meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

TP.HCM đề xuất thu thuế căn hộ thứ 2: Dễ phát sinh tình trạng lách luật

Thứ ba, 07/02/2023-08:02
UBND TP.HCM vừa đề xuất 2 phương án tăng thu thuế đối với người sở hữu từ hai bất động sản trở lên nhằm hạn chế được tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này chỉ làm hạn chế nhu cầu mua nhà của người dân, các nhà đầu tư cũng sẽ chuyển dịch dòng vốn sang các tỉnh khác và đặc biệt dễ phát sinh tình trạng lách luật.

Phí trước bạ có thể lên tới 1 tỷ đồng

Vấn đề thu thuế bất động thứ hai một lần nữa nóng trở lại khi UBND TP.HCM vừa đưa ra đề xuất thu thuế nhà, đất trong Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Đáng chú ý, trong Dự thảo lần này, TP.HCM đã đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với 2 phương án.

Cụ thể, theo phương án thứ nhất, thành phố kiến nghị thu thuế đối với nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Phương pháp thứ hai, tăng mức thu liên quan đến nhà, đất thứ hai trở lên. Cụ thể ở đây là lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên. Mức tăng gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần so với quy định hiện hành); thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần so với quy định hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng. Mức tăng này do HĐND thành phố quyết định và thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm.

Lý giải về đề xuất này, UBND TP.HCM cho rằng cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà, bỏ hoang dự án, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đây cũng sẽ là cơ sở xây dựng chính sách chung sau này.

anh-r-1675700101.jpg
Thời điểm và lộ trình đánh thuế căn nhà thứ hai cần được xem xét kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. (Ảnh minh họa)

Nhắc lại về chính sách thuế tài sản, từ cuối năm 2009, tại dự án Luật Thuế nhà cũng đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng vì nhiều lý do đã khiến sắc thuế này hơn nửa thập kỷ vẫn chưa thể triển khai.

Với mong muốn nắn lại thị trường, năm 2021, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng từng có công văn Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp thuế tài sản.

Nhà đầu tư sẽ chuyển về địa phương khác?

Cho ý kiến về đề xuất này, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở đi ở giai đoạn hiện nay tại TP.HCM sẽ không thể đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà sẽ còn gây tác động ngược đến thị trường.

“Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc đánh thuế bất động sản sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ và tỷ lệ giảm bao nhiêu” – ông Quang nói.

Theo ông Quang, nếu muốn hạn chế tình trạng đầu cơ thì phải xác định rõ mức thuế là bao nhiêu và chính sách cần phải được áp dụng trên toàn quốc, không thể chỉ triển khai ở mỗi TP.HCM.

anh-4-1675700529.jpg
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa.

Trong khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nguồn cung đang rất khan hiếm. Thời gian qua, có rất nhiều dự án trên địa bàn thành phố cũng đang phải dừng triển khai, thời gian triển khai dự án kéo dài, chi phí đội lên cao khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch ra các địa phương khác có tiềm năng hơn.

“Nếu TP.HCM thực hiện đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ hạn chế thêm nhu cầu mua nhà của người dân, các nhà đầu tư cũng sẽ chuyển dịch dòng vốn sang các tỉnh khác. Chưa kể sẽ có nhiều trường hợp ‘lách luật’ bằng cách cho người khác đứng tên, điều này sẽ khiến việc quản lý càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, việc đánh thuế cũng cần phải phân loại rõ rằng theo từng khu vực. Ví dụ: Nội –ngoại thành; đô thị - nông thôn; nhà đất ở- nhà đất dùng để sản xuất kinh doanh” – ông Quang nhận định.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, muốn đánh thuế bất động sản thì phải số hóa được thị trường, nắm rõ được toàn bộ số liệu, minh bạch trong tất cả các yếu tố (bao gồm quỹ đất, giá đất,…).  Cần xác định mức thuế áp dụng ra sao, tiền thuế phục vụ gì. Bởi trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường đang khó khăn cần ổn định chính sách, nếu có thêm biến động sẽ khiến thị trường chìm xuống.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đề xuất này là cần thiết để chống tình trạng đầu cơ và giúp thị trường phát triển một cách minh bạch, bền vững. Bởi thuế là công cụ điều tiết nền kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, nếu được đồng ý triển khai thì TP.HCM cần có lộ trình cụ thể. Thu thuế cần phải cải cách các sắc thuế hiện nay vì đang bộc lộ nhiều bất cập.

"Việc thí điểm cũng có thể cân nhắc từ năm 2025, sau khi thị trường ổn định về dòng tiền, pháp lý. Bên cạnh đó, cần phân loại cụ thể từng đối tượng sở hữu bất động sản thứ hai chứ không nên máy móc, phải xem xét diện tích cũng như chức năng sử dụng của từng căn nhà và mức giá trị của nó so với thị trường” – ông Châu nói.

Đồng quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn DKRA cũng cho rằng, cần xây dựng lộ trình cũng như thời gian thực hiện, nhưng chưa thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay.

Khi được thực hiện, thành phố phải xây dựng cơ sở dữ liệu đóng thuế một cách khoa học, từ đó mới có thể xác định người sử dụng bất động sản thứ hai một cách chính xác. Muốn làm được như vậy cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai. Cần tham  khảo mô hình từ các quốc gia phát triển, quy định mỗi cá nhân sử dụng diện tích bao nhiêu, nếu vượt thì bắt đầu tính thuế. Ban đầu chúng ta có thể áp dụng với các khu vực trung tâm vì đây là khu vực của những người có điều kiện, nhu cầu mua bất động sản cao.

Minh Anh
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

Mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại: Chỉ nên thí điểm ở phạm vi hẹp

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

Đất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồng

Lãi suất “ghìm cương” nhà ở xã hội

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước