Giá hàng hóa khó “giữ mình” khi tỷ giá, lãi suất leo thang
BÀI LIÊN QUAN
Người mua hàng thu lời nhờ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, tín đồ hàng hiệu đang tìm tới nơi nào để mua sắm?Doanh nghiệp "chật vật" xoay xở khi tỷ giá tăngTỷ giá quy đổi USD/VND tăng kịch trầnTỷ giá và lãi suất đồng loạt tăng
Theo vietnamfinance.vn, sau quãng thời gian ổn định, chỉ trong một thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải điều chỉnh lãi suất điều hành hai lần liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng (ngày 23/9 và 17/10). Trong đó, cả hai lần điều chỉnh, lãi suất đều tăng 1 điểm phần trăm. Lãi suất tái chiết khấu tăng 0,5% lên mức 4,5%.
Điều này không gây bất ngờ bởi ngay từ giữa tháng 7, thị trường lãi suất liên ngân hàng đã có dấu hiệu ấm dần lên. Và ngay khi Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng lãi suất điều hành, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng chính thức vào guồng. Do đó, lãi suất cho vay đã được đẩy lên mức khá cao, có ngân hàng hiện đang cho vay tiêu dùng ở mức 15%. Ở chiều ngược lại, lãi suất huy động cũng được các ngân hàng mời gọi với mức cao nhất hiện nay là hơn 11% (tùy kỳ hạn).
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành dẫn tới các ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất là điều tất yếu. Trước đó, tiền Đồng đã có thời gian giữ được sự ổn định tương đối với đồng USD. Tuy nhiên, với các động thái tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khiến các ngân hàng trung ương khó lòng kiểm soát được tỷ giá. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng góp phần tác động tỷ giá trong nước với đồng USD. Do vậy, tỷ giá đồng USD và VND vẫn tăng mạnh từ tháng 9.
Theo phân tích của các chuyên gia tại Công ty chứng khoán SSI, hiện nay Việt Nam chưa phải chịu sự ảnh hưởng nhiều của việc biến động tỷ giá. Nguyên nhân là các đồng tiền của một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, khối Liên minh châu Âu cũng có sự yếu đi. Do đó, VND được bù đắp giữa việc tăng giá đồng USD và sự giảm sút của các đồng tiền khác. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, sẽ bị chịu tác động kép do biến động tỷ giá và lãi suất.
Sự biến động đó được thể hiện ở việc giá USD đã tăng 10% chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi những năm trước đây, thời điểm này mức tăng chỉ ở 2-3%.
Nếu nói về lý thuyết, tỷ giá tăng thì xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, với cú sốc tăng tỷ giá đi kèm tăng lãi suất hồi tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp không thể chủ quan. Bởi đồng USD là đồng tiền chủ yếu được sử dụng để thanh toán với các đối tác nước ngoài. Thực tế, các doanh nghiệp đang “vào mùa” xuất khẩu cuối năm, và cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng tỷ giá.
Theo một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai, hiện nay công ty phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang phải chịu sức ép từ giá nguyên liệu tăng cao, tỷ giá tăng góp phần khó khăn hơn cho hoạt động sản xuất. Thời gian tới doanh nghiệp này có dự định sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí bởi giá thành bán ra hiện nay không theo kịp đà tăng của chi phí sản xuất.
Tương tự, doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng nằm ở thế bị động. Đồng USD tăng giá, nguyên liệu nhập khẩu khó khăn và giá cũng tăng từng ngày, trong khi đó các hợp đồng thường được ký trước hàng tháng, thậm chí cả năm nên lợi nhuận không bù đắp được đà tăng của tỷ giá và nguyên liệu đầu vào.
Giá hàng hóa khó “giữ mình”
Với các doanh nghiệp, tỷ giá và lãi suất tăng tác động khá rõ rệt đến lợi nhuận cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Với thị trường quốc dân, hàng hóa sẽ phải mất một thời gian để “ngấm” đà tăng giá. Tuy nhiên, có thể nói rằng đây là thời điểm hết sức nhạy cảm khi cận kề Tết Nguyên đán, vốn là dịp các mặt hàng tăng giá theo chu kỳ. Do đó, giá cả thời gian tới sẽ khó tránh được đà tăng cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có tới 9 nhóm hàng hóa ghi nhận đà tăng giá, chỉ có hai nhóm hàng ghi nhận đà giảm so với tháng 9. Trong nhóm tăng giá, đồ uống và thuốc lá tăng tới 0,34% do tỷ giá USD tăng cao. Mũ, nón và giày dép cũng tăng 0,2% do chi phí đầu vào tăng.
Nhìn rộng hơn, gần 50% nguyên liệu đầu vào của nền sản xuất Việt Nam là nhập khẩu. Do đó, ngoại trừ việc các yếu tố khác, tỷ giá tăng mạnh đã tác động mạnh vào chi phí sản xuất trong nước.
Ví dụ, một doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sẽ phải chịu lãi suất cho vay tăng thêm từ 2-4%, cộng thêm biến động của tỷ giá sẽ đẩy chi phí sản xuất lên gần 10%. Bên cạnh đó, các yếu tố khác tác động sẽ khiến chi phí tăng hơn. Nhưng doanh nghiệp cũng ở thế khó, đầu vào tăng cao nhưng đầu ra lại chưa thể tăng giá ngay lập tức.
“Vòng xoáy” đó sẽ khiến doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ và bị siết nợ.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang tìm cách ứng phó với tình huống nan giải này. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lợi nhuận, tiết giảm các hoạt động tạm thời để không tăng giá sản phẩm. Nhưng theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, thì đây là phương án cực chẳng đã. Doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường nguồn cung ứng để không bị phụ thuộc.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Các chuyên gia kinh tế đề xuất, doanh nghiệp cần tái cấu trúc một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tìm kiếm các thị trường cung cấp nguyên liệu tiềm năng để tránh bị chi phối bởi một nguồn duy nhất. Cần thiết phải lưu tâm quản trị rủi ro, tìm hiểu sâu về thị trường tài chính, tỷ giá và lãi suất để có những kế hoạch phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả.