Vì sao chỉ 4/7 dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh được tháo gỡ trong tháng 3?
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất TP Hồ Chí Minh chưa áp dụng thuế nhà, đất thứ hai TP. Hồ Chí Minh: Nhà đầu tư có 3 tỷ đồng trong tay vẫn khó mua được mảnh đất ưng ýNguồn cung căn hộ TP Hồ Chí Minh khó tăng trong năm 2023Cùng chung số phận
Bốn dự án bất động sản dự án gồm Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7; Dự án Chung cư Cô Giang ở phường Cô Giang; Dự án Chung cư Cửu Long ở số 1, đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4; Dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức được trực tiếp ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo hướng xử lý giải quyết. Điểm chung của các dự án này là đều đang gặp khó khăn vướng mắc về thủ tục cấp phép đầu tư.
Cụ thể, tại Dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 (tên thương mại là Shizen Home). Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Gotec Việt Nam. Dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 10.076 m3 với quy mô gồm 478 căn hộ.
Kể từ thời điểm dự án này được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận Công ty TNHH Gotec Việt Nam là chủ đầu tư vào ngày 27/1/2018 đến nay dự án này đã liên tiếp vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép. Và việc chủ đầu tư dự án gửi thư “cầu cứu” tới UBND thành phố cũng không phải lần đầu.
Chủ đầu tư dự án đã 3 lần gửi hồ sơ tới Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp Thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê đối với nhà ở thương mại. Tuy nhiên bị Sở từ chối giải quyết thủ tục và trả hồ sơ, khiến doanh nghiệp “khó” đủ đường, dù theo doanh nghiệp dự án này đã đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Gần đây, vào ngày 9/12/2022, Công ty Gotec tiếp tục gửi đơn cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng về việc rà soát, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7.
Tại văn bản chỉ thông báo kết quả cuộc họp của UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo nêu rõ quá trình xem xét, giải quyết, các “giấy phép được cấp” tại dự án cho đến thời điểm hiện nay trước ngày 10/3. Đồng thời, phân tích, đánh giá cụ thể các nội dung vướng mắc và tham mưu để đề xuất phương án giải quyết.
Tại Dự án Chung cư Cô Giang có vị trí tại số 100, phường Cô Giang, quận 1 (tên thương mại The Grand Manhattan), chủ đầu tư là Tập đoàn Novaland. Chung cư Cô Giang được xây dựng từ năm 1968, sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tháng 12/2007, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty Cổ phần phát triển Đất Việt gồm ba cổ đông: Công ty Cổ phần Thủ đô Đất Việt, Công ty Vina Capital Property Investment Limited, cá nhân ông Phan Minh Việt đầu tư dự án. Trong đó, Vina Capital Property Investment Limited chiếm 90% vốn điều lệ công ty.
Sau đó, trong suốt 10 năm từ 2007 đến 2017, dự án này không được triển khai xây dựng. Đến tháng 1/2018 UBND TP mới có Thông báo số 15/TB-VP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương “lập thủ tục giao đất” cho chủ đầu tư, trình UBND TP. Sau khi về tay Tập đoàn Novaland, dự án chung cư Cô Giang được đổi tên thành Grand Manhattan. Trong báo cáo tài chính Quý III/2018, Novaland cho hay đã bỏ ra 243 tỷ đồng để phát triển dự án tại vị trí đắc địa tại quận 1 này.
Tuy nhiên do có những vướng mắc trong việc rà soát lại quá trình giao đất, khiến dự án không thể triển khai, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và lãng phí tài nguyên của thành phố. Sau cuộc họp giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các chủ đầu tư. Ông Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận 1 cùng các đơn vị liên quan để xử lý. Khó khăn pháp lý của dự án có tính chất phức tạp nên phải kết hợp rà soát thêm các văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng ban hành hướng dẫn thành phố thực hiện các nội dung vướng mắc có liên quan.
“Các sở ban ngành rà soát lại các văn bản của các Bộ, thực hiện tháo gỡ nội dung vướng mắc có liên quan. Chuẩn bị nội dung họp chuyên đề, trình UBNDTP trước ngày 15/3”, chỉ đạo của Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh. .
Tại Dự án Chung cư Cửu Long tại số 1, đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 (có tên thương mại De La Sol), chủ đầu tư là CapitaLand. Vào ngày 13/7/2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 596 chấp thuận đầu tư dự án chung cư này. Dự án có diện tích 14.474,1 m2 với quy mô 870 căn hộ, trong đó 261 căn hộ phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân tại quận 4. Tuy nhiên, đến nay dự án này chưa thể thực hiện do còn vướng mắc pháp lý về giấy phép xây dựng.
Đối với dự án Chung cư Cửu Long, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài chính và Chi cục Tài chính Doanh nghiệp rà soát, nghiên cứu ý kiến của Sở Xây dựng để giải quyết các thủ tục tiếp theo của dự án. Yêu cầu kết quả phải có trước ngày 5/3/2023.
Tại Dự án Khu nhà ở Thiên Lý được xây dựng tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, Công ty An Thiên Lý là chủ đầu tư dự án. Tháng 6/2007 dự án khu nhà ở này có quyết định giao đất. Đến tháng 8/2009 có quy hoạch chi tiết, tuy nhiên đến nay sau gần 15 năm dự án này vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng chủ động trao đổi, làm việc với Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) để có sự đồng thuận, tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư An Thiên Lý hoàn thành các thủ tục dự án và sớm triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại. Báo cáo kết quả cho UBND TP Hồ Chí Minh trước ngày 10/3/2023.
Gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông dòng vốn
Có thể thấy vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn. TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam nói: “Vấn đề pháp lý cũng là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”. Do đó, vị chuyên gia cho rằng Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế và nhanh chóng để thu hút nguồn lực, trong đó có nguồn lực đến từ dòng vốn FDI “chảy” vào tất cả các phân khúc bất động sản như bán lẻ, khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở…
“Vấn đề lớn của chúng ta là hành lang pháp lý chồng chéo các luật lẫn nhau. Nếu vấn đề này không thể được giải quyết bằng luật hiện hành, chúng ta phải trình Quốc hội thông qua các luật mới, tuy nhiên điều này sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông đánh giá.
Từ đầu năm tới nay việc lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã 3 lần tổ chức họp lắng nghe khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời họp với các sở ngành để tìm phương án giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy…
Theo ông Khương để giải quyết những vấn đề trên cần có cái nhìn tổng quan hơn và hướng tới các phương án giải quyết mang tính tổng thể. Nếu cần thay đổi luật, cần trình Quốc hội thông qua và có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh thành để quyết định trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để các dự án nhanh chóng thực hiện, giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và chi phí bán ra tăng lợi ích cho người tiêu dùng.