Tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Đánh thuế bất động sản là điều cần thiếtGiải pháp "chặn" bán nhà hai giá: Có nên áp dụng hệ số K?Các địa phương đồng loạt siết việc mua bán “nhà hai giá”Siết nhà “hai giá”
Theo toquoc.vn, mua bán nhà “hai giá” là tình trạng giá được ghi trong hợp đồng mua bán thấp hơn so với giá mua thực tế nhiều lần. Hành động này thường nhằm mục đích né thuế trong hoạt động chuyển nhượng, mua bán bất động sản, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong nhiều năm qua, thường xuyên diễn ra tình trạng người dân khai giá mua bán bất động sản trên hợp đồng công chứng theo barem thuế có sẵn, thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Giá tham chiếu của cơ quan thuế tại địa phương chỉ là công cụ ngăn những giao dịch với mức giá thấp hơn khung, tuy nhiên vẫn có khoảng cách rất xa so với giá thực tế. Vì vậy, bên mua và bên bán bất động sản sẽ làm một hợp đồng có giá thấp để kê khai thuế và một phụ lục hợp đồng khác ghi đúng giá thực tế.
Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 438/BTC-VP về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Tại văn bản, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục thuế để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, chuyển nhượng bất động sản hai giá nhằm ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước; các tỉnh, thành trên cả nước rầm rộ ra văn bản siết việc mua bán bất động sản hai giá.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản.
Những hành động thiết thực này đã cho thấy hiệu quả bước đầu như, chỉ trong vòng 5 tháng đầu tiên của năm 2022, kết quả thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên toàn quốc đã đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Các địa phương chủ động phòng chống thất thu thuế
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2022, tình hình thu ngân sách từ bất động sản trên địa bàn thành phố có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Tuy nhiên, ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản kê khai giá với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng, chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế gây thất thu ngân sách.
Ông Giao cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách. Trong đó, số thuế thu nhập cá nhân là 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ là 33 tỷ đồng. Có gần 10.900 hồ sơ trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ mua bán bất động sản bị trả lại. Như vậy, trung bình cứ khoảng 5 hồ sơ nộp lên sẽ có 1 hồ sơ bị trả lại để sửa giá do kê khai giá bán quá thấp.
Tại Thừa Thiên Huế, ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, dục đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”.
Theo ông Khoa, cục thuế đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP Huế để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan về giá, phương thức chuyển nhượng của các đơn vị, cá nhân cho cục thuế để quản lý thu các khoản thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn đảm bảo quy định. Tính đến 31/5/2022, số hồ sơ chuyển nhượng bất động sản là 2.644 hồ sơ; số thuế thu nhập cá nhân chênh lệch là 13,248 tỷ đồng.
Tại Quảng Bình, ông Đoàn Vĩ Tuyến - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình cũng cho biết, Cục Thuế Quảng Bình đã xây dựng Kế hoạch số 2012/KH-CTQBI ngày 11/5/2022 để triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để tuyên truyền và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các giải pháp tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế và công tác rà soát hồ sơ kê khai theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”, tính đến ngày 20/6/2022 các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh 2.421 lượt hồ sơ khai thuế với số tiền thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản phải nộp tăng thêm hơn 20,6 tỷ đồng, trong đó, thuế thu nhập cá nhân là 16,5 tỷ đồng; lệ phí trước bạ là 4,1 tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa, nhằm tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn, Cục Thuế Thanh Hóa đã ban hành công văn đề nghị các phòng công chứng trên địa bàn cung cấp thông tin, dữ liệu từ 1/1/2021 về các hợp đồng công chứng theo quyết định của UBND tỉnh.
Ông Mai Đình Tú, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, tháng 7/2021, cục thuế và sở tư pháp đã tổ chức hội nghị và thống nhất sẽ đề nghị các phòng công chứng cung cấp danh sách chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế về đất đai đã qua công chứng gửi cục thuế.
Cục Thuế Thanh Hóa thống nhất với Hiệp hội Công chứng tỉnh Thanh Hóa về nội dung các phòng công chứng cung cấp cho cục thuế dữ liệu danh sách các hợp đồng chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế về đất đai để phục vụ công tác quản lý thuế, thời hạn cung cấp trước ngày 31/5/2022.
“Mới đây, Cục Thuế Thanh Hóa đã gửi thư ngỏ đến các tổ chức, người nộp thuế trên địa bàn, khuyến nghị khi phát sinh các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế cần thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các thủ tục theo quy định; đặc biệt là việc ghi giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cũng như khi khai các nghĩa vụ thuế phát sinh nhằm bảo vệ chính quyền lợi của người mua và người bán bất động sản”, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cho hay.