Tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao giới siêu giàu đầu tư vào bất động sản hàng hiệu?Bóc trần sự thật về bất động sản hàng hiệuXu hướng sắm bất động sản hàng hiệu của người nổi tiếng như thế nào?Xu hướng mua bất động sản hàng hiệu
Bất động sản hàng hiệu là các loại hình nhà đất gắn với thương hiệu nổi tiếng. Thông thường, thương hiệu của các sản phẩm bất động sản này thường mang dấu ấn đặc trưng của các chủ đầu tư.
Mặc dù bất động sản hàng hiệu đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ. Hiện tại, giới nghệ sĩ trong Vbiz đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Đầu năm 2022, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã lên tiếng xác nhận việc mua một căn penthouse Marriott tại cùng dự án ở TP Hồ Chí Minh. Hay vào giữa năm 2021, vợ chồng ca sĩ Đông Nhi và Ông Cao Thắng cũng đã đăng bài viết xác nhận việc sở hữu một căn hộ hàng hiệu JW Marriott trên mạng xã hội. Căn hộ này tọa lạc ở ngay trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh và có mức giá 15.000 USD mỗi m2.
Thị trường bất động sản hàng hiệu đang trên đà tăng trưởng nhanh. Một bài nghiên cứu thị trường của Savills đã chỉ ra rằng, phân khúc này đã tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Dự báo, thị trường phân khúc này sẽ chào đón hơn 800 dự án mới trên toàn thế giới trước năm 2026, con số gần gấp đôi số lượng nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Riêng tại Việt Nam, các thành phố ven biển đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu phát triển các dự án bất động sản hàng hiệu quốc tế uy tín. Đơn cử, tại TP Đà Nẵng có một loạt dự án bất động sản hàng hiệu như Fusion Resort & Villas, Le Mériden. Hay tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện 2 dự án căn hộ cao cấp Ritz-Carlton và Grand Marina.
Không chỉ tập trung ở các tỉnh thành phát triển du lịch và các thành phố lớn, các thương hiệu quốc tế cũng đã phát triển dự án ở các khu vực vệ tinh. Đơn cử, khu nghỉ dưỡng 5 sao Ba Vì đang được tập đoàn khách sạn Melia quản lý phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu đi du lịch ngắn ngày vào cuối tuần của người dân.
Tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu
Giới chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam nằm ở nhóm khách hàng nước ngoài. Bởi lẽ, đây là nhóm đối tượng khách hàng quen thuộc với dòng sản phẩm bất động sản này.
Phân tích về tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, đây là một phân khúc ngách của thị trường bất động sản vì có nguồn cung khan hiếm và mức giá cao vượt trội. Hiện nay, các thương hiệu quốc tế đang có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh sang các khu vực khác, trong đó có khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, phân khúc này vẫn là khái niệm khá mới mẻ nên đang hội tụ nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, để phân khúc này phát triển mạnh, Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách ưu đãi khác nhau. Một trong những biện pháp nên áp dụng là chính sách ưu tiên visa cho những người đã về hưu. Chính sách ưu đãi này sẽ khuyến khích các cá nhân ở nước ngoài đến Việt Nam đầu tư du lịch.
Bên cạnh đó, quy định về quyền sở hữu bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể xem xét để nới lỏng. Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, một cá nhân hay một tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% số căn hộ chung cư trong cùng một dự án và 10% số căn đối với các dự án nhà ở riêng lẻ. Con số này khá nhỏ khi một khu resort có từ 50-100 căn. Cho nên, điều chỉnh quy định này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của các dự án nghỉ dưỡng trong mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thách thức cho chủ đầu tư
Giới chuyên gia Savills Việt Nam nhận định, bất động sản hàng hiệu là một phân khúc đang có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án bất động sản đặc biệt này là một thách thức không nhỏ cho các chủ đầu tư.
Mô hình bất động sản hàng hiệu đòi hỏi dòng vốn lớn, các chủ đầu tư có thể huy động vốn thông qua việc rao bán sản phẩm trước khi xây dựng nhằm giảm nhu cầu vốn vay và vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không đủ tài chính mà phụ thuộc quá nhiều vào việc bán sản phẩm thì rất dễ dẫn đến nguy cơ việc xây dựng bị trì trệ khi kết quả bán hàng không như mong đợi.
Một thách thức khác cho các chủ đầu tư là tính khả thi khi đưa thương hiệu vào các sản phẩm của mình. Thông thương, sự xuất hiện của các thương hiệu này sẽ giúp các dự án trở nên đẳng cấp hơn. Những thương hiệu truyền thống trong lĩnh vực này thường đến từ các đơn vị làm trong ngành quản lý khách sạn.
Tuy nhiên, câu hỏi hỏi đặt ra cho thị trường Việt Nam là liệu mô hình bất động sản hàng hiệu này có phù hợp với nhu cầu và năng lực của thị trường. Đây là bài toán mà các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có những lựa chọn phù hợp cho dự án bất động sản của mình.
Theo đánh giá của ông Matthew Powell, sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Việc nhiều chủ đầu tư bất động sản hạng sang xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua cũng là minh chứng rõ nét cho sự tiến bộ về tài năng và chuyên môn của những đơn vị trong nước.
Do đó, phân khúc bất động sản hàng hiệu ở Việt Nam sẽ còn ghi nhận những mốc tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, thị trường này không còn là sân chơi của các thương hiệu quốc tế, mà mở rộng cho cả những thương hiệu trong nước.