TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất không thể và không nên tăng nhanh, mạnh trong thời gian tới bởi sẽ “đè ép” doanh nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
Giá hàng hóa khó “giữ mình” khi tỷ giá, lãi suất leo thangLãi suất leo thang, người mua nhà như "ngồi trên đống lửa"Đà tăng của lãi suất làm dấy lên lo ngại thị trường địa ốc “ngủ đông” như 10 năm trướcLạm phát toàn cầu đã qua đỉnh
Theo như nhận định của Kinh tế trưởng BIDV tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam diễn ra vào sáng 22/11 tại Hà Nội, lạm phát trên toàn cầu dường như đã qua đỉnh. Đồng thời, ông cũng dẫn dự báo cho thấy, bình quân của CPI toàn cầu trong năm nay ở mức khoảng 8,8% trong khi năm 2023 là 6,5%, còn trong năm 2024 sẽ là 4,1%. Với những con số này, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Như vậy, lạm phát toàn cầu đang trong xu hướng giảm. Trên thực tế, giá cả của hàng hóa cũng như giá dầu cũng đã bắt đầu giảm xuống kể từ tháng 7 cho đến nay”.
Đối với vấn đề lạm phát chung cũng như lạm phát lõi tại Mỹ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cả hai chỉ số này cũng đã và đang giảm xuống. Trong tháng 6, lạm phát chung của Mỹ ở mức 9,1%; đến tháng 7 đã giảm xuống mức 8,5%, tháng 8 là 8,3% và thời điểm hiện tại đã giảm xuống mức 7,7%.
Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực cũng đã đề cập đến những dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm dần mức độ cùng với tốc độ tăng lãi suất. Khi nói về khả năng suy thoái kinh tế, TS. Cấn Văn Lực dự báo trong năm tới nhiều khả năng sẽ xảy ra suy thoái kinh tế với xác suất ở trong khoảng 55% cho đến 65%. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh một điều quan trọng, kinh tế thế giới sẽ chỉ suy thoái ở mức nhẹ và trong ngắn hạn, theo đó mức tăng trưởng GDP sẽ dao động trong khoảng 2,3% cho đến 2,5%, trong kịch bản xấu nhất sẽ ghi nhận mức tăng trưởng là 2%.
Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Nếu như bình thường, suy thoái sẽ kéo dài trong khoảng 10 tháng cho đến 2 năm; thế nhưng trong năm tới, dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nhưng chỉ trong khoảng 1 năm, kéo dài từ quý 2/2023 cho đến hết quý 1/2024”.
Thời điểm hiện tại, Fed vẫn sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất, tuy nhiên mức độ cùng với tốc độ sẽ giảm dần. Trong lần tới, rất có thể Fed sẽ chỉ tăng lãi suất ở mức độ 0,5 điểm % và dự báo cho đến hết quý đầu năm sau sẽ tạm dừng lại. Theo như dự báo của chuyên gia, ECB cùng với Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến hết quý 3 năm tới rồi cũng sẽ dừng lại. Trong khi đó, các quốc gia châu Á cũng sẽ điều chỉnh tăng theo như đà của châu Âu, tức là điều chỉnh tăng cho đến hết quý 3 năm tới rồi cũng dừng lại.
Nếu tiếp tục phải tăng lãi suất, Việt Nam nên tăng nhẹ và tăng từ từ
Theo như nhận định của chuyên gia Cấn Văn Lực, trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn như hiện tại, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo đó, nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát sẽ tăng cao hơn. Nếu theo như kịch bản cơ sở của TS. Cấn Văn Lực cùng với nhóm nghiên cứu dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ dao động trong khoảng từ 6% cho đến mức 6,5%, lạm phát sẽ đạt từ 4% cho đến 4,5%.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, về cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã nhận diện được những rủi ro này. Thế nên, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tiếp theo ở mức 6,5% và chấp nhận lạm phát 4,5%. Ông nhận định: “Để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm tới, chúng ta cần phải nỗ lực và phấn đấu hết sức, đây chỉ là kịch bản khả quan nhất bởi khó khăn và thách thức vẫn còn rất nhiều. Trong bối cảnh thế giới suy thoái nhẹ như hiện nay, xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đã đề cập đến việc FDI đã và đang bị ảnh hưởng. Bối cảnh thế giới có nhiều bất định và nhiều rủi ro khiến cho vốn đăng ký mới đã giảm đáng kể so với các năm trước đó. Thay vào đó, dòng vốn có xu hướng thu về những nơi có rủi ro ít hơn.
Khi chia sẻ về vấn đề lãi suất cũng như tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng trong khoảng 2 tháng qua lãi suất của Việt Nam đã tăng lên tương đối nhanh. Ông cho rằng, lãi suất không thể và cũng không nên tăng nhanh, tăng quá mạnh trong thời gian tới. Nếu như buộc phải tăng, tốt nhất nên tăng một cách từ từ, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể nào chịu được. Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh áp lực lạm phát cùng với áp lực tỷ giá toàn cầu giảm dần, Việt Nam sẽ không cần phải tăng lãi suất mạnh và nhanh như thế.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài vấn đề lãi suất thì Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức khác mang tên tỷ giá. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng tiền Việt Nam (VND) đã mất giá khoảng 9% so với đồng USD. Trong những tháng cuối năm nay và đế giữa năm nay, tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục phải chịu nhiều áp lực, thế nhưng áp lực này cũng sẽ giảm dần. “Áp lực tỷ giá sẽ dịu dần trong thời gian tới và năm 2023 hy vọng mức độ mất giá của VND so với “đồng bạc xanh” sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm nay”, TS. Cấn Văn Lực bổ sung.
Khi kiến nghị thêm về chính sách, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô nhưng quan trọng là phải hết sức bình tĩnh. “Yếu tố liều lượng và thời điểm vô cùng quan trọng. Với liều lượng, nên tìm điểm trung tính để cân bằng tốt hơn giữa bài toán giữa lãi suất và tỷ giá. Chúng ta nên ưu tiên cho bài toán linh hoạt tỷ giá và cố gắng để không tăng lãi suất, có tăng thì với mức độ nhẹ nhàng thôi”, ông nhấn mạnh.
Sau khi kết thúc quý 3/2022 với mức tăng trưởng GDP ấn tượng, nhiều tổ chức cả trong lẫn ngoài nước đều có chung dự báo, quý 4 năm nay sẽ là một quý với nhiều khó khăn và thử thách. Thực tế cũng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang đi qua quý 4 với những khó khăn chưa từng thấy. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, kể từ quý 4 năm nay và cả năm sau, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng tác động của các nền kinh tế toàn cầu. Hàng loạt yếu tố bất lợi với nền kinh tế thế giới như xung đột Nga và Ukraine, chuỗi cung ứng bị đứt gãy hoặc việc áp dụng chính sách Zero Covid của Trung Quốc.
CEO WiGroup cũng nhận định: “Nhìn viễn cảnh tương lai, vào năm 2023 suy giảm tăng trưởng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, những áp lực lạm phát trong nước là hiện hữu, nếu như giá cả hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng thì nền kinh tế thực sự phải đứng trước những bài toán rất khó khăn”.