Thị trường bất động sản hiện nay: “Chậm nhưng không đứng”, sản phẩm mang lại giá trị thực cho nhà đầu tư và khách hàng lên ngôi
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia cảnh báo đầu tư BĐS "ăn theo" đường Vành đai 4 khó có cơ hội thắng lớn"Bắt mạch" thị trường BĐS vùng ven những tháng cuối năm: "Miền đất hứa" trong tương lai dành cho nhà đầu tưThị trường BĐS hạ nhiệt, nhà đầu tư âm thầm "quay xe", bỏ cọc tiền tỷNhững sản phẩm mang lại giá trị thực cho nhà đầu tư, khách hàng lên ngôi
Theo Nhịp sống kinh tế, thị trường bất động sản những năm gần đây liên tục "sốt" ở khắp nơi dẫn đến giá nhà đất không ngừng "leo thang" bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong báo cáo mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, giá nhà đất ở nhiều nơi tăng nóng, nhất là phân khúc đất nền tại các khu vực sắp lên quận hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua... tăng đột biến. Bên cạnh đó, giá nhà chung cư cũng tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng đến 30%.
Trước thực tế đó, các cơ quan ban ngành, các địa phương đã có những động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản như "siết" tín dụng vào bất động sản từ ngân hàng, kiểm soát trái phiếu,... Theo đó, thị trường bất động sản ở nhiều nơi ngay lập tức đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên giá vẫn neo ở mức cao.
Báo cáo thị trường tháng 5 của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, lượng sản phẩm nhà, đất bán trong tháng 5 giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch mua bán loại hình nhà đất có dấu hiệu chững lại, chỉ gợn sóng nhẹ tại một số khu vực có đường vành đai hoặc các khu vực có thông tin về dự án quy hoạch.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, hoạt động mua bán, giao dịch bất động sản đang khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng quan tâm đến bất động sản bán đã giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tập trung ở các loại hình là đất, đất nền dự án, mặc dù lượng tin đăng rao bán ghi nhận tăng trên 22%, đất nền dự án tăng 38%. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư hay người đang cầm hàng đăng nhiều hơn để có thể bán được sản phẩm.
Nhận định về thị trường hiện nay, ông Đặng Hoài Nam - Giám đốc kinh doanh CTCP BĐS Tiến Phước chia sẻ: “Qua dữ liệu một số báo cáo cho thấy thị trường có dấu hiệu chậm lại tuy nhiên chậm nhưng không có đứng. Chậm lại cũng là sự thức tỉnh, sàng lọc về phía khách hàng, nhà đầu tư. Đây chính là thời điểm cho những sản phẩm mang lại giá trị thực cho nhà đầu tư, khách hàng lên ngôi”.
Vị này cho biết thêm, hiện nay, các sản phẩm ở vị trí chiến lược, được quy hoạch một cách bài bản, đầy đủ tiện ích, dịch vụ cơ sở hạ tầng tốt, quản lý chuyên nghiệp vẫn được khách hàng tìm kiếm. Nhu cầu được an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống trong đại bộ phận người dân vẫn rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm dự án đạt đầy đủ chất lượng, mang lại giá trị sống như vậy là không nhiều.
“Nhìn chung, ở giai đoạn này thị trường đang trải qua giai đoạn chững, khó nhưng không hoàn toàn là khó bởi những sản phẩm thực, mang lại giá trị thực tại những vị trí tốt, chiến lược của chủ đầu tư uy tín và vẫn được khách hàng đón nhận”, ông Nam nhận định.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, thời điểm này là cơ hội để những doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận lại thị trường để có những rà soát, điều chỉnh sao cho phù hợp và đặc biệt cần hướng đến việc xây dựng mang lại những sản phẩm có giá trị thực cho nhà đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu để ở.
Điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản không phải dòng tiền
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, hiện tại, nguồn cung thị trường thấp, giá bán còn cao nên thanh khoản đang hạn chế. Dự kiến thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn sẽ diễn ra theo xu hướng như vậy.
Vị chuyên gia Savill cho biết, có hai vấn đề cốt lõi cần quan tâm hiện nay đó là pháp lý và dòng tiền. Trong đó, điểm nghẽn lớn cho bất động sản , nhất là với bất động sản nhà ở không phải dòng tiền mà ở điểm khác.
"Các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, căn hộ dịch vụ… thời gian hoàn vốn nhanh nhất từ 8-10 năm. Còn các dự án bất động sản nhà ở nếu thuận lợi thì thời gian hòa vốn 5 năm là nhiều. Chúng ta đang sử dụng hai công cụ chính sách tiền tệ và tài khoá để áp dụng quản lý cho bất động sản.
Tuy nhiên, phân khúc gặp khó nhất trước các công cụ này không phải là bất động sản nhà ở. Mà điều gây khó đầu tiên cho phân khúc này chính là pháp lý, yếu tố đẩy chi phí đầu vào, làm tăng giá trị của nhà ở khi giá trị thật không có", ông Khương cho hay.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có lợi thế là thị trường bất động sản rất nhỏ. Riêng với bất động sản nhà ở, nguồn vốn và tiềm lực tập trung chủ yếu ở nhà đầu tư trong nước. Nhóm cần nguồn vốn thật sự để phát triển ngành công nghiệp không khói là bất động sản du lịch. Nhóm thứ hai quyết định rất lớn đến tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế là bất động sản công nghiệp. Đây là hai lĩnh vực sẽ tác động ngược lại đến bất động sản nhà ở.
"Đây là bức tranh mà tôi cho rằng dòng tiền cần nhìn lại ở góc độ vĩ mô là mức độ tăng trưởng nền kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp. Tóm lại, dòng tiền chỉ xếp thứ hai trong khó khăn của doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam, nhất là đối với bất động sản nhà ở", ông Khương nhấn mạnh.
Một số yếu tố khác cũng chỉ ra vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay đó là thể chế pháp luật. Việc tháo gỡ chính sắp pháp luật nhằm mục đích giúp dòng tiền được luân chuyển. Ngoài ra, nếu tháo gỡ được thể chế pháp luật thì thị trường mới phát triển ổn định và bền vững, dòng tiền luân chuyển được trong nền kinh tế và thị trường bất động sản.
THAM KHẢO THÊM:
- 1000+ Mẫu ảnh nhà cấp 4 đẹp: [HOT 2022] được lấy từ thực tế
- Mua bán Nhà riêng Quận Tây Hồ, Hà Nội mới nhất
- Mua bán Nhà mặt phố Quận Tây Hồ, Hà Nội mới nhất
- Mua bán Đất Quận Tây Hồ, Hà Nội mới nhất
Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022 sẽ được thanh lọc?
Mặc dù thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 có nhiều biến động, đặc biệt phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, song giới chuyên gia đánh giá thị trường vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, có gần 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào bất động sản trong các tháng đầu năm. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như có vị thế tốt để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào kinh doanh bất động sản.
Ở góc độ đầu tư, giới chuyên gia cũng đánh giá việc Chính phủ kiểm soát thành công dịch Covid-19 và mở cửa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ là động lực lớn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, nguồn vốn vào thị trường sẽ được cải thiện tăng trở lại.
Đánh giá về sự phát triển của thị trường bất động sản , ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường đang phải đối mặt với những đợt thanh lọc như: kiểm soát tín dụng bất động sản; thanh, kiểm tra; hoạt động phát hành trái phiếu; rà soát, hồi tố thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất. Do đó, thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận diện tổng thể thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm chuyển hồng hay xám.
Liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản, bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cũng cho rằng đây là tín hiệu tích cực, vì điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thực sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ở góc độ người mua nhà, bà Khánh Trang cũng cho biết, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.
Dự báo của giới chuyên gia và các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung mới trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì như giai đoạn nửa đầu đầu năm. Đặc biệt, hoạt động siết chặt nguồn tín dụng vào bất động sản trong thời gian qua được dự báo sẽ giúp thanh lọc thị trường mạnh mẽ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.