Trung Quốc có động thái bơm vốn cho ngành bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Trung Quốc xóa 12.000 tài khoản mạng xã hội liên quan đến tiền điện tửTrung Quốc bất ngờ hạ lãi suất để kéo lại tăng trưởng, đi ngược lại với xu hướng toàn cầuTrung Quốc gặp khó giữa việc chọn điện hay lương thựcMới đây, Tân Hoa Xã đã trích dẫn tuyên bố của Bộ Nhà ở, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về động thái sẽ hỗ trợ tài chính cho ngành bất động sản. Nước này sẽ cung cấp các khoản vay đặc biệt cho các chủ đầu tư dự án bất động sản thông qua các ngân hàng chính sách. Thông qua đó, các dự án đang dang dở sẽ có nguồn vốn để tiếp tục duy trì, đảm bảo cho người dân mua nhà được giao đúng hạn.
Theo Bloomberg, động thái trên cho thấy, dấu hiệu chính quyền Bắc Kinh sẽ có hỗ trợ cho một ngành đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ và doanh số ngày càng sút giảm. Một phân tích mà Bloomberg chỉ ra, khoản cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản đã giảm lần đầu tiên sau 10 năm và sự sút giảm này có thể sẽ tiếp tục kéo dài.
Động thái hỗ trợ vốn này cho thấy, cơ quan quản lý của Trung Quốc đang tăng cường tài chính vào lĩnh vực địa ốc. Thời gian gần đây, ngành này đã chứng kiến thêm cuộc khủng hoảng mới. Vào hồi giữa tháng 7, người mua nhà tại hơn 230 dự án tại 86 thành phố trên khắp Trung Quốc đã đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà cho những dự án trong thời gian tới nếu như các chủ đầu tư không nối lại hoạt động xây dựng.
Số tiền người dân ngừng đóng đã lên đến 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 296 tỷ USD). Tình trạng này đã khiến cho cuộc khủng hoảng đã chuyển trọng tâm từ các dự án bất động sản sang các ngân hàng lớn của Trung Quốc. Các ngân hàng của nước này trước kia đã dựa vào các khoản thế chấp địa ốc, là một nguồn thu an toàn trong bối cảnh lệnh giãn cách vì dịch đã kéo dài sự kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng GDP trong quý II/2022 của Trung Quốc đã chạm mốc chậm nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán. Các nhà kinh tế đã đưa ra dự đoán mức tăng trưởng cả năm của Trung Quốc chỉ có thể đạt 4% thậm chí là thấp hơn.
Thị trường bất động sản tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đã khiến cho các chuyên gia kinh tế kêu gọi chính phủ Trung Quốc có chính sách kích thích nhiều hơn. Để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế ngày một lan rộng, Nhân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bất ngờ thông báo giảm lãi suất vào đầu tuần trước, dù bước đi đó cũng khó có thể khiến cho thị trường giảm bớt sự lo ngại.
Đến đầu năm nay, Trung Quốc đã cho phép nhiều ngân hàng và các nhà quản lý nợ xấu đưa ra những cơ chế giúp nới lỏng hạn chế đối với một số khoản vay để giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt ở nước này. Vào tháng 4 năm nay, ngân hàng trung ương của nước này đã tổ chức cuộc họp với khoảng 20 ngân hàng lớn cùng với nhiều công ty quản lý tài sản để giúp giải quyết tình trạng khủng hoảng tại hàng chục công ty bất động sản lớn, trong đó có tập đoàn Evergrande.
Trong tài sản hộ gia đình Trung Quốc, bất động sản chiếm khoảng 78%, con số này gấp đôi so với tỷ lệ ở Mỹ. Người dân ở nước này thường tiết kiệm trong nhiều năm, vay mượn từ bạn bè hoặc người thân để mua nhà. Tuy nhiên, sau cú sụp của Evergrande vào năm ngoái thì nhiều chuyên gia nhận định rằng hệ quả này lây lan đến ngành tài chính khá hạn chế vì người mua nhà thường thanh toán bằng tiền mặt. Thế nhưng, trên thực tế không ít người đã sử dụng các khoản thế chấp.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nhiều khoảng thế chấp chưa thanh toán đã lên đến 38.300 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm trước. Công ty chứng khoán GF dự phóng rằng khoản thế chấp 2.00 tỷ nhân dân tệ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng từ chối đóng tiếp tiền nhà của người dân.