Vượt qua đại dịch, ngành hàng không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng ấn tượng nhờ lượng khách cao đột biến
BÀI LIÊN QUAN
6 tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp hàng không sẽ bứt phá, có thể trở lại mức trước dịch COVID-19Chịu "vùi dập" bởi bão Covid-19, 2 nhà ga hàng không tư nhân đầu tiên lỗ lớn suốt 2 nămThực trạng hiện nay của môi giới bất động sản: Chạy quảng cáo nhưng không ra đơn, rao bán sản phẩm 3 tháng không có người muaKết quả kinh doanh của quý 2 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung của nhiều hãng hàng không đã phần nào khẳng định về bức tranh tươi sáng hơn của ngành hàng không khi lượng khách ngày càng gia tăng sau đại dịch.
Vietjet là hãng hàng không duy nhất kinh doanh có lãi
Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch bùng nổ trong những ngày tháng hè vừa qua đã giúp ngành hàng không hồi sinh sau đại dịch và phục hồi nhanh chóng. Đáng chú ý, Vietjet là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam trải qua quý 2/2022 có lãi. Cụ thể, doanh thu từ vận tải hành khách đã tăng 15% so với cùng kỳ trước khi đại dịch và đạt 11.355 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của hãng là 36 tỷ đồng. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của Vietjet là 14.696 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế là 76 tỷ đồng.
Điều đáng nói, 6 tháng vừa qua, Vietjet đã tăng tần suất khai thác đối với nhiều chặng bay để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sau đại dịch, đồng thời hỗ trợ phục hồi du lịch và kinh tế tại các địa phương. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm hãng này đã thực hiện được tổng cộng 52.500 chuyến bay, vận chuyển được 9 triệu lượt hành khách, lần lượt ghi nhận mức tăng 54% và 92% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số chuyến bay của Vietjet đã tăng 8% so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Không chỉ tích cực tăng cường tần suất bay trong nước để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân, Vietjet còn là hãng tiên phong trong việc mở mới các đường bay quốc tế. Trong đó, có tới 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, tới Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore. Bên cạnh đó, hãng còn khai trương thêm các đường bay mới từ TP HCM và Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc); từ Hà Nội đến Nagoya cùng với Fukuoka (Nhật Bản)…
Nhờ kết quả kinh doanh luôn được duy trì ở mức ấn tượng, cộng thêm chất lượng khai thác cao và đảm bảo an toàn cho hành khách, Vietjet đã được tổ chức uy tín quốc tế AirlineRatings bình chọn là “Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu”, đồng thời lọt vào “Top 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới” trong năm nay.
Theo ông Đinh Việt Phương - Giám đốc điều hành Vietjet, hiện hãng vẫn đang tăng tốc để có thể bứt phá trở lại thông qua những đường bay mới đến những thị trường mới. Đồng thời, hãng hàng không cũng đang mở rộng cả mạng bay trong nước và quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Vietjet cũng có nhiều dịch vụ đã, đang và sẽ ra mắt để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng và ngày tăng cao của người dân sau đại dịch.
Mới đây, trong Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough, hãng hàng không Vietjet cũng đã đạt được thỏa thuận với hãng Boeing để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng 200 tàu bay Boeing 737. Ông Đinh Việt Phương khẳng định rằng: “Đây không đơn thuần là việc mở rộng đội bay của Vietjet, nó còn là lời cam kết của hãng để đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách trên những tàu bay tối tân, an toàn và thoải mái nhất”.
Nhiều hãng hàng không thế giới cùng báo lãi
Trong quý 2 năm nay, rất nhiều hãng hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Cụ thể, hãng Korean Air của Hàn Quốc đã báo lãi hơn 569 triệu USD trong quý 2/2022. Theo như báo cáo của hãng, doanh thu vận tải hành khách đã tăng 307% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, hãng hàng không Singapore Airlines cũng báo lãi hơn 268 triệu USD còn Philippine Airlines cũng ghi nhận hai quý lãi liên tiếp, tổng lợi nhuận nửa đầu năm 2022 lên tới 72 triệu USD.
Đáng chú ý, hãng hàng không chi phí thấp Southwest Airlines tại Mỹ cũng mới công bố lợi nhuận trong quý 2 năm nay lên tới 760 triệu USD. Được biết, đây chính là mức doanh thu cao nhất trong 55 năm lịch sử hoạt động của hãng hàng không này. Đồng thời, các hãng hàng không khác ở Mỹ như Delta, United, hay American Airlines cũng đều báo lãi đậm trong quý vừa rồi. Con số lợi nhuận ấn tượng bất chấp chi phí cao hơn trong kỳ vì giá nhiên liệu và chi phí nhân sự đều đã tăng.
Việc các hãng hàng không Mỹ ghi nhận kết quả khả quan là nhờ nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian qua đã tăng cao vượt mức kỳ vọng. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều chặng bay bị “cháy vé”. Theo Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ, trung bình mỗi ngày có tới 2 triệu hành khách đi và đến những sân bay trên phạm vi toàn quốc.
Tại thị trường châu Âu, hãng Lufthansa cũng báo lãi lên tới gần 400 triệu Euro trong quý 2 năm nay nhờ lượng khách bay tăng vọt, trái ngược hoàn toàn so với tình trạng thua lỗ trong cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hãng hàng không chi phí thấp Ryanair cũng báo lãi quý 2 là 170 triệu Euro. Dự kiến, hãng này sẽ sớm quay lại mức lãi ít nhất 1 tỷ Euro trước dịch vào cuối năm nay, muộn nhất là năm sau.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, nhu cầu đi lại sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới sau nhiều năm bị đè nén vì dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ hầu hết những hạn chế di chuyển tại hầu hết các thị trường kèm theo tỷ lệ thất nghiệp thấp, số dư tài khoản tiết kiệm của người dân ngày càng cao hơn sẽ khiến nhu cầu bay tăng lên.