điều này trong Sổ đỏ.

Một người đứng tên, căn cứ vào đâu để xác định tài sản riêng?

Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp Sổ đỏ là tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ ghi một trong hai người (chỉ ghi tên vợ hoặc chồng). Vậy luật quy định về trường hợp này thế nào?

Nếu có giao dịch liên quan đến nhà, đất mà Sổ đỏ chỉ ghi tên một người thì thực hiện như trường hợp đại diện của vợ và chồng theo Điều 26 Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu có tranh chấp mà không có căn cứ chứng minh đây là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung vợ, chồng.

Kết hợp phân tích ở mục 2 nêu trên, nếu tài sản ghi tên của cả hai vợ, chồng thì đó là tài sản chung vợ, chồng. Nếu chỉ ghi tên một trong hai người thì khi có tranh chấp, vợ, chồng phải chứng minh được đây là tài sản riêng; không chứng minh được thì nhà, đất đó sẽ trở thành tài sản chung vợ, chồng.

Có thể thấy, nếu Sổ đỏ hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà chỉ ghi tên một người thì vẫn có khả năng đây là tài sản chung vợ, chồng nếu có tranh chấp xảy ra. Do đó, để chứng minh đây là tài sản riêng thì cần phải căn cứ vào thời điểm hình thành, nguồn gốc hình thành của tài sản cũng như văn bản ghi thỏa thuận của các bên. Có thể kể đến:

  • Nếu nhà, đất được tặng cho riêng, thừa kế riêng: Tài sản đó sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng nên dù sau khi kết hôn mới được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì Sổ đỏ đứng tên một người vẫn là tài sản của người đó. Trường hợp này cần có hợp đồng tặng cho, văn bản thừa kế, di chúc…
  • Nếu nhà, đất do mua bán: Nếu thực hiện mua bán trước khi kết hôn và sang tên sau khi kết hôn thì trong hợp đồng mua bán cần có thông tin ngày, tháng, năm trước ngày đăng ký kết hôn. Nếu mua bán trong thời kỳ hôn nhân thì cần có chứng cứ chứng minh số tiền dùng để mua bán là tài sản riêng (có thể do được tặng cho, thừa kế… mà có số tiền đó).
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Đất nhận chuyển nhượng năm 2008 chưa có sổ đỏ thì có được sang tên quyền sử dụng đất không?

Giải quyết tranh chấp đất đai khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hỏi về điều kiện, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất có nhiều mục đích sử dụng?

Không có di chúc có được nhận thừa kế không? Thủ tục khai nhận di sản như thế nào?

Ủy Ban nhân dân xã có quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai không?

Hỏi về quyền và lợi ích của chủ sở hữu đất 

Đất đang sử dụng không có sổ đỏ từ năm 1978 có được bồi thường khi bị thu hồi không?

Hỏi về quyền sử dụng đất của mẹ khi bố đã mất không để lại di chúc

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

3 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

3 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

3 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

4 ngày trước