Quan niệm “tiền mặt là vua” trở lại, thị trường bất động sản khó càng khó
BÀI LIÊN QUAN
Tín hiệu về giảm lãi suất sẽ giúp thị trường bất động sản sớm kích hoạt lại thanh khoản?Đề xuất đánh thuế với căn hộ chung cư cao cấp: Giá tiếp tục tăng và khó thanh khoảnDoanh nghiệp phân phối bất động sản trải qua một năm thất thu vì thị trường thanh khoản kémQuan niệm “tiền mặt là vua” trở lại
Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cùng bối cảnh “tiền rẻ”, mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống mức thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp và người dân có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư rủi ro cao hơn như chứng khoán, bất động sản, hay tiền số…
Tuy nhiên, từ nửa đầu năm 2022, khi làn sóng dịch Covid-19 dần được kiểm soát trên toàn cầu thì xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, khiến cho kinh tế thế giới xáo trộn vì gián đoạn chuỗi cung ứng, đây cũng là nguồn cơn cho áp lực lạm phát xảy ra. Dòng tiền của nhà đầu tư đã có sự chuyển động khác khi lãi suất tăng cao, chi phí vốn trở nên đắt đỏ.
Bên cạnh đó, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, tiền số, trái phiếu doanh nghiệp cũng có những biến động mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia. Trong bối cảnh đó đó, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng lúc này là tìm cách cất giữ tài sản một cách an toàn trước khi tính tới bài toán sinh lợi. Và vì thế, quan niệm “Tiền mặt là vua” đã trở lại trên thị trường vì ít nhất chúng mang lại dòng tiền, cũng như việc có sẵn nguồn vốn để tái đầu tư.
Theo các chuyên gia, gửi tiết kiệm sẽ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất cho đến hết quý I/2023. Mặc dù gần đây, các ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9,5%/năm, nhưng lộ trình hạ lãi suất có thể sẽ cần nhiều thời gian, đặc biệt khi thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ vẫn còn khó khăn.
Cập nhật biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 2/2023 của các ngân hàng thương mại cho thấy, cuộc đua lãi suất hiện đã đã không còn "nóng". Dù vậy, nhiều người vẫn quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì lựa chọn các kênh đầu tư khác.
Thực tế cũng cho thấy, gửi tiết kiệm hiện vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, nếu số tiền của người dân trước đây dự định dành cho đầu tư, nay phần lớn được chuyển thành tài khoản tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động đang ở mức hấp dẫn.
Theo dự báo của ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cũng, trong năm 2023, kênh gửi tiết kiệm nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền do lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đang ở mức cao hơn năm 2022 khá nhiều và tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư tiếp tục kéo dài.
Lý giải thêm về nguyên nhân gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay, một số ý kiến cho rằng, mặc dù kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ còn khó khăn trong năm nay, nhưng GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 6,5% và mục tiêu lạm phát dưới 4,5%.
Cùng với gửi tiết kiệm, vàng cũng được cho là kênh đầu tư bền vững đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Dự báo trong 2023, thị trường vàng có thể sẽ đón “sóng” đầu tư khi lãi suất ngân hàng chững lại rồi giảm, thị trường tài chính biến động mạnh.
Về ngoại tệ, USD được dự báo biến động ít hơn, chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, tỉ giá USD/VND năm nay sẽ không biến động mạnh như năm trước trong bối cảnh đồng bạc xanh được kỳ vọng đã lập đỉnh từ cuối năm 2022 và Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
Thanh khoản bất động sản càng thêm khó khăn
Riêng về bất động sản, giới chuyên gia dự báo thị trường vẫn còn trầm lắng, khó phục hồi trong năm 2023, dù Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đã có những chỉ đạo, giải pháp rốt ráo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trong thời gian qua.
Theo phân tích, các chính sách hỗ trợ thường có độ trễ nhất định, nhất là mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng cho hoạt động nhà ở vẫn còn ở mức cao. Do đó, khi thanh khoản thị trường tài chính ổn định, và các giải pháp hỗ trợ đi vào thực tế thì mới có thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, hồi phục thị trường. Tuy vậy, vẫn có một số phân khúc được nhận định có nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đối với bất động sản, thị trường có sự phân hóa do một số phân khúc đang gặp khó khăn như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng… trong bối cảnh dòng tiền cho vay đầu tư đang bị siết lại. Tuy nhiên, bất động sản nhà ở một số khu vực được hưởng lợi từ hạ tầng vẫn có triển vọng tích cực.
Do đó, cần xác định và ưu tiên kênh đầu tư trú ẩn an toàn, chẳng hạn một số phân khúc bất động sản tiềm năng như nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, đất nền tại khu vực có hạ tầng đồng bộ, điều kiện pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2023 nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt đang tiếp tục quan sát, chờ đợi. Trong khi đó, các nhà phát triển và chủ đầu tư bất động sản có thể phải chịu áp lực vì các khoản vay ngân hàng, trái phiếu đè nặng trên vai, thậm chí đẩy họ đến với nguy cơ vỡ nợ. Vị chuyên gia cũng dự báo, khả năng hồi phục của thị trường bất động sản có thể sẽ rơi vào nửa sau năm 2023, khi Chính phủ có những biện pháp tích cực, tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Với kịch bản thận trọng, nhiều quan điểm cho rằng, thị trường địa ốc có rất ít cơ hội bứt phá trong năm 2023. Thay vào đó, các công ty bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong 2-3 quý đầu năm.
Đặc biệt, những khó khăn về dòng tiền khiến các doanh nghiệp có thể phải đối diện với khả năng liên tiếp thua lỗ trong những quý đầu năm do thị trường tiếp tục gặp khó về thanh khoản, tâm lý phòng thủ, thậm chí cố thủ, và quan niệm “tiền mặt là vua” lên ngôi khiến thanh khoản thị trường bất động sản khó càng thêm khó.