Những giải pháp “tiếp sức” cho thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản cuối năm 2023 sẽ diễn biến như thế nào?Người mua bất động sản “chùn tay” vì lãi suất thả nổiKhủng hoảng bất động sản Trung Quốc tồi tệ không tưởng: Hàng loạt địa phương giả vờ giao dịch để tăng số liệuNgân hàng giảm lãi suất
Theo Đại đoàn kết, Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư thuộc Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nếu tình hình tiếp tục khó khăn sẽ có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động đến hết quý III/2023 và chỉ có khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.
Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ có những tia hy vọng mở ra. Theo đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 vào ngày 19/6 vừa qua, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động cũng như rục rịch giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng chào mời các gói cho vay với lãi suất hấp dẫn dành cho bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (VNREA) kỳ vọng việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất lần thứ tư sẽ giúp lãi suất cho vay mua nhà dần hạ nhiệt, từ đó tạo tác động tích cực đến tín dụng mua nhà cũng như thanh khoản thị trường bất động sản.
Có thể thấy, thông tin lãi suất giảm không chỉ khiến các chủ đầu tư và nhà thầu tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ hơn mà đồng thời cũng là cơ hội để khách hàng chuyển hướng sang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản. Mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục mạnh hơn bởi bản thân các doanh nghiệp bất động sản hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi đó, người mua nhà cũng phải vay tiền, do đó lĩnh vực bất động sản sẽ nhận được tác động tích cực kép.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính và tiền tệ của Chính phủ đang tạo tâm lý tích cực cho thị trường, qua đó góp phần định hướng nhu cầu bất động sản quay trở về giá trị thực. Dự báo thị trường bất động sản sẽ đảo chiều trong năm 2024 khi các điều kiện cũng như chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như thời điểm này.
Các doanh nghiệp bất động sản đang cần gì?
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 554 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giải thể, con số này tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4%, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.
Tính trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46%, lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ những dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai,... do thị trường bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt và sức mua chưa được cải thiện.
Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Việc ban hành một số gói tín dụng, giãn, hoãn nợ nhằm hỗ trợ thị trường là điều thực sự cần thiết trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhưng nếu dự án vẫn không được gỡ vướng pháp lý thì doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Vị chuyên gia cho rằng, cần rà soát, phân loại từng doanh nghiệp để có "thuốc" riêng.
Thông tin thực tế thị trường cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối diện với không ít thách thức khiến họ phải thay đổi phương án quản lý và kinh doanh như: tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn,... để ứng phó với điều kiện khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia chia sẻ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều hành hạ lãi suất, nhưng khi tiếp xúc với các lãnh đạo ngân hàng thương mại họ đều nói rằng, luôn có độ trễ. Thực tế lãi suất dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác có thể giảm, nhưng lãi suất cho vay với bất động sản vẫn ở mức cao. Dù ngân hàng mở hầu bao cho vay thì doanh nghiệp cũng không thể vay được do dự án vướng pháp lý.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ tác động tích cực cho cả bên bán lẫn bên mua. Áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất hợp lý. Từ đó, chủ đầu tư có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh toán trên thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, họ cũng có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án còn dang dở cũng như triển khai thêm dự án mới. Từ đó, thị trường sẽ được bổ sung nguồn cung mới.
Điều này khiến nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, việc lãi suất cho vay ở mức cao trở thành một trong những rào cản lớn đối với việc đưa ra quyết định của khách hàng. Đồng thời, việc ngân hàng giảm lãi suất cũng tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, quý III - IV/2023 thị trường sẽ xác định đáy và đây cũng là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư xuống tiền. Hiện nay, lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng đa phần vẫn ở quanh mức 10%/năm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc đến tiềm lực đầu tư tài chính cũng như độ hấp dẫn về mức giá bất động sản để đưa ra quyết định chính xác.