Việt Kiều chỉ được phép mua nhà chung cư hay được mua cả nhà đất ở Việt Nam?
BÀI LIÊN QUAN
Người nước ngoài gặp khó khi mua nhà ở Việt NamLúng túng khi bán nhà cho người nước ngoàiNgười nước ngoài không được sở hữu nhà thương mại trong dự án nhà ở xã hộiCÂU HỎI:
Tôi là Việt Kiều định cư ở Đức từ năm 1995 có vợ cũng là người Việt Nam. Gia đình tôi còn có anh chị em ruột vẫn sống và mang quốc tịch Việt Nam. Hàng năm, tôi vẫn cùng gia đình về thăm anh em, họ hàng ở Việt Nam và qua lại Việt Nam để làm ăn. Nay đến tuổi nghỉ hưu, vợ chồng tôi muốn về Việt Nam sống luôn cho gần anh hơn. Các con tôi có mở chi nhánh công ty ở Việt Nam nên cũng thuận tiện.
Xin hỏi, tôi có thể mua nhà chung cư hay nhà đất ở Việt Nam không? Thủ tục để tôi có thể mua như thế nào?
TRẢ LỜI:
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết Bên cạnh hộ gia đình, cá nhân trong nước thì người nước ngoài là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Để biết chính xác câu trả lời người ngoài có được mua nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam không hay chỉ được mua nhà chung cư hãy xem một số quy định dưới đây:
1. Đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức nước ngoài).
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Người nước ngoài được phép mua nhà ở riêng lẻ
Theo khoản 1 Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, người nước ngoài được phép mua căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ nhưng phải trong khu vực dự án đầu tư nhà ở thương mại, trừ khu bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định. Nói cách khác, người nước ngoài vẫn được mua nhà ở riêng lẻ nhưng bị giới hạn về khu vực địa lý.
Đồng thời, khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh tại từng địa phương sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định và có văn bản thông báo cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
3. Hình thức người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định.
4. Số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu
Bên cạnh quy định về khu vực người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, pháp luật về nhà ở cũng quy định rõ số lượng nhà ở được sở hữu. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 30/2021/NĐ-CP) như sau:
- Căn cứ vào thông báo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định, Sở Xây dựng có trách nhiệm công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở các nội dung sau:
+ Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn nằm trong khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở.
+ Số lượng nhà ở (bao gồm cả căn hộ, nhà ở riêng lẻ) mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện được phép sở hữu; số lượng căn hộ chung cư tại mỗi tòa nhà chung cư, số lượng nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.
+ Số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, thuê mua, đã được cấp Giấy chứng nhận tại mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
+ Số lượng căn hộ chung cư mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trong trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có nhiều tòa nhà chung cư; số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trong trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có một hoặc nhiều dự án nhưng có tổng số lượng nhà ở riêng lẻ ít hơn hoặc tương đương bằng 2.500 căn.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư; trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
- Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định sau đây:
+ Nếu chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó.
+ Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn.
+ Nếu có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.
Trên đây là quy định giải đáp về việc: Người nước ngoài chỉ được mua nhà chung cư ở Việt Nam và một số quy định liên quan. Theo đó, bên cạnh nhà chung cư thì người nước ngoài cũng được mua nhà ở riêng lẻ nhưng phải trong khu vực dự án đầu tư nhà ở thương mại, trừ khu bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định.