Sau động thái mới của Fed, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng tốc trong “cuộc đua lãi suất”
BÀI LIÊN QUAN
Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành sau 2 nămNgân hàng ra sức “hút” tiền gửi từ khách hàngĐi ngược với xu hướng toàn cầu, ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn áp dụng lãi suất âmCác quốc gia chấp nhận tổn thất để chống lạm phát
Theo vneconomy.vn, kết thúc cuộc họp vào thứ tư vừa qua của Fed, cơ quan này đã đưa ra thông điệp về những đợt tăng lãi suất lớn hơn. Trong 3 tháng cuối năm 2022, Fed cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa.
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed đã thể hiện lập trường chính sách cứng rắn rằng Fed sẽ mạnh tay để kiểm soát tình trạng lạm phát và sẽ tiếp tục duy trì tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu. Khi được hỏi về rủi ro từ việc các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt dịch chuyển chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed sẽ cố gắng đánh giá tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ giữa các quốc gia nhưng chủ yếu tập trung vào các điều kiện kinh tế trong nước.
“Chúng tôi nhận thức rõ về những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế khác trên thế giới và cả việc điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng tôi”, ông Powell nói tại cuộc họp báo sau khi Fed nâng lãi suất. Tuy nhiên, ông nói rằng các quan chức Mỹ “có một sứ mệnh trong nước và các mục tiêu trong nước” là ổn định lạm phát và tối đa hoá thị trường lao động ở Mỹ.
Các ngân hàng trung ương kiên quyết chống lại sự leo thang của giá, đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận việc thắt chặt sẽ gây ra những tổn thất như suy giảm đầu tư, tuyển dụng nhân sự và tiêu dùng của nền kinh tế. Do đó, ngay sau khi Fed tăng lãi suất, gần 10 ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đều tăng lãi suất. Nổi bật là các nước Vùng Vịnh, bởi hầu hết các đồng tiền trong khu vực này đều gắn với đồng USD.
Cụ thể, Saudi Arabia và Bahrain đã nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia, còn được gọi là SAMA, đã tăng lãi suất mua lại (repo) và mua lại đảo ngược (reverse repo) 75 điểm cơ bản, lên lần lượt là 3,75% và 3,25%. Ngân hàng trung ương của UAE sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3,15%.
Hay tại Kuwait, quốc gia neo đồng nội tệ dinar với rổ tiền tệ chính, đã tăng lãi suất chính thêm 25 điểm cơ bản lên 3%.
Oman, thành viên còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu quốc gia, được cho là sẽ đưa ra động thái tương tự.
Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, từ mức 1,75% lên 2,25% nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục 40 năm. Đồng thời BOE cũng xác nhận bán một phần trong số 944 tỷ USD trái phiếu chính phủ mà họ đã mua trong hơn một thập kỷ qua. Đây sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên làm điều này.
Trong tháng 8, BOE cũng đã thực hiện tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đây là mức tăng lớn nhất tại Anh kể từ năm 1995. Việc cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đây sẽ trở thành mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989.
Trong khi đó, thị trường đang ngày càng chắc chắn với dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thực hiện tăng lãi suất vào ngày 23/10, bước nhảy lãi suất cũng được đẩy lên cao hơn. Cụ thể, các nhà phân tích nhận định ECB sẽ nâng lãi suất lên khoảng 3% trong năm 2023, từ mức 0,75% hiện nay.
Tại Thụy Sĩ, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm một ngày sau khi Fed tăng lãi suất. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong vòng 15 năm qua của quốc gia này. Đồng thời, SNB cũng phát tín hiệu có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Lần tăng lãi suất gần đây nhất của SNB là vào tháng 6 vừa qua, cơ quan này đã tăng lãi suất chính sách lên 0,5% từ mức âm 0,25%. Trước đó, tỷ giá của Thụy Sĩ luôn ở mức âm 0,75% trong nhiều năm qua, vì SNB cố gắng kiềm chế sự tăng giá của đồng franc Thụy Sĩ.
Việc tăng lãi suất chính sách của SNB nhằm chống lại áp lực lạm phát gia tăng, kết quả ban đầu cho thấy ảnh hưởng của lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ đã có dấu hiệu giảm xuống.
Tại khu vực châu Á, ngày 22/9, các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia đều tăng lãi suất tiêu chuẩn.
Lần tăng gần đây nhất của Philippines, cơ quan điều hành của quốc gia này đã tăng thêm 50 điểm cơ bản hay 0,5 phần trăm, đưa mức lãi suất lên 4,25%, cao nhất kể từ tháng 8/2019. Trong khi đó, với lần tăng lãi suất vào ngày 22/9, Ngân hàng Indonesia đã tăng lãi suất trong tháng thứ hai liên tiếp, cũng lên 50 điểm cơ bản lên 4,25%, vượt qua kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích.
Vào chiều ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản, lên 5%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 100 điểm từ mức 2,5% lên 3,5%/năm kể từ ngày 23/9/2022. Lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được duy trì ổn định ở mức 4% và 2,5% kể từ 1/10/2020.
Các ngân hàng kiên quyết không tham gia cuộc đua
Bên cạnh việc có hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất, thì cũng có những ngân hàng trung ương kiên quyết giữ nguyên mức lãi suất.
Tại Nhật Bản, Ngân hàng trung ương của nước này (BOJ) phát thông báo vào ngày 22/9 rằng vẫn duy trì mức lãi suất cực thấp, bất chấp bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang chạy đua nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Theo đó, BOJ giữ nguyên mức lãi suất cũ là âm 0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và 0% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, kế hoạch cho vay cứu trợ liên quan đến đại dịch Covid-19 cũng được ngân hàng trung ương này quyết định loại bỏ dần. Thay vào đó là mở rộng hoạt động thanh khoản hướng đến mục tiêu cấp vốn của doanh nghiệp nhiều hơn. Hệ quả là đồng Yên rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với Euro, buộc nhà chức trách Nhật Bản phải có động thái can thiệp lần đầu tiên kể từ năm 1998 để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, bằng cách bơm ngoại tệ để mua vào Yên.
Trong cùng ngày, tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết nước này có kế hoạch thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường kịp thời sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed. Bởi động thái của Fed vốn được xem là nguyên nhân có thể làm gia tăng sự biến động của thị trường và bất ổn kinh tế trong một khoảng thời gian.
Bộ trưởng Choo Kyung-ho cũng nói thêm Chính phủ Hàn Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chuyển động của đồng nội tệ và tăng cường giám sát sự biến động của thị trường trong ngắn hạn.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ kiên trì với chính sách tiền tệ trái chiều với xu hướng toàn cầu. Cụ thể, cơ quan này bất ngờ hạ thêm lãi suất, mức giảm 1 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất từ 13% xuống còn 12%.
Việc hạ lãi suất này được diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức hơn 80%, đây là mức cao nhất trong vòng 24 năm qua và tăng liên tiếp trong 15 tháng. Sau động thái hạ lãi suất, tỷ giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.