Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành sau 2 năm
BÀI LIÊN QUAN
Đi ngược với xu hướng toàn cầu, ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn áp dụng lãi suất âmKhủng hoảng thị trường nhà ở lan rộng toàn cầu vì lãi suất ngân hàng tăng mạnhLãi suất ngân hàng tăng, người mua nhà lâm cảnh "tiến thoái lưỡng nan"Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/9.
Theo đó, trần lãi suất tiền gửi với kỳ hạn từ 1 cho đến dưới 6 tháng sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên mức 5% một năm. Quỹ tín dụng nhân dân cùng với tổ chức tài chính vi mô sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa là 5,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng cho đến dưới 6 tháng.
Bên cạnh đó, trần lãi suất được nâng từ mức 0,2% lên 0,5% một năm đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng. Hai loại lãi suất điều hành khác là lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5% một năm và 3,5% một năm. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng cùng với cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh tăng từ 5% lên 6% một năm.
Được biết, việc Ngân hàng Nhà nước tăng hàng loạt lãi suất điều hành diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, thêm 75 điểm cơ bản với nỗ lực kiềm chế lạm phát tại Mỹ. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại không còn rẻ, đồng thời hạn chế thanh khoản tiền đồng trên thị trường.
Dù tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu là không đáng kể, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân. Mức trần huy động được nâng lên cho phép những ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho những người gửi tiền. Tức là, chi phí đầu vào của giới nhà băng cũng tăng lên, theo đó lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay cũng sẽ tăng cao.
Thế nhưng, dưới chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực và phấn đấu tiết giảm chi phí cũng như giảm biên lợi nhuận để có thể giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bên cạnh việc nghiên cứu tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, cần giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục tiến hành tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất đối với một số đối tượng và lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước đó, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ khó giữ được mặt bằng lãi suất ở mức thấp trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá. Theo dự báo của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, chính sách và dự báo tiền tệ của Việt Nam có thể sẽ ổn định hơn trong giai đoạn nửa đầu năm sau, thời điểm mà Fed đã phát tín hiệu có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.