Từ hôm nay, lãi suất huy động giảm mạnh, nên gửi tiết kiệm ở đâu có lãi cao nhất?
BÀI LIÊN QUAN
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Lãi suất cho vay từ nay đến tháng 4 dự báo tiếp tục hạ khoảng 1,5-2%Giá nhà khó giảm nếu không hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng, lãi suất cho vayNhiều chủ đầu tư tự hỗ trợ lãi suất cho người mua nhàNgân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất
Theo Tiền phong, hiện mức lãi suất 9,5%/năm không còn xuất hiện trong biểu lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác. Các ngân hàng thương mại như Techcombank. Sacombank, KienlongBank đều đã thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng giảm đáng kể so khoảng 1 tháng trước, nhiều ngân hàng vẫn huy động với lãi suất tiền gửi ở mức trên 9,5%/năm, thậm chí mức lãi suất 10 - 11%/năm còn xuất hiện trên biểu lãi suất chính thức hoặc trong chương trình khuyến mãi tiền gửi.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) kể từ ngày 4/3 đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,4 - 0,5 điểm % so với trước đó. Đối với kỳ hạn 12 - 15 tháng mức lãi suất giảm từ 9,5%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 18 - 36 tháng mức lãi suất còn 9,1%/năm. Dự kiến đến 6/3, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy dành cho khách hàng cá nhân sẽ tiếp tục giảm với mức lãi suất cao nhất chỉ còn 8,1%/năm. Như vậy, tại ngân hàng này, không chỉ mức lãi suất 9,5%/năm không còn mà lãi suất tiền gửi ở các kỳ dài hạn tại nhà băng này cũng giảm rất nhanh.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/3 với mức điều chỉnh khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn gửi. Theo đó, ở kỳ hạn 6 tháng giảm lãi suất 0,2 điểm % xuống còn 8,7%/năm. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất vẫn giữ ở mức 8,9%/năm; ở kỳ hạn 13 tháng mức lãi suất cao nhất là 9,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng mức lãi suất là 8,7%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ hôm nay mức lãi suất giảm sâu. Cụ thể, trên ứng dụng ngân hàng số, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của ngân hàng này chỉ còn 7,3%/năm, giảm tới 2% so với trước. Ở kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất giảm 0,5 điểm phần trăm, chỉ còn 8,8%/năm. Kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất cũng giảm 0,5 điểm phần trăm chỉ còn 8,4%/năm. Kỳ hạn gửi dưới 6 tháng, mức lãi suất tiền gửi của ngân hàng này giữ nguyên ở mức tối đa 6%/năm.
Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng tại quầy mức lãi suất đã giảm mạnh xuống 8,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 6 tháng ở mức 7,6%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cộng thêm khá nhiều cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm online. Đối với hình thức này mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 9,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng là 8,5%/năm và 8,6%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bắc Á Bank (BacABank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất mạnh từ ngày 6/3, đối với kỳ hạn 13 tháng mức lãi suất còn 9,2%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,3 - 0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại quầy áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng giảm còn 8,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cũng giảm còn 7,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm. Đối với kênh gửi trực tuyến, mức lãi suất cao nhất của Sacombank hiện là 8,6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất là 7,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất là 8,1%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, vừa qua ngân hàng đã có đợt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Trong thời gian tới, dự kiến ngân hàng này sẽ tiếp tục có thêm một lần điều chỉnh nữa, với mục tiêu là nhanh chóng giảm lãi suất cho vay.
Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), biểu lãi suất huy động mới được nhà băng này áp dụng kể từ cuối tuần qua. Cụ thể, giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn với mức giảm tối đa lên đến 1,2%/năm. Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm còn 8%/năm; kỳ hạn 11 tháng giảm còn 7,3%/năm thay vì mức 8,5%/năm trước đó.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank. Vietcombank. Agribank. BIDV khi gửi tiết kiệm thông thường khách hàng chỉ được nhất mức lãi suất tối đa là 7,4%/năm. Khi gửi tiền online hoặc đối với khách hàng ưu tiên mức lãi suất có được cộng thêm nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 8%/năm. Thậm chí ở kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiết kiệm thông thường mức lãi suất chỉ 6%/năm.
Giảm lãi suất cho vay
Động thái giảm lãi suất huy động đã góp phần kéo lãi suất cho vay ‘hạ nhiệt”, giảm áp lực cho cá nhân và doanh nghiệp. Theo ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam Á Bank, ngân hàng luôn chỉ động điều hành lãi suất huy động phù hợp và linh hoạt. Động thái điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động trong giai đoạn hiện nay sẽ tác động tích cực vào việc giảm chi phí vốn, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
"Thực tế, Nam A Bank cũng vừa dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 5 nhóm ngành ưu tiên với lãi suất giảm 2 điểm % so với thông thường, lãi suất cho vay hiện tại đã xoay quanh 10%/năm. Nếu các ngân hàng thương mại tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất huy động sẽ tạo dư địa giảm thêm lãi vay", ông Cường nhìn nhận.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất và công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2 điểm % so với lãi suất hiện hành. Sacombank dành nguồn vốn 1000 tỷ đồng với lãi suất bình quân khoảng 2 điểm % so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh. Trước đó, nhà băng này cũng triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5%/năm cho doanh nghiệp có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng là doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TPBank), cho rằng khi mặt bằng lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Một yếu tố quan trọng khác là đầu năm nay, nhu cầu vốn tín dụng từ thị trường khá yếu nên dù không hạn chế room nhưng các ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Đây là điều kiện để lãi suất huy động ổn định hoặc giảm thêm, tạo điều kiện giảm lãi vay.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hiện cũng đang triển khai gói cho vay mô lên đến 20.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn biểu lãi suất niêm yết tối đa 3 điểm % áp dụng cho khách hàng mới. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tiếp tục duy trì chính sách giảm 1 điểm % lãi suất cho vay cho khách hàng hiện hữu.
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, điều hành linh hoạt và đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Trong thực tế, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43 điểm phần trăm. Tính đến hiện nay, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Động thái giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực nhằm giải bài toán khó về nguồn vốn cho các doanh nghiệp hiện nay. Bởi theo kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) thực hiện và công bố cũng cho thấy trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, có tới 83% đang gặp khó khăn. Nguyên nhân đáng chú ý được doanh nghiệp đề cập là khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao, thủ tục vay vốn phức tạp, bên cạnh các nguyên nhân khác.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HUBA nhấn mạnh lãi suất vay cao là cản trở lớn, tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng hầu hết đều trên 10%/năm đã khiến doanh nghiệp chỉ dám hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và lựa chọn hạn chế đầu tư trong năm nay.
"Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng có biện pháp giảm lãi suất huy động và cho vay, cần khống chế trần lãi suất để kiểm soát mức lãi suất cho vay khoảng 8%-8,5%/năm; giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên", ông Nguyễn Phước Hưng nói.
Cho biết về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng nếu các ngân hàng tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất huy động với mức đồng loạt 0,5 điểm % kể từ ngày 6/3/2023 và cam kết thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần hạ chi phí đầu vào, có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Điều quan trọng hơn là nếu không triển khai các giải pháp giảm lãi suất cũng rất khó để thị trường hấp thụ nguồn vốn tín dụng đang dồi dào ở thời điểm hiện tại.