“Soi” sức khỏe kinh tế của Khánh Hòa, tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
BÀI LIÊN QUAN
Từng xuất hiện các đợt “sốt đất” cục bộ, bất động sản Khánh Hòa hiện có giá bán thế nào?Đầu tư bất động sản ở Khánh Hòa thời điểm này, nên hay không?Bất động sản Khánh Hòa: Nơi lặng sóng, chỗ khởi sắcKhu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ
Theo baoxaydung.com.vn, số liệu của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh này tiếp tục có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi cùng với đó, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, về kinh tế, 9 tháng đầu năm GRDP của tỉnh tăng 20,48% so với cùng kỳ 2021, đạt gần 40.000 tỷ đồng. Đóng góp trong tổng mức tăng 20,48% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34%, làm tăng 0,18 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 25,23%, làm tăng 7,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 26,19%, làm tăng 11,83 điểm phần trăm.
Khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực lâm nghiệp tăng 5,54% so cùng kỳ năm trước, làm tăng 0,01 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng chung toàn tỉnh; khu vực thủy sản tăng 2,53%, đóng góp tăng 0,2 điểm phần trăm; riêng khu vực nông nghiệp giảm 0,47. Ngành công nghiệp tăng 22,74%, đóng góp 4,76 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng 30,8%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Trong các ngành hoạt động công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng đóng góp cao nhất tăng 24,42%, đóng góp tăng 20,33 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp và đóng góp tăng 4,26 điểm phần trăm của toàn tỉnh.
Khu vực dịch vụ là ngành có tỷ trọng cao nhất trong GRDP toàn tỉnh đã dần phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại với mức tăng trưởng dương 26,19%, là mức tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. Trong khu vực dịch vụ, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng trưởng khá góp phần vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống gấp 2,37 lần; vận tải kho bãi tăng 46,28%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 17,15%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 14,57%...
Về cơ cấu nền kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,56%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2%, ngành dịch vụ chiếm 46,61%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,63% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm trước là: 14,66%; 29,52%; 45,03%; 10,79%).
Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 ước tăng 2,76% so với tháng trước và tăng 26,57% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,01% so cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 77%
Doanh nghiệp thành lập mới tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2022 có sự khởi sắc với 1.529 doanh nghiệp, tăng 77,79% so cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 9,76%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp kỳ vọng về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 với 94,03% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so quý III/2022.
Tính từ ngày 01/9/2022 đến 15/9/2022, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 314,5 tỷ đồng, gấp 6 lần về số doanh nghiệp và gấp 25,57 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm trên, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 35,48% so cùng kỳ năm trước; 21 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 12,5%; 10 doanh nghiệp đã giải thể, gấp 10 lần so cùng kỳ năm trước.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến 15/9/2022, toàn tỉnh có 1.529 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 77,79% so cùng kỳ năm trước với tổng số vốn đăng ký là 15.888,38 tỷ đồng, gấp 2,11 lần. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tính đến nay đạt 10,82 tỷ đồng, tăng 18,58%. Tại thời điểm trên, toàn tỉnh có 990 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,76% so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 2.519 doanh nghiệp; 1.374 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12,44%; 250 doanh nghiệp đã giải thể tăng 2,04%.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 52,24% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; có 11,94% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,82% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2022 so quý III/2022, có 70,15% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; có 5,97% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 23,88% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Hàng loạt công trình mới được xây dựng
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh ước được 2.579,94 tỷ đồng, tăng 12,47% so cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.479,87 tỷ đồng, tăng 25,02%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 814,07 tỷ đồng, tăng 6,84%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 286 tỷ đồng, giảm 17,86% với 135 công trình khởi công mới và 110 công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư trên 353,6 tỷ đồng.
Các công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có vốn thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 từ 70 tỷ đồng trở lên: Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, tổng mức đầu tư (2019-2022) 759,5 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 196 tỷ đồng; Môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu DA TP Nha Trang, tổng vốn đầu tư (2018 - 2023) 1.607,51 tỷ đồng; ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 191 tỷ đồng; CSHT chống ngập lụt, xói lở khu dân cư Mỹ Thanh, kè bờ sông Cái và kè bờ sông Cái qua xã Vĩnh Phương, tổng mức đầu tư (2020-2023) 299,66 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 107 tỷ đồng.
Đường Tỉnh lộ 3, tổng mức đầu tư (2020-2022) 340,75 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 100 tỷ đồng; CSHT khu trường học, ĐT và dạy nghề Bắc Hòn Ông, tổng vốn đầu tư (2019-2024) 562,82 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 81 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu, tổng vốn đầu tư (2020-2024) 421,4 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 78,8 tỷ đồng.
Bệnh viện Ung Bướu, tổng vốn đầu tư (2016-2022) 560,862 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 78,3 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Nha Trang, tổng vốn đầu tư (2016-2023) 355,3 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 9/2022 được 73,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số dự án giải ngân chậm như: Quốc 1A đi cầu Bến Miễu (đoạn Quốc lộ đi Tiểu đoàn 2-E23); Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Khánh Hòa; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Khánh Hòa; Trạm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; bồi thường hỗ trợ để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Đối với nguồn ngoài ngân sách, tỉnh Khánh Hòa có một số dự án lớn, quan trọng đã, đang và sẽ thực hiện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới như Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy (hoàn tất một số hạng mục công trình hạ tầng như cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện...); các Cụm công nghiệp như Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân…
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 tăng 23,23% so cùng kỳ năm; Chi ngân sách nhà nước địa phương tăng 5,41%, đảm bảo các nhu cầu triển khai các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của tỉnh.
Xuất siêu hơn 37,5 triệu USD
Cán cân thương mại hàng hóa của Khánh Hòa tháng 9/2022 xuất siêu được 37,5 triệu USD. Chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước được 1.206,8 triệu USD, tăng 28,11% so cùng kỳ năm trước: Khu vực trong nước được 747,3 triệu USD, tăng 36,37% và chiếm 61,93% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 459,5 triệu USD, tăng 16,63% và chiếm 38,07%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong nước 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế nhà nước được 36,8 triệu USD, tăng 20,19%; kinh tế tư nhân 708,8 triệu USD, tăng 37,62%; kinh tế tập thể 1,7 triệu USD, giảm 27,13%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 9/2022 ước được 108,2 triệu USD, giảm 27,51% so tháng trước và tăng 28,44% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 69,5 triệu USD, giảm 36,33% và tăng 55,23%; kinh tế nhà nước 6,5 triệu USD, giảm 23,83% và giảm 11%; kinh tế tư nhân 32,2 triệu USD, tăng 2,04% và tăng 0,09%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý III/2022 ước được 384,8 triệu USD, giảm 17,26% so quý II/2022 và tăng 57% so cùng kỳ năm trước: Kinh tế nhà nước 19,8 triệu USD, giảm 5,66% và tăng 30,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 256,5 triệu USD, giảm 25,58% và tăng 94,35%; kinh tế tư nhân 108,5 triệu USD, tăng 9,15% và tăng 10,72%.
Chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ước được 1.306,5 triệu USD, gấp 2,09 lần so cùng kỳ năm trước: Khu vực trong nước được 361,3 triệu USD, tăng 16,39% và chiếm 27,66% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa toàn tỉnh; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được 945,2 triệu USD, gấp 2,99 lần và chiếm 72,34%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong nước 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế nhà nước được 58,6 triệu USD, tăng 39,84%; kinh tế tư nhân 302,7 triệu USD, tăng 12,74%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 xuất siêu được 37,5 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, nhập siêu được 99,7 triệu USD.
Trong tổng nhập siêu 9 tháng đầu năm 2022, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập siêu 485,7 triệu USD, chủ yếu do Công ty TNHH Điện lực Vân Phong nhập máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác để xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong; khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 386 triệu USD.