Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đâu là giải pháp phát triển bền vững?
BÀI LIÊN QUAN
Đánh giá rủi ro đằng sau gần 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệpHuy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nhiều "ông lớn" Việt lên kế hoạch vay vốn nước ngoàiDoanh nghiệp "loay hoay" với trái phiếuTheo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2022, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý 1 và giảm tới 79% so với quý trước. Đặc biệt, trong tháng 4/2022 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Mãi đến tháng 5/2022, các doanh nghiệp địa ốc mới bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đến nửa đầu tháng 7/2022, sau khi dè dặt khởi động lại hoạt động phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục “án binh bất động”. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDIRECT, trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang thắt chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giá trị phát hành của ngành này đang có dấu hiệu giảm mạnh. Cụ thể, tổng giá trị phát hành riêng lẻ của ngành bất động sản chỉ đạt 12.248 tỷ đồng, giảm 58,9% so với quý trước, giảm 78,2% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp bất động sản đang “khó thở”
Sau khi các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn để duy trì hoạt động. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp địa ốc, việc “siết” phát hành trái phiếu đã khiến họ rơi vào tình trạng khủng hoảng, không có chi phí mua quỹ đất, bảo lãnh xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư, giải phóng đền bù.
Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Đức Sơn – Tổng Giám đốc DRH Holding cho biết rất nhiều doanh nghiệp bất động sản dù không kêu than nhưng họ đang thực sự kiệt sức vì các kênh liên quan đến việc huy động vốn đều bị “siết chặt”. Một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt là việc “siết” phát hành trái phiếu, khiến các dự án bị trì trệ vì “đói vốn”.
Với tình hình hiện tại, ông Sơn nhận định, nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng trong giai đoạn 2008-2012 rất cao. Tuy nhiên, điều quan trọng vào thời điểm này là nếu chính sách không thay đổi, thì nhiều doanh nghiệp sẽ rời bỏ thị trường vì hầu hết đã đuối sức.
Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản triển trai dự án hơn 2 năm trời nhưng chưa đi đến đâu. Hay một số doanh nghiệp triển khai được thì việc bán hàng cũng khó khăn vì người mua lo sợ dòng tiền không ổn định, khó bán ra.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, hiện nay, không ít doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có vấn đề về tài chính, vướng mắc pháp lý. Khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đã khiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc trở nên đuối sức, phải “thở oxy dòng cao”. Doanh nghiệp bất động sản thực sự đang đuối sức và chắc chắn nếu chính sách không thay đổi thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong suốt thời gian vừa qua, các doanh nghiệp gặp sức ép rất lớn khi đi tìm các kênh huy động vốn. Nếu việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục bị “siết chặt” thì đây là một tín hiệu không tốt cho thị trường bất động sản, một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.
Làm sao để thị trường phát triển?
Theo TS Võ Trí Thành, trong những năm gần đây, trái phiếu của chính phủ phát hành đều đặn, đa dạng về thời hạn, tạo ra được những đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường. Thế nhưng, thị trường trái phiếu của doanh nghiệp lại phát triển chưa ổn định. Đơn cử là câu chuyện định mức tín nhiệm, hệ thống thanh toán và nhiều vấn đề khác.
Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng bất động sản đang gặp khó khăn, việc phát hành trái phiếu được xem là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, dòng vốn được huy động từ phát hành trái phiếu cũng đang bị giám sát chặt khiến thị trường bất động sản đang gặp một số rủi ro nhất định.
Đặc biệt, trong tổng số lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp vẫn có của các nhà đầu tư cá nhân. Nếu xử lý không tốt thì việc làm này sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội, vụ việc Tân Hoàng Minh là một ví dụ điển hình.
Cho nên, để lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, giải pháp căn bản nhất là tăng tính kỷ luật thị trường, lúc xử phạt phải tính đến các tác động lên thị trường, các bên liên quan để có một cách xử lý khéo léo nhất. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền phải sửa đổi Nghị định 153 trên tinh thần giữ nguyên tính giám sát và kỷ luật những vẫn để cho thị trường vận hành tốt.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì lòng tin của các nhà đầu tư đang bị dao động bởi những vụ “lùm xùm” xảy ra gần đây. Mặc dù thị trường chưa rơi vào khủng hoảng nhưng vị chuyên gia này cho rằng, những vụ việc vừa qua đã chứng tỏ thị trường cần phải chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.
Ông Hiếu cho rằng, việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp để giúp thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững. Nếu đảm bảo được tính minh bạch trong việc xếp hạng tín dụng, doanh nghiệp có thể thoải mái hơn trong việc phát hành trái phiếu và có thể phát hành trái phiếu ngay cả khi đang thua lỗ.
Vị chuyên gia này đề xuất thành lập riêng một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính chuyên thực hiện chức năng xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên. Đây là giải pháp để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh và giảm bớt nguy cơ rủi ro cho các nhà đầu tư.